Vì sao thế giới Ả-rập đoàn kết lại phản đối tuyên bố của Mỹ về Jerusalem?

12/12/2017 10:00
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Các đồng minh Ả-rập của Hoa Kỳ đã hiểu họ ở đâu trong mối quan hệ với Washington, phải chăng chỉ là quân cờ trong ván cờ địa chính trị của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Hôm 10/12, tại Cairo (Ai Cập) đã diễn ra một cuộc họp khẩn cấp của 22 Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Ả-rập để ra Tuyên bố chung nhằm phản đối quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Cuộc họp này đã đạt được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thuộc Liên đoàn Ả-rập, trong đó có các nước hiện đang là đồng minh của Mỹ như Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Jordan.

Nội dung của Tuyên bố chung đã nhắm vào chỉ trích việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel là một “hành động phí lý”, làm gia tăng căng thẳng và đẩy Trung Đông vào tình trạng ngày càng hỗn loạn và bạo lực hơn.

Đồng thời 22 quốc gia này khẳng định, Hoa Kỳ đã đánh mất vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tuyên bố chung còn đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra một nghị quyết bác bỏ quyết định này của Hoa Kỳ và dự kiến các Ngoại trưởng Liên đoàn Ả-rập sẽ tiếp tục có cuộc họp trong vòng một tháng tới để bàn về Jerusalem.

Đây là một sự đồng thuận hiếm thấy của thế giới Ả-rập sau nhiều rạn nứt, bất đồng và chia rẽ giữa các nước liên quan đến vấn đề khủng bố và bè phái trong khu vực.

Một cuộc họp khẩn của Liên đoàn Ả rập (Ảnh AP).
Một cuộc họp khẩn của Liên đoàn Ả rập (Ảnh AP).

Vậy, động lực nào giúp các quốc gia thuộc thế giới Ả-rập đoàn kết với nhau sau tuyên bố nhạy cảm của Tổng thống Donald Trump về Jerusalem?

Điều này có thể xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, Jerusalem đã là một phần lịch sử và tâm linh của thế giới Ả-rập.

Jerusalem có lịch sử lâu dài, khi tổ tiên của người Palestine và người Do Thái đã xây dựng quốc gia ở đây.

Vào khoảng 3.000 năm trước Công Nguyên, một người có tên là Abraham dẫn đầu một bộ lạc bán du mục từ bán đảo Ả-rập đến khai phá vùng đất Canaan kéo dài từ Địa Trung Hải đến sông Jordan ngày nay và sinh sống tại đây. 

Theo Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, Abraham là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur để đến vùng đất mới Canaan. 

Cuộc đời của Abraham được ký thuật trong chương 11 – 15 của sách Sáng thế ký trong kinh Cựu Ước.

Do vị trí đặc biệt của Abraham trong lịch sử, niềm tin và sách thánh của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo mà ba tôn giáo này thường được gọi chung là "các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham". 

Khoảng năm 2.000 trước Công Nguyên, bộ lạc bán du mục này đã lập ra nhà nước Canaan, sau đó người Phoenicia chuyển đến sinh sống tại khu vực ven biển Palestine và thành lập nhà nước Phoenicia (Phoenicia theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là Palestine).

Kể từ đây, người Do Thái và người Phoenicia luôn xảy ra chiến tranh, xung đột để tranh giành lãnh thổ.

Đến Thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên, Hồi giáo ra đời và phát triển mạnh mẽ ở bán đảo Ả-rập.

Năm 637 những người Hồi giáo đưa quân chinh phục vùng đất Palestine và biến nơi đây thành một bộ phận của thế giới Ả-rập.

Người Palestine bị người Ả-rập đồng hóa, từ đó họ được xem như là người Ả-rập.

Người Ả-rập và người Do Thái trong lịch sử tồn tại và phát triển, mặc dù được coi là có cùng tổ phụ nhưng đã luôn tranh giành để mở rộng các vùng đất riêng của mình.

Jerusalem trong tiếng Semite cổ có nghĩa là “Thành phố của hòa bình”, nhưng đã chứng kiến biết bao cuộc xung đột đẫm máu giữa người Ả-rập và người Do Thái nhằm chiếm thành phố này.

Xét về mặt tâm linh, Jerusalem có một vị trí rất quan trọng trong đức tin của 3 tôn giáo lớn trong khu vực là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là thánh địa.

Đối với người Thiên Chúa giáo, Jerusalem là nơi Chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây.

Người Hồi giáo lại xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời.

Trong khi người Do Thái giáo thì coi Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái và là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon. [1]

Thành phố Jerusalem (Ảnh: Reuters).
Thành phố Jerusalem (Ảnh: Reuters).

Chính vì xuất phát từ vấn đề lịch sử và tâm linh này, mà người Ả-rập và người Do Thái không bao giờ chấp nhận để mất Jerusalem vào tay đối thủ, trong khi người Thiên Chúa giáo luôn muốn Jerusalem là địa phận mang tính quốc tế.

Thứ hai, nỗi đau của người Ả-rập trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với Israel là không thể xóa nhòa.

Sau Thế chiến II, xung đột giữa cộng đồng người Ả-rập và Do Thái ở Palestine do thực dân Anh cai trị ngày càng gia tăng.

Năm 1947, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia là Do Thái (Israel) và Ả-rập (Palestine) riêng biệt, đồng thời trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.

Theo nghị quyết này, vùng đất Palestine do thực dân Anh cai trị sẽ phân bổ 55% cho Israel và 45% cho Palestine.

Bên Do Thái đồng ý nghị quyết này và tiến tới thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948.

Trong khi đó, cộng đồng người Ả-rập trên toàn khu vực phản đối nghị quyết này và phát động một cuộc chiến tranh chống Israel từ năm 1948 - 1949.

Kết thúc cuộc chiến này, Israel giành phần thắng và vẽ ra một đường đình chiến vào năm 1949, kiểm soát nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của Liên Hợp Quốc, đồng thời trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này.

Theo đó, cuộc chiến năm 1948 đã giúp Israel kiểm soát 78% vùng đất Palestine (trong đó có Tây Jerusalem); 22% còn lại, bao gồm Dải Gaza và khu vực Bờ Tây (trong đó có Đông Jerusalem) được kiểm soát lần lượt bởi Ai Cập (Dải Gaza) và Jordan (Bờ Tây).

Tuy nhiên, vẫn có một số phần đất của Jerusalem không nằm trong sự kiểm soát của cả Israel và Jordan.

Đến năm 1967, cuộc Chiến tranh Sáu ngày lại nổ ra giữa các nước Ả-rập và Israel.

Kết thúc cuộc chiến, Israel lại giành phần thắng và kiểm soát 22% phần đất còn lại, bao gồm khu vực Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.

Cuộc chiến tranh Sáu ngày giữa Israel và các nước Ả-rập năm 1967 (Ảnh: ALAMY).
Cuộc chiến tranh Sáu ngày giữa Israel và các nước Ả-rập năm 1967 (Ảnh: ALAMY).

Sau đó Israel còn chiếm được cả phần Cao nguyên Golan của Syria và bán đảo Sinai của Ai Cập.

Đến năm 1979, Israel trao trả Sinai cho Ai Cập nhưng vẫn kiểm soát phần Cao nguyên Golan của Syria.

Đến năm 2005, Israel rút quân khỏi Dải Gaza.

Thời điểm năm 1967, cộng đồng quốc tế - bao gồm cả đồng minh của Israel là Hoa Kỳ đều phản đối việc Israel xác nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ của họ, tuy nhiên, nước này vẫn cho hàng trăm nghìn người Do Thái đến định cư tại phần Đông của thành phố.

Năm 1980, Israel thông qua Luật Jerusalem, tuyên bố rằng “Jerusalem hoàn chỉnh và thống nhất là thủ đô của Israel”.

Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết 478 tuyên bố, Luật Jerusalem của Israel “vô hiệu”. [2]

Về phía Palestine, mặc dù bị Israel chiếm mất phần Đông Jerusalem nhưng nước này vẫn luôn tuyên bố, Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của nhà nước Palestine.

Như vậy, trong hai cuộc chiến tranh giành lãnh thổ giữa cộng đồng Ả-rập và Israel, người Ả-rập đều thất bại và mất đi các phần lãnh thổ mà họ được Liên Hợp Quốc phân chia vào năm 1947.

Đây chính là nỗi đau không thể xóa nhòa được trong tâm khảm của người Ả-rập.

Thứ ba, quyết định của Hoa Kỳ cho thấy một sự thiên vị rõ ràng cho Israel và không coi trọng thế giới Ả-rập.

Quan hệ giữa Israel và Hoa Kỳ chiếm vị trí rất quan trọng trong chính sách tổng thể của Washington ở Trung Đông, bởi vậy, Hoa Kỳ luôn coi trọng việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Israel.

Đạo luật Đại sứ quán ở Jerusalem được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1995 đã yêu cầu đại sứ quán nước này phải di chuyển đến Jerusalem.

Thế nhưng tất cả những người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump cứ 6 tháng một lần lại ra sắc lệnh trì hoãn quyết định này, mặc dù họ cũng đã từng hứa hẹn sẽ thực hiện điều đó trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một quyết định khiến cả thế giới Ả-rập sôi sục phản đối, trong khi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì những lo ngại về một cuộc xung đột đẫm máu có thể nổ ra ở Trung Đông.

Thực tế, trong những năm qua, Hoa Kỳ đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông liên quan đến vấn đề địa chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố, vì vậy, nước này đã thiết lập nhiều đồng minh quan trọng thuộc thế giới Ả-rập.

Thế nhưng, quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel của Tổng thống Donald Trump cho thấy, Hoa Kỳ đã rất ưu ái đồng minh Israel, trong khi dường như không thể hiện sự coi trọng đối với các đồng minh Ả-rập.

Điều này đã gây ra sự phẫn nộ và phản đối quyết liệt của thế giới Ả-rập, trong đó có cả các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ như Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Jordan.

Do đó, quyết định của ông Trump ngoài việc tạo ra xung đột, còn dẫn đến nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ đồng minh giữa các nước Ả-rập với Hoa Kỳ.

Bản đồ Israel - Palestine theo thời gian (Ảnh: AP).
Bản đồ Israel - Palestine theo thời gian (Ảnh: AP).

Những ngày qua, cũng có một số người trong giới phân tích nghi ngờ rằng, việc ông Trump đưa ra quyết định gây tranh cãi này có thể đã được sự ủng hộ ngầm của Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman nhằm đổi lấy sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến quyền lực của nội bộ Hoàng gia cũng như để đối phó với Iran.

Tuy nhiên, xem ra nhận định này chưa đủ sức thuyết phục, bởi Thái tử Mohammed bin Salman đã tạo dựng được quyền lực ở trong nước và điều cần làm bây giờ của Ả-rập Xê-út là phải thiết lập được sự ổn định, tránh mọi căng thẳng trong khu vực.

Còn trong cuộc đối đầu với Iran, mặc dù Ả-rập Xê-út rất cần sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, nhưng không vì thế mà họ lại đánh đổi tất cả các yếu tố về lịch sử, tâm linh và cả nỗi đau thua cuộc trước đây, thậm chí có thể biến thành mục tiêu tấn công của cả cộng đồng Ả-rập.

Có thể nói, quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel không chỉ tạo nên sự đối đầu nguy hiểm giữa Palestine và Israel, mà còn gây ra sự phản ứng giận dữ của cộng đồng Ả-rập.

Thông qua quyết định này, các đồng minh Ả-rập của Hoa Kỳ sẽ hiểu được họ đang ở đâu trong mối quan hệ với Washington, phải chăng họ chỉ là quân cờ trong ván cờ địa chính trị của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Đồng thời Hoa Kỳ cũng hiểu được rằng, họ không thể tạo ra được ảnh hưởng tuyệt đối và lay chuyển được sự đoàn kết trong thế giới Ả-rập nếu một khi họ động chạm đến vấn đề lịch sử và tâm linh của người Ả-rập.

Và như vậy, trong thời gian tới, nhiều khả năng cộng đồng Ả-rập sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết để gây sức ép và yêu cầu Liên Hợp Quốc ra nghị quyết buộc Hoa Kỳ phải rút lại quyết định nhạy cảm này;

Hoặc chí ít cũng phải tuyên bố lại một cách rõ ràng về những bước đi tiếp theo trong tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine, bởi trong cách diễn đạt khi tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel vừa qua ông Trump vẫn lưu ý rằng:

Việc công nhận này không thể hiện quan điểm của Hoa Kỳ về chủ quyền của Israel ở toàn bộ Jerusalem cũng như quy chế cuối cùng cho thành phố này trong thỏa thuận giữa Israel và Palestine.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vi.m.wikipedia.org/ Jerusalem.

[2] http://www.bbc.com/news/world-middle-east-39960461.

PHẠM DOÃN TÌNH