Những sinh viên có nghị lực "xương rồng"

Bài 3: Cô gái nghèo đam mê tình nguyện

07/07/2012 14:10
Phùng Minh Phúc (Lớp Báo In K29a2, HV. BC)
(GDVN) - “Cầm giấy báo nhập học trên tay, em đã thức trắng cả tuần để quyết định có nên đi hay không vì bố mất rồi. Mẹ thì đau yếu liên miên bởi căn bệnh sỏi mật hành hạ. Hai đứa em của em còn thơ dại quá"  - Hà tâm sự.

Tai họa liên tiếp ập đến

Tôi tình cờ gặp Vũ Thị Hà, sinh viên lớp Công tác xã hội K56, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khi em đang ướt át mồ hôi cõng trên lưng một bé gái mắc bệnh viêm phổi xuống lớp học “Hy vọng” - một lớp học tình thương dành cho các em nhỏ mắc bệnh phải điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương do báo Giáo dục Việt Nam tài trợ. Không thể ngờ rằng, gia cảnh của cô sinh viên đam mê với các hoạt động tình nguyện này lại éo le, khốn khó đến vậy.
Cô Nguyễn Thị Chín - mẹ Hà – vốn yếu đuối, ốm đau thường xuyên từ thời con gái. Năm 1992, cô lấy người con trai cùng làng hơn mình 4 tuổi là Vũ Văn Thành (người cùng quê). Có ai ngờ, sức khỏe của cô Chín ngày càng suy giảm, môi khô, da vàng, niêm mạc mắt bị đục, cứ dăm bữa nửa tháng lại phải lăn lộn bởi những cơn đau vùng hạ sườn và lưng. Mỗi lần như vậy kéo dài cả vài giờ đồng hồ. Lên bệnh viện Yên Hòa khám, bác sĩ bảo cô Chín bị sỏi mật và phải mổ.

Khi có thời gian rảnh rỗi, Vũ Thị Hà thường giúp mẹ đan mây để kiếm thêm thu nhập (ảnh: Minh Phúc)
Khi có thời gian rảnh rỗi, Vũ Thị Hà thường giúp mẹ đan mây để kiếm thêm thu nhập
(ảnh: Minh Phúc)

Thương vợ, chú Thành mang hết số tiền tích cóp được để mổ cho cô Chín. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, bệnh tình của cô Chín lại tái phát và phải mổ lần hai tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đấy, sức lực của cô cứ đuối dần, không thể làm những việc nặng nhọc.
Cuộc sống của gia đình Hà vốn khó khăn, nay lại càng bi đát. Năm miệng ăn chỉ trông ngóng vào 2, 3 sào ruộng thì không đủ. Do đó, năm 2001, chú Thành khăn gói vào Nam làm mướn kiếm thêm thu nhập. Nhưng, tai họa bắt đầu giáng xuống từ đây. Trong một lần tai nạn xe máy, tuy bảo toàn được tính mạng nhưng khuôn mặt của chú Thành bị biến dạng, một bên trán bị vỡ xương, rộng và lóm như lòng bàn tay.
Càng ngày chú Thành càng đờ đẫn như người tâm thần, không chịu tắm rửa, không biết thẹn là gì, suốt ngày đi lang thang đầu đường xó chợ nhặt sắt vụn, đồng nát, ve chai bán lấy tiền uống rượu, hút thuốc,… nhiều khi không về nhà. Đặc biệt, chú hay quát mắng, ai mà nói lại thì đập hết bát đũa, có hôm trút cả nồi cơm xuống đất. 
Trong một lần đi lang thang vào đầu tháng 7/2011 (trước 4 ngày Hà đi thi đại học), chú Thành bị tai nạn và qua đời.

Đeo khăn tang đi thi đại học

Đau đớn, xót thương bố vô hạn nhưng Hà không buông xuôi cuộc sống. “Khi ấy, em tự nhủ với lòng mình phải quyết tâm thi đậu Đại học bằng được, phải trở thành một người thành đạt để giúp gia đình vượt qua khốn khó” – Hà bùi ngùi tâm sự. Nghĩ thế, em lại gạt đi mọi phiền muộn, quyết tâm lên Hà Nội thi Đại học để thực hiện ước mơ.
Ngoài chiếc ba lô đựng đồ đạc và sách vở, hành trang lên đường đi thi của Hà còn có một chiếc khăn tang trắng nhỏ cuốn quanh đầu. Nghĩ đến nó, em lại mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn để vươn lên. Và cuối cùng, sau bao nỗ lực học tập, Hà đã vượt qua thử thách của 3 môn thi khối C với số điểm cao.

Cầm giấy báo nhập học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trên tay, Hà mừng vui khôn xiết. Nhưng phía sau, người mẹ lại nhìn con rơi lệ. Cô Chín bảo Hà: “Thấy con đỗ đạt cao, mẹ cũng muốn cho con đi học lắm! Nhưng bố con vừa qua đời, mẹ thì đau yếu liên miên, chỉ trông chờ vào hơn 2 sào ruộng và đan mây thì cùng lắm cũng chỉ đủ ăn. Hơn nữa, hai em Công và Bằng còn nhỏ, chưa đỡ đần được nhiều. Giờ con mà nhập học thì nhà ta lấy đâu ra tiền đóng học phí, thuê nhà trọ… Thôi thì con ở nhà làm nông giúp mẹ, đợi bao giờ 2 em con học hết cấp 2 rồi hãy tính tiếp”.

Vũ Thị Hà bên cạnh người mẹ bị sỏi mật và 2 em thơ dại (ảnh: Minh Phúc)
Vũ Thị Hà bên cạnh người mẹ bị sỏi mật và 2 em thơ dại (ảnh: Minh Phúc)

Thương mẹ và các em nhưng ước muốn được đi học luôn thôi thúc trong tâm trí Hà. “Sự giằng co giữa đi và ở giống như chiếc búa tạ đập liên hồi vào đầu em. Cả tuần trời thức trắng đêm suy nghĩ, em quyết định vẫn sẽ nhập học và đi gia sư để tự nuôi bản thân. Bởi lẽ, ở nhà thì chỉ sống tạm bợ được qua ngày đoạn tháng. Phải có cái chữ thì mới thành người, mới ổn định lâu dài được. Cuối cùng em cũng thuyết phục được mẹ” – Hà kể lại.
Lên Hà Nội học tập, sau giờ tan lớp, Hà lại tất bật với công việc làm thêm để kiếm tiền ăn học. Do phải đi xe bus hơn 8km từ nhà đến chỗ dạy học, có khi 22h30 Hà mới về tới nhà. Em chi tiêu tằn tiện đến mức cả tháng trời chỉ ăn lạc rang và rau. Có thời điểm cứ nhìn thấy lạc là Hà lại sợ. Hết ăn lạc, Hà lại chuyển sang đậu phụ, cá khô,… và những thực phẩm rẻ tiền nhất.

Đam mê với hoạt động tình nguyện

Kỳ I năm học đầu tiên, Hà đã nhận được quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” trị giá 10 triệu đồng/năm. Áp lực tiền bạc vơi dần, cô sinh viên năm nhất khoa Công tác xã hội có nhiều thời gian hơn cho học tập và làm những việc mình yêu thích, đó là tham gia các hoạt động xã hội. Hà đã đăng ký tham gia tình nguyện tại lớp học “Hy vọng”. 
Tại đây, Hà và các bạn trong nhóm tình nguyện nhận nhiệm vụ đưa đón các em nhỏ từ giường bệnh xuống lớp học và tham gia một số hoạt động như vẽ tranh, nặn đất, múa hát, kể chuyện… để các em quên đi mặc cảm và nỗi sợ hãi về bệnh tật.

Được tình nguyện tại lớp học Hy vọng là niềm vui và hạnh phúc vô hạn của Hà (ảnh: Minh Phúc)
Được tình nguyện tại lớp học Hy vọng là niềm vui và hạnh phúc vô hạn của Hà (ảnh: Minh Phúc)

Với em, được giúp đỡ những người có số phận không may là đam mê và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ. Em sẽ làm hết sức mình để lấy lại tiếng cười trong trẻo của các em thơ mang trong mình bệnh tật” – Hà tâm sự. 
Hai lần mổ sỏi mật nhưng căn bệnh quái ác đó vẫn chưa buông tha cô Chín. Cách đây không lâu, bụng cô lại đau quằn quại. Đi siêu âm, bác sĩ bảo ống mật chủ của cô lại có sỏi và phải mổ lần 3. Tuy nhiên, cô Chín bảo: “Gia đình tôi bây giờ đang nợ cả đống, một nách nuôi 3 đứa con ăn học nên mổ sỏi mật bây giờ thì đào đâu ra tiền, rồi lại phải kiêng dưỡng tẩm bổ cả tháng trời nên không được, chỉ uống thuốc cầm cự được ít nào hay ít đấy, bao giờ bệnh tình nó bung ra, bắt buộc phải mổ thì tính sau. Nói gở một chút chứ nếu có biết ngày mai tôi chết thì hôm nay cũng không có tiền mà chữa”.
Cái nghèo đói của gia đình, bệnh tật của mẹ và nỗi đau mất cha đã trở thành những gánh nặng thể xác và tinh thần. Nhưng, Hà vẫn luôn tự nhủ: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Có lẽ, nghị lực phi thường là thứ vũ khí hữu hiệu nhất mà em có để chiến đấu với hoàn cảnh khó khăn và đạt được mơ ước.

Trong một buổi học nghiệp vụ báo chí, tôi tình cờ nghe được câu chuyện cảm động về sinh viên Nguyễn Thị Nga, lớp Báo in K31, khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bố mẹ và 2 em nhỏ của Nga bị cuốn trôi trong một cơn lũ dữ, chỉ mình em may mắn sống sót.

Bài 4: Em sẽ không gục ngã
Phùng Minh Phúc (Lớp Báo In K29a2, HV. BC)