Nỗi nhớ Tết Trường Sa
Người mà chúng tôi nhắc đến trong bài viết này là anh Vũ Quang Tiệp (SN 1974, hiện công tác tại Trường trung cấp nghề số 10 (Bộ tư lệnh Thủ Đô), chiến sĩ từng có quảng thời gian rất đẹp của tuổi trẻ được gắn bó với quần đảo Trường Sa đến mười năm.
Ngồi trò chuyện với "vua" bàng vuông về những tháng ngày sôi động trên quần đảo thân yêu của tổ quốc giữa Biển Đông có thể hiểu được đó là quảng thời gian đầy ý nghĩa và rất mực thiêng liêng trong anh.
Cây bàng vuông luôn được anh Vũ Quang Tiệp dành tình cảm trân trọng (ảnh Trinh Phúc). |
Tâm sự với tôi, anh nói rằng mình đến với Trường Sa xuất phát từ một lý do hết sức giản dị.
Quê anh ở Tiên Du, Bắc Ninh không có biển, từ nhỏ anh khát khao được đặt chân tới biển và thèm khát nghe tiếng sóng vỗ rì rào mỗi ngày.
Khát khao đó trong anh lớn dần lên theo năm tháng nên sau khi học xong trường Xe tăng, anh đã tình nguyện ra Trường Sa công tác.
Tình yêu biển của anh đã đưa anh đến với Trường Sa. Để rồi như một định mệnh trong cuộc đời, anh gắn với Trường Sa mười năm công tác (1994 đến 2004) và cho đến tận giờ khi đã rời xa nhưng trái tim của anh vẫn luôn hướng về Trường Sa thân yêu.
Quảng thời gian đó anh Tiệp may mắn được gắn bó và sống trên hai hòn đảo nổi tiếng Nam Yết và Trường Sa lớn.
Anh không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một người lính mà còn góp sức lớn biến đảo cát thành những hòn đảo rợp bóng cây xanh.
Anh Tiệp chia sẻ, trồng cây trên đảo rất vất vả, địa chất đảo là nền san hô rất cứng nên đào hố trồng cây cũng đã là một kỳ công với những người chiến sỹ nơi đảo xa.
Nhưng có một điều kỳ diệu khó lý giải, dưới bàn tay của người lính, những cây xanh được trồng cứ lớn dần lên, vượt qua bão tố, nắng hạn mà vẫn xanh tốt.
Anh Tiệp tự hào kể, “đảo Nam Yết giờ được mệnh danh là đảo dừa. Mỗi người đặt chân đến Nam Yết thời điểm này sẽ ấn tượng với hàng dừa xanh tốt chạy dài trên đảo.
Gắn bó với Trường Sa lâu năm, anh Tiệp nói rằng, có nhắm mắt lại anh vẫn hình dung ra các luồng lạch, các bãi đá, các rặng săn hô trên những hòn đảo này.
Nhớ Trường Sa, cảm mến đồng đội nơi đảo xa anh thể hiện bằng nhiều hành động rất cụ thể. Anh như một chiếc cầu lớn nối Trường Sa với đất liền.
Anh đứng ra kêu gọi, vận động quên góp giúp đỡ cho gia đình chiến sĩ Trường Sa gặp khó khăn. Vận động đóng góp hỗ trợ chiến sỹ nơi đảo xa.
Nhờ anh, nhiều người con, người mẹ của nhiều chiến sĩ Trường Sa mắc bạo bệnh, không có tiền chữa trị được nhiều mạnh thường quân biết đến giúp đỡ.
Qua anh, nhiều người có mong muốn đóng góp cho Trường Sa, cho biển đảo quê hương được bắt nhịp cầu với các chiến sĩ nơi tiền tiêu của tổ quốc.
Anh tham gia ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Hà Nội. Anh cũng là thành viên sáng lập ra hội cựu binh Trường Sa Hà Bắc (hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh).
Giờ đây, nói đến cựu binh Trường Sa, tên của anh được đồng chí, bạn bè trân trọng, yêu mến với biệt biệt danh “vua” bàng vuông như một sự ghi nhận cho những hành động đẹp và ý nghĩa của anh cho Trường Sa.
Trò chuyện với tôi về cái biệt danh ý nghĩa đó, anh Tiệp tâm sự:
“Trường sa có nhiều loài cây như cây phong ba, cây bàng vuông và hiện nay là cây dừa. Tất cả đều là những báu vật và ăn sâu vào tâm hồn của những người lính đảo.
Khi xa đảo về với đất liền tôi nhớ Trường Sa nên muốn đem cây bàng vuông ở nhà mình để mỗi khi nhìn nó giúp tôi vơi bớt nỗi buồn”.
Anh Tiệp cũng kể rằng:
“Trên đảo Nam Yết có một cây bàng vuông tám nhánh rất đẹp, nó được phong tặng là cây di sản.
Những năm khi tôi còn trên đảo Nam Yết, đảo nhỏ này còn ít bóng cây, phân đội tôi hằng ngày được bàng vuông che mát, át đi cái nắng gió khốc liệt trên đảo.
Chúng tôi coi cây như đồng đội. Mỗi sáng, mỗi tối, anh em vẫn dành cho cây bàng một cốc nước ngọt mặc dù nước ở đảo được ví như máu.
Tôi sống trên đảo Nam Yết ba năm, hình ảnh của cây bàng vuông là một biểu tượng rất mực thiêng liêng trong mỗi người lính đảo”.
Bắc nhịp cầu yêu thương của đất liền với đảo
Qua quá trình công tác, gặp gỡ, anh biết rằng không chỉ anh mà nhiều người, nhiều địa phương, tổ chức dành tình cảm đặc biệt cho Trường Sa – Biển Đảo tổ quốc.
Anh Vũ Quang Tiệp luôn dành thời gian để chăm sóc cây bàng vuông (ảnh Trinh Phúc). |
Họ khát khao, trên chính mảnh đất của quê hương họ, cơ quan họ được phủ bóng mát của cây bàng vuông từ Trường Sa gửi về.
Họ muốn trồng cây bàng vuông như thể muốn nói lên rằng Trường sa là một phần máu thịt không thể thiếu trong mỗi vùng quê đất Việt.
Họ muốn quê hương mình in bóng bàng vuông để thế hệ trẻ biết được có một loài cây đã gắn bó với Trường Sa, vượt lên trên bão tố, khắc nghiệt ở đảo mà vẫn xanh tươi tỏa bóng mát cho đời.
Để các bạn trẻ yêu và khắc nhớ về Trường Sa thân yêu.
Bằng tình yêu Trường Sa da diết, anh tự biến mình thành nhịp cầu nối tình yêu thương của Trường Sa với đất liền – đất liền với Trường Sa, để rồi như một mối duyên trời, anh trở thành người ươm mầm bàng vuông từ Trường Sa để tặng các địa phương, trường học và cơ quan đoàn thể trong cả nước.
Nhiều người tìm đến anh, nhờ anh ươm cây bàng vuông bằng tình cảm rất chân thành tha thiết.
Với bàn tay chăm sóc cần mẫn cây bàng vuông từ Trường Sa gửi về dưới bàn tay của anh đã xanh tươi như một phép lạ của cuộc đời.
Những địa phương, tổ chức, cá nhân khi nhận cây bàng vuông do chính Trường Sa gửi về và được anh ươm mầm đã vô cùng xúc động.
Anh nhớ rất nhiều kỷ niệm, lần đưa cây bàng vuông từ Trường Sa về tặng tỉnh Bắc Ninh – quê hương anh, phía tỉnh Bắc Ninh đã có một buổi lễ đầy ý nghĩa.
Hai cây bàng vuông được trồng tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh, hiện nó xanh tốt.
Ở Hà Nội, cây bàng vuông cũng được trồng nhiều nơi và phát triển phù hợp và anh mơ một ngày, thủ đô rợp bóng bàng vuông.
Những chiến sĩ Trường Sa thường gói bánh chưng bằng lá bàng vuông (ảnh nguồn nld.com.vn). |
Nhắc đến Tết, anh Tiệp nói rằng:
“Tôi đã có gần chục cái Tết trên Trường Sa, xa nhà ai cũng nhớ, điều kiện ở Đảo khó khăn nhưng tinh thần anh em luôn làm sao để có một cái tết vui vẻ nhất.
Đặc biệt, ở Trường Sa, bánh chưng xanh luôn rất đặc biệt hơn đất liền. Đó là có vị và màu xanh của lá bàng vuông.
Bởi, lý do rất đơn giản, lá dong gửi từ đất liền ra thường héo nên anh em phải hái lá bàng ngâm nước để gói cùng.
Do đó, bánh chưng của Trường Sa cũng thấm màu xanh của cây bàng.
Gần Tết, đồng chí, đồng đội những người cựu binh Trường Sa luôn nhớ đến cái Tết năm xưa, nhớ anh em trên đảo nên mỗi khi Tết đến các anh luôn cố gắng vận động đất liền gửi tặng các anh những món quà đầy ý nghĩa cho các chiến sĩ Trường Sa”.