Kênh tin tức EBC, Đài Loan ngày 5/6 đưa tin, trong lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ đang vờn nhau trên Biển Đông, một nhóm nghiên cứu thân Đảng Dân chủ tiến bộ cầm quyền tại Đài Loan đề xuất với chính quyền đảo này:
Hãy cho Hoa Kỳ thuê đảo Ba Bình mà Đài Loan đang chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) để Washington đưa quân và vũ khí tới đồn trú;
Điều này sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Đề xuất này được một số tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang Đài Loan hưởng ứng.
Đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đảo này đang do Đài Loan chiếm đóng trái phép. Ảnh: EPA. |
Lý do của đề xuất này là thời gian qua Trung Quốc không ngừng quân sự hóa Biển Đông, mà Mỹ chỉ có mỗi cách tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải để tỏ lập trường.
Tuy nhiên việc đưa chiến hạm, kể cả B-52 tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa hay các đảo ở Hoàng Sa xem ra không ngăn được Bắc Kinh. [1]
Ý tưởng này không phải là mới. Dư luận giới quan sát Đài Loan đã từng nêu ra năm 2016 khi Tiến sĩ Thái Anh Văn trúng cử, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất tiếp theo của đảo Đài Loan.
Một số học giả Đài Loan cho rằng, ý tưởng này không khả thi, vì Đài Loan sẽ phải đối diện với áp lực khủng khiếp từ Trung Quốc nếu cho Mỹ thuê đảo Ba Bình. [2]
Kế vây Ngụy cứu Triệu của Tổng thống Donald Trump
Đề xuất chính quyền Đài Loan cho Mỹ thuê đảo Ba Bình làm địa bàn đứng chân chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông được nêu ra trong bối cảnh, Reuters ngày 5/6 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay:
Hoa Kỳ đang tính điều một chiến hạm đến eo biển Đài Loan nhằm phản ứng với các cuộc tập trận Trung Quốc tiến hành xung quanh hòn đảo này, để ủng hộ một đồng minh không chính thức.
Theo Reuters, thậm chí Nhà Trắng còn tính tới phương án điều tàu sân bay đến eo biển Đài Loan, ảnh minh họa: Daily Mail. |
Tổng thống Donald Trump từng nhận điện thoại chúc mừng từ bà Thái Anh Văn khi đắc cử, gần đây ít động đến Đài Loan để tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc đã tăng cường cô lập Đài Loan về ngoại giao bằng cách lôi kéo những đồng minh còn sót lại của đảo này, đồng thời liên tục tập trận xung quanh Đài Loan với tàu sân bay, chiến đấu cơ, uy hiếp an ninh hòn đảo.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, cán cân lực lượng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã thay đổi rất lớn trong những năm gần đây, lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc.
Đạo luật Quan hệ với Đài Loan sau cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương năm 1972 giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông, đã ràng buộc Hoa Kỳ phải có trách nhiệm giúp Đài Loan tự vệ.
Nhưng không rõ liệu Washington có sãn sàng chấp nhận bảo vệ hòn đảo này khi xảy ra chiến tranh hay không.
Từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận bán cho Đài Loan gói vũ khí mới trị giá 1,4 tỷ USD.
Mỹ cần sẵn sàng phá hủy căn cứ tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông |
Đáng chú ý, truyền thông Đài Loan mới tổng kết lại, vừa qua chỉ trong vòng hơn 2 tháng Hoa Kỳ đã thông qua 5 dự luật có liên quan đến Đài Loan:
Tháng Ba ban hành Luật Du lịch Đài Loan; tháng Tư Hạ viện thông qua Luật Ủy nhiệm quốc phòng 2019, Luật ARIA kêu gọi bán vũ khí cho Đài Loan như hoạt động bình thường;
Tháng Năm thông qua Luật Ủy ban đánh giá quốc phòng Đài Loan 2018 và Luật Đài Loan hội nhập quốc tế 2018. [4]
Những động thái nói trên của Hoa Kỳ cùng việc Mỹ thách thức trực tiếp Trung Quốc trên Biển Đông bằng B-52 và kéo chiến hạm cơ động diễn tập bên trong 12 hải lý 4 đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, có ý nghĩa như kế vây Ngụy cứu Triệu, làm Trung Quốc phải căng mình đối phó.
Cá nhân người viết cho rằng, ông Donald Trump không chỉ dùng kế vây Ngụy cứu Triệu để giúp Đài Loan chống lại áp lực rất lớn từ Trung Quốc;
Mà ngược lại, ông chủ Nhà Trắng còn sử dụng Đài Loan như con bài để gây sức ép với Trung Quốc trên 3 mặt trận: Biển Đông, thương mại và an ninh eo biển khi cảm thấy đối tác của mình, ông Tập Cận Bình có dấu hiệu cản trở hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Khả năng Mỹ đưa quân ra Ba Bình, Trường Sa
Ý tưởng Mỹ thuê đảo Ba Bình không phải bây giờ giới quan sát Đài Loan mới đưa ra, nhưng khả năng hiện thực không cao, ít nhất là trong tương lai gần, bởi mấy lẽ.
Thứ nhất, như các nhà phân tích đã nói với South China Morning Post, Bắc Kinh sẽ tăng áp lực tối đa lên Đài Loan trên các phương diện, tác động đến chính tâm lý người dân của hòn đảo này, gây chia rẽ lớn trong xã hội.
Trung Quốc có dám liều lĩnh đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa? |
Thứ hai, việc thuê và sử dụng đảo Ba Bình liên quan tới vấn đề chủ quyền.
Mỹ đến nay vẫn trung lập trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ chỉ bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nếu thuê lại Ba Bình, rất có thể Đài Loan sẽ yêu cầu Mỹ công nhận và bảo vệ yêu sách của họ, chí ít là với đảo Ba Bình họ đang chiếm đóng.
Điều này sẽ làm mất tính trung lập của Mỹ.
Thứ ba, việc cho thuê đảo Ba Bình (cho dù là bất hợp pháp, vì Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) với Đài Loan mà nói, không phải người đứng đầu hòn đảo này có thể tự quyết định, mà phải do cơ quan lập pháp cao nhất Đài Loan quyết định.
Trung Quốc có thể tác động trực tiếp lên dân chúng Đài Loan, ngáng trở quá trình này.
Thứ tư, Đài Loan có muốn cho thuê nhưng chắc gì Mỹ đã muốn thuê?
Mặc dù Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa, nhưng diện tích sẽ rất nhỏ bé nếu so với 7 đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng trái phép.
Lực lượng Mỹ đồn trú tại đây trong trường hợp thuê lại đảo Ba Bình, có cân bằng được lực lượng quân sự Trung Quốc ở Biển Đông hay không, e rằng còn nhiều dấu hỏi lớn.
Hơn nữa, Trung Quốc không dễ gì khai hỏa tên lửa ở Trường Sa hay Hoàng Sa, bởi hậu quả của nó không ai lường được.
Nhưng thứ đặc biệt nguy hiểm mà họ đã triển khai ở đây, chính là hệ thống ra đa quân sự cao tần phục vụ tác chiến điện tử, chế áp điện tử.
Hệ thống ra đa quân sự cao tần mà Trung Quốc lắp đặt trái phép trên các đảo nhân tạo thực sự đã tạo ra mối uy hiếp an ninh rất lớn, ảnh chụp một phần đá Chữ Thập, Trường Sa. Nguồn: Financial Times. |
Trong chiến tranh, nó có thể tạo ra lợi thế không nhỏ cho Bắc Kinh trong việc gây nhiễu, chế áp tên lửa, máy bay của đối phương.
Trong thời bình, dù chưa / không tuyên bố vùng nhận diện phòng không, thì những thiết bị này vẫn đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực.
Máy bay hàng không dân dụng hay quân sự đi qua khu vực nằm trong bán kính tác chiến của các thiết bị này, có thể gặp tai nạn nếu Trung Quốc sử dụng chúng....
Do đó, Mỹ đã phản ứng rất gay gắt và có nhiều cảnh báo, lẫn bước đi đòi hỏi Trung Quốc phải dỡ bỏ hệ thống thiết bị tác chiến điện tử này.
Quân sự sẽ chỉ là 1 giải pháp trong tổng hòa các giải pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự như Thượng nghị sĩ Marco Rubio mới đề xuất.
Trong đó, thương mại và Đài Loan rất có thể là 2 đòn bẩy quan trọng ông Donald Trump đã tính đến.
Xung quanh diễn biến tình hình Biển Đông, cập nhật và bình luận, quý bạn đọc quan tâm vui lòng theo dõi TẠI ĐÂY.
Nguồn:
[1]https://tw.news.yahoo.com/%E5%82%B3%E8%A6%AA%E7%B6%A0%E6%99%BA%E5%BA%AB%E6%8F%90%E7%A7%9F%E5%A4%AA%E5%B9%B3%E5%B3%B6%E7%B5%A6%E7%BE%8E-%E7%94%B1%E7%BE%8E%E7%9B%A3%E6%8E%A7%E4%B8%AD%E9%83%A8%E7%BD%B2%E5%B3%B6%E7%A4%81%E9%A3%9B%E5%BD%88-070648724.html
[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2149576/taiwanese-think-tank-floats-south-china-sea-base-plan
[3]https://www.reuters.com/article/us-usa-taiwan-military-exclusive/exclusive-at-delicate-moment-u-s-weighs-warship-passage-through-taiwan-strait-idUSKCN1J030R
[4]http://mil.huanqiu.com/world/2018-06/12182451.html