Không ít chuyên gia khi được phóng viên tham vấn đều cho rằng, đối với những dự án dùng tiền ngân sách câu chuyện đội vốn không còn mới lạ.
Nhưng chỉ là một dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê của một tỉnh lẻ như Ninh Bình đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng là điều không thể chấp nhận và cần phải làm rõ trả lời dư luận. Có hay không lợi ích nhóm ở đây?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc dự án đội vốn lên vài chục % theo lạm phát hoặc vật giá gia tăng là chuyện bình thường trong một nền kinh tế thị trường theo cơ chế cung – cầu.
Tuy nhiên, việc đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2595 tỷ đồng, tức là gấp 36 lần hay vốn tăng lên 3.500% là rất vô lý, vô cùng bất thường, cho dù có lý giải một nửa vốn là xã hội hoá.
Chắc chắn việc đội vốn “khủng” như thế này không chỉ tôi, giới chuyên gia, dư luận ít nhiều cũng ngạc nhiên và bất ngờ. Những con số không tưởng chỉ có trong mơ lại xảy ra thực tế tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tính ra để nạo vét, xây kè, cải tạo cảnh quan mỗi km sông Sào Khê lên đến cả trăm tỷ đồng. Ảnh: K.C Báo Nông nghiệp Việt Nam. |
Nói về con số đội vốn lên gần 2.600 tỷ đồng chỉ để nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê đã có không ít người đặt nghi vấn Ninh Bình nạo vét sông vì sao cần đến hàng nghìn tỷ như vậy?
Tiền ngân sách là tiền thuế của dân đóng góp bằng công sức, mồ hôi và nước mắt nên không thể chi tiêu một cách tùy tiện.
Về con số đội vốn, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Nga thẳng thắn chỉ rõ: “Con số 72 tỷ đồng (gần 3,2 triệu tỷ đô la Mỹ) ban đầu đã là không nhỏ đối với một dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan tại một tỉnh lẻ như Ninh Bình.
Con số đội vốn lên 2.595 tỷ đồng (hơn 114 triệu đô la Mỹ) lại là một con số quá lớn, nếu không nói là khổng lồ trong việc nạo vét, xây bờ kè của một con sông dài có 14 km, tính ra 185 tỷ đồng/km (tương đương 8 triệu đô la Mỹ) còn đắt hơn cả đường cao tốc có 4 làn xe”.
Theo lý giải của một quan chức tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân gây ra đội vốn gấp 36 lần là do dự án đã được thay đổi và điều chỉnh theo mục tiêu vừa phục vụ nông nghiệp, vừa tôn tạo cảnh quan cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ giao thông thủy, du lịch.
Dự án bé như "con chuột" biến thành "voi ma mút" có thể ẩn chứa nhiều gian dối |
Về nguyên nhân được cho là đội vốn dự án trên, Phó giáo sư Nga phân tích: “Điều này chỉ đúng một phần nếu vốn đội gấp không quá 5 lần. Do vậy việc đội vốn lớn chắc chắn phải có những nguyên nhân khác.
Dự án trên do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ định thầu cho tập đoàn Xuân Trường, một tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất ở tỉnh Ninh Bình.
Việc chỉ định thầu chắc chắn sẽ gây ra đội vốn so với ban đầu bởi bên được chỉ định thầu chắc chắn sẽ đưa ra những con số làm sao vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa hài lòng với các quan chức chỉ định thầu bởi rất có thể là “có đi có lại mới toại lòng nhau” ở đây.
Hơn nữa dự án này có từ năm 2001, đến nay đã 17 năm mà vẫn chưa hoàn thành, nên việc đội giá là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng việc đội giá lên 36 lần hay 3.500% là điều phi lý.
Việc rất nhiều dự án đầu tư công đội giá mà chưa có hướng giải quyết thấu đáo và cũng chưa thấy ai bị xử lý hay bị thu hồi dự án, cho nên các nhà thầu dự án đều “kêu” và đều đội vốn cao nhất có thể.
Hơn nữa có thể doanh nghiệp Xuân Trường sẽ chia nhỏ dự án này và tiếp tục “bán” cho các đối tác sân sau khác nên vốn lại đội thêm một lần nữa. Rất nhiều khâu trong quản lý dự án lỏng lẻo, rơi vãi nhiều, trong đó có vấn đề “lại quả” trong thực hiện thầu”.
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Nga cho rằng, với một dự án chỉ nạo vét, xây kè, cải tạo cảnh quan của một tỉnh lẻ như Ninh Bình thì số vốn trên quá lớn, ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: NVCC. |
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Ninh Bình ưu ái cho doanh nghiệp Xuân Trường làm dự án. Đáng nói, nhiều năm liền (5 năm) doanh nghiệp không làm gì nhưng Ninh Bình vẫn tạm ứng cho doanh nghiệp số vốn 700 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Nga cho biết: “Theo nghị định Số: 37/2015/NĐ-CP qui định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì việc tạm ứng 700 tỷ đồng của Ninh Bình cho tập đoàn Xuân Trường là không sai về mặt pháp lý bởi việc tạm ứng hợp đồng được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực và không quá 50% giá trị hợp đồng ở thời điểm ký kết.
“Phải làm một cách nghiêm túc những dự án có dấu hiệu bất thường như thế. Từ đó mới quy trách nhiệm những cán bộ, lãnh đạo nào có chủ trương đưa ra những dự án đội vốn lớn như thế. Ai là người phải chịu trách nhiệm với dự toán ban đầu khác xa với thực tế nhằm móc ruột ngân sách nhà nước”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói. |
Việc 5 năm doanh nghiệp Xuân Trường không làm gì với dự án thì tỉnh Ninh Bình hoàn toàn có thể và cần phải thu hồi tiền tạm ứng. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên số tiền 700 tỷ đồng này không thu hồi và coi như doanh nghiệp vay tiền không lãi suất, đây là điều đáng tiếc. Đây chính là lỗ hổng xuất hiện tham nhũng”.
Có hay không sự ưu ái “không trong sáng” cho các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, câu trả lời là có và phổ biến bởi các doanh nghiệp này thường là doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp sân sau của một số quan chức.
Hầu hết các dự án đầu tư công đều do chỉ định thầu hoặc cạnh tranh không lành mạnh bởi có sự xuất hiện của “quân xanh quân đỏ”, nên việc nâng đỡ, ưu ái là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Trong câu chuyện này chỉ ngân sách Nhà nước là thiệt hại nặng”.
Còn đánh giá về dự án đội vốn “siêu khủng” này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng bày tỏ sự khó hiểu trước dự án ban đầu phê duyệt bằng “con chuột” sau đó nở phồng bằng “con voi ma mút”.
Ông Lê Như Tiến: Dự án đội vốn nghìn tỷ có chảy vào túi cá nhân không? |
Chuyên gia Bùi Kiến Thành chỉ ra thực trạng: “Thực tế, nhiều năm qua, tại không ít dự án của địa phương, bộ ngành có tình trạng ban đầu dự toán rất thấp và hợp lý để nhằm xin được phê duyệt dự án.
Khi được phê duyệt dự án rồi thì dần dần cứ nâng vốn lên gấp 5 lần, 10 lần và đến mấy chục lần so với số tiền phê duyệt dự án ban đầu.
Đó là cách làm dự án gian dối, hại dân hại nước nhằm móc tiền ngân sách nhà nước”.
Trước đó, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trong kỳ họp Quốc hội mới đây, đã nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn.
Trong đó, cá biệt có dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) điều chỉnh giá trị tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Đặc biệt, theo kết luận thanh tra tại 10/62 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ninh Bình của Thanh tra Chính phủ, tất cả các dự án đều bị đội vốn.
Trong giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra mới chỉ tiến hành xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn.
Dự án nào đội vốn ít thì cũng tăng gấp đôi, cá biệt có những dự án đội vốn lên tới vài chục lần.