Vì sao có em học sinh giỏi vẫn trượt kỳ tuyển sinh vào lớp 10?

03/07/2022 07:00
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các sở giáo dục và đào tạo nên nghiên cứu phương án tổ chức kiểm tra học kỳ II cho học sinh lớp 9 trên máy vi tính, dùng kết quả trên để xét tuyển lớp 10.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 có thể nói là một kỳ tuyển sinh nhiều áp lực cho cả thầy, trò và phụ huynh trong thời gian gần đây.

Chưa có kỳ tuyển sinh nào mà số lượng học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương tăng cao như năm nay nên kéo theo tỷ lệ chọi, cạnh tranh cũng khá cao, nếu các em muốn đỗ vào các trường công lập, trường chuyên.

Người viết cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay áp lực còn cao hơn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ảnh minh họa: P.L

Ảnh minh họa: P.L

Lý do vì sao nhiều học sinh giỏi vẫn trượt kỳ tuyển sinh lớp 10?

Hiện nay, một số địa phương trong cả nước đã hoàn tất tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 và cơ bản đã thông báo kết quả để chuẩn bị nhận hồ sơ, làm thủ tục nhập học.

Sau khi công bố kết quả kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều cha mẹ và học sinh “sốc” với kết quả thi, nhiều em học sinh giỏi nhiều năm liền có điểm thi thấp, vẫn có thể trượt các trường công lập.

Theo người viết, dưới đây có 3 nguyên nhân dẫn khiến học sinh khó đạt điểm cao, học sinh giỏi vẫn có thể trượt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Thứ nhất, tỷ lệ chọi năm nay tăng cao

Theo tôi được biết, một phần nguyên nhân cơ bản khiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có tỷ lệ chọi cao, học sinh khó đạt hơn chính là do việc gia tăng dân số đột biến đối với lứa tuổi các em thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo đúng độ tuổi, các em dự tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là các em sinh năm 2007, theo Âm lịch là năm Đinh Hợi, giai đoạn đó có nhiều đồn đoán về năm “đại cát, đại lợi”, nên lứa tuổi “heo vàng” năm đó tăng đột biến.

Nên, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay số lượng thí sinh dự thi đông hơn, tỷ lệ chọi cao đột biến cũng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, năm hứng chịu hậu quả nặng nề dịch Covid quái ác.

Có thể năm 2021-2022, giai đoạn hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do dịch Covid quái ác, cả nước chuyển từ giai đoạn dạy trực tiếp sang trực tuyến trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư, chuẩn bị như đường truyền, phần mềm, phương tiện dạy học, kiểm tra, đánh giá,… còn hạn chế.

Suốt thời gian dài học trực tuyến nên việc dạy học và tiếp thu của học sinh có vấn đề, nhiều em tâm lý bất ổn,… nên có điểm thi chưa đúng năng lực, trình độ của mình, dẫn đến chất lượng thấp hơn.

Thứ ba, bệnh ngụy thành tích vẫn còn.

Tuy năm qua là năm đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhưng có nơi vẫn áp dụng chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước”, căn bệnh ngụy thành tích đã khiến cho chất lượng học của các em được giáo viên “đẩy” lên cao để đạt chỉ tiêu, để không bị cắt thi đua.

Nhiều học sinh có trung bình môn cả năm trên 8,0, 9,0 nhưng thi tuyển sinh lớp 10 chỉ 1 hay 2 điểm.

Nên, nhiều em có học lực giỏi, nhưng kết quả thi tuyển sinh 10 thấp, trượt các trường công lập.

Kiến nghị các giải pháp để giảm bớt áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Khi các em trượt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ vẫn còn những ngã rẽ khác nhau như có thể trúng tuyển nguyện vọng 2, 3 vào các trường công lập ở xa hơn hoặc học trường nghề, hoặc có thể học trường ngoài công lập ở nơi có điều kiện,…

Và tất nhiên sẽ có một số em vì thất vọng, vì trượt các nguyện vọng, nên có thể bỏ học sẽ gây nên sự lo lắng cho gia đình, xã hội.

Các em bậc học phổ thông trong độ tuổi đi học cần được đến trường, vì thế tạo áp lực học tập, thi cử cho lứa tuổi học sinh trong giai đoạn cơ bản (tiểu học, trung học cơ sở) là không cần thiết.

Thực tế, kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là điểm thật nhưng nó cũng không hoàn toàn phản ánh đúng quá trình học tập của học sinh vì các em đa số chỉ dự thi 3 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ), có nơi Toán, Văn còn nhân hệ số 2.

Do đó, kết quả thi của 3 môn học, không thể đánh giá chất lượng người học, nhiều học sinh giỏi các môn khác nhưng vẫn có thể trượt.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng ở lớp 10 năm 2022-2023 chuyển từ đánh giá kiến thức sang năng lực, phẩm chất, định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn tổ hợp môn nên dùng kết quả 3 môn học để đánh giá học sinh, xác định học sinh đỗ, trượt trường công lập cũng không hợp lý.

Bên cạnh đó, việc thi tuyển sinh chỉ có 3 môn trên dẫn đến vẫn còn tình trạng coi trọng môn chính, môn phụ, khiến lớp 9 các em chỉ tập trung vào 3 môn trên mà ít quan tâm các môn khác, dẫn đến học lệch, bỏ qua nhiều môn quan trọng, định hướng nghề nghiệp.

Do đó, để giảm áp lực cho cả thầy, trò, phụ huynh và học sinh trong kỳ tuyển sinh lớp 10, người viết xin được đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức kỳ tuyển sinh lớp 10 tại các trường trung học cơ sở.

Việc thi tuyển sinh lớp 10 thì tạo ra vô cùng áp lực, tốn kém nhiều kinh phí tổ chức, coi thi, chấm thi, huy động nhiều lực lượng, ban ngành tham gia,...

Tuy nhiên, thực tế vì lý do các cơ sở giáo dục chạy theo thành tích nên kết quả tuyển sinh lớp 10 các môn rất chênh lệch so với điểm trung bình các môn cuối năm lớp 9.

Hiện nay, giao quyền tự chủ cho các trường trung học cơ sở trong việc ra đề, hướng dẫn chấm kiểm tra học kỳ I, II nên kết quả “ảo” rất nhiều.

Do đó, cũng khó dùng kết quả năm lớp 9 để làm cơ sở xét tuyển các trường vì như thế có thể sẽ không công bằng.

Nên trong khi chưa xây dựng được công cụ đánh giá hiệu quả, nâng chất lượng thật thì chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Người viết cho rằng để tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đơn giản, tiết kiệm, tránh áp lực bằng cách tổ chức tại trường trung học cơ sở mà các em đang học, ngay sau kỳ kiểm tra học kỳ II, tận dụng giáo viên tại đơn vị coi thi, học sinh không phải di chuyển xa xôi, không cần phải huy động lực lượng coi kiểm tra, phục vụ hùng hậu.

Tổ chức nhẹ nhàng, giống như một kỳ kiểm tra nhưng quán triệt tinh thần coi thi nghiêm túc, sẵn sàng kỷ luật mức cao nhất, thậm chí khởi tố nếu tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy chế thi.

Về các môn thi nên theo hướng học sinh gồm môn Ngữ văn là tự luận, các môn còn lại là trắc nghiệm và nên gắn các tổ hợp môn mà học sinh lựa chọn để học bắt buộc và tự chọn ở lớp 10.

Khi đó, chỉ cần huy động lực lượng chấm bài môn Ngữ văn, có thể chấm chéo giữa các trường trong địa bàn huyện không cần thiết phải chấm chéo giữa các huyện, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm sẽ được chấm trên máy, tiết kiệm chi phí chấm bài, không quá gây áp lực cho học sinh, sau kiểm tra học kỳ II các em cũng không cần đến “lò” luyện thi vào lớp 10.

Thứ hai, tiến đến lấy kết quả kiểm tra học kỳ II là cơ sở xét tuyển lớp 10.

Tất nhiên, khi đã xây dựng được công cụ đánh giá hiệu quả, lấy chất lượng thật của học sinh thì việc dùng kết quả kỳ kiểm tra học kỳ II làm cơ sở để xét tuyển là phương án hợp lý.

Khi đó, sở giáo dục và đào tạo sẽ ra đề kiểm tra học kỳ II, tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc và lấy kết quả kiểm tra học kỳ II để làm cơ sở tuyển sinh vào lớp 10, việc này sẽ đơn giản, tiết kiệm ngân sách vô cùng lớn, học sinh không áp lực.

Trong giai đoạn hiện nay, người viết cho rằng Sở nên nghiên cứu phương án tổ chức kiểm tra học kỳ II cho học sinh lớp 9 trên máy vi tính sẽ đảm bảo công bằng, khách quan trong xét tuyển lớp 10.

Giảm được ngân sách rất lớn, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Thứ ba, tăng cường mở rộng hệ thống trường liên cấp 2, 3.

Trường cấp trung học cơ sở (cấp 2), trung học phổ thông (cấp 3) có nhiều nét tương đồng, giáo viên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.

Người viết, đề xuất, thay vì trong 1 đơn vị hành chính cấp huyện có 1, 2 trường trung học phổ thông thì nay nên chuyển hướng có nhiều trường liên cấp 2, 3.

Ví dụ một huyện hiện nay có 10 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông thì có thể gom về còn lại 6-7 trường liên cấp 2, 3 vừa tinh giản đơn vị, vừa tinh giản được một phần biên chế.

Khi đã thành lập trường liên cấp 2, 3 thì việc tuyển sinh lớp 10 sẽ giao cho các đơn vị trường cấp 2, 3 đó tự chủ tuyển sinh, không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 chung tốn kém như hiện nay.

Thứ tư, tiếp tục khuyến khích, đầu tư mở rộng trường ngoài công lập, trường nghề hiệu quả

Phát triển trường trung học phổ thông ngoài công lập là một trong những phương án tối ưu để tinh giản biên chế, nhân sự vừa kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó cần phải xây dựng trường nghề hiệu quả, để tạo điều kiện cho các em lựa chọn trường nghề ngoài các trường công lập.

Khi hệ thống trường ngoài công lập, trường nghề đủ mạnh, các trường trên sẽ gánh được một phần học sinh ở các trường công, khi đó không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tốn kém như hiện nay.

Người viết thiết nghĩ, đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các hướng dẫn và giao các Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, điều chỉnh hợp lý để tránh gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 bằng những giải pháp quyết liệt, cụ thể để tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, được lựa chọn nơi học và giảm áp lực không đáng có.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi