Câu chuyện dự án đội vốn của Ninh Bình đã trở thành đề tài tranh luận gay gắt tại hội trường Quốc hội ngày 28/5.
Tại đây Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói thẳng, cử tri nhìn dự án Sào Khê mà giật mình vì việc "nở" vốn đầu tư quá sức tưởng tượng (đội vốn từ 72 tỷ đồng lên hơn 2.500 tỷ đồng).
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng chỉ thẳng tình trạng "đầu chuột, đuôi voi" rất phổ biến, có thật ở nhiều nơi. Khi xin thì rất ít, nhỏ nhỏ, bé bé, khi làm thì nở dần, nở dần. Thử hỏi nở vậy thì biết lấy tiền đâu để bù vào?.
Đại biểu Trí cũng không đồng ý cách giải thích chỉ có 1.400/2600 tỷ đồng là tiền Nhà nước, vì tiền nào cũng là tiền, việc nở vốn gấp 36 lần thì quá kinh hoàng.
Dự án nạo vét sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) đội vốn tới 36 lần từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng. Ảnh: VOV. |
Dư luận nên hiểu, thông cảm cho Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí với phát biểu trên vì (chắc có lẽ) ông chưa nhìn thấy dự án nào đội vốn còn hơn “bột nở” như vậy.
Nhưng điều có lẽ khiến người dân chua xót hơn cả chính là việc tiền thuế của họ bị ném xuống sông (theo nghĩa đen), có nguy cơ thất thoát, lãng phí khi dự án vẫn còn nằm trong tình trạng dang dở.
Cùng chung quan điểm trên, hôm 2/6, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến Sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng việc dự án đội vốn (lớn) phản ánh sự không lành mạnh về quản lý, đầu tư trong nền kinh tế thị trường.
“Bất kỳ một dự án nào khi triển khai cũng phải tính toán đến hiệu quả đầu tư để đảm bảo sự phát triển bền vững. Muốn vốn dự án không bị thất thoát thì phải quản lý chặt chẽ ngân sách. Đây là nguyên tắc trong quản lý, đầu tư.
Nếu dự án đội vốn không có lý do cụ thể, thuyết phục, không tuân thủ theo các quy định đầu tư, quản lý, tài chính thì việc dự án đội vốn chắc chắn là có vấn đề.
Tôi cho rằng, những dự án đội vốn thời gian qua gây bức xúc cho xã hội đều là có vấn đề hết ”, ông Kiêm đánh giá.
Bàn luận sâu hơn về câu chuyện dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn từ 72 tỷ đồng lên tới gần 2.600 tỷ đồng vừa trở thành đề tài tranh luận gay gắt tại diễn đàn Quốc hội ngày 28/5 ông Kiêm tỏ thái độ bất ngờ và cho rằng cần làm rõ nghi vấn rút ruột công trình tại dự án này.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra nhận định về nguyên nhân khiến việc dự án đội vốn kinh hoàng nêu trên.
“Phải nói rằng, quyết định đầu tư dự án này chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Việc quy hoạch, lập kế hoạch vốn, phê duyệt dự án, cấp vốn dự án này là có vấn đề.
Cần làm rõ có hay không việc một số cá nhân lợi dụng sự sơ hở, thiếu minh bạch của dự án để móc ngoặc, thực hiện rút ruột công trình?
Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của cơ quan kiểm tra, thanh tra khi để dự án đội vốn bất thường như vậy.
Nếu việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời, nghiêm túc sẽ chặn được việc dự án “nở” ra một cách nhanh chóng như dự án trên”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Tiến Sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh của Ngọc Quang. |
Từ những nhận định trên, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra lại một số dự án đội vốn nói trên, để làm rõ nguyên nhân, xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
“Phải làm rõ việc đội vốn công trình do nhận thức hay do bất khả kháng. Nếu có tình trạng vây cánh, lợi ích nhóm khiến dự án đội vốn thì phải điều tra, xử lý nghiêm”, ông Kiêm đề nghị.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, việc thanh tra, kiểm và xử lý nghiêm những vi phạm có liên quan tới dự án trên là giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng dự án đội vốn hơn cả “bột nở”.
"Nếu không làm triệt để điều này thì hôm sau sẽ có dự án “nở” vốn lớn hơn một số dự án ở Ninh Bình. Khi đó, ngân sách bị thất thoát, lãng phí là điều khó tránh khỏi”, ông Kiêm cảnh báo.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 28/6/2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình có quyết định phê duyệt dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê (gọi tắt là dự án Sào Khê) với mức đầu tư 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Ninh Bình sử dụng đồng thuế của người dân đóng góp quá tùy tiện? |
Ngày 23/5/2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ nhất), nâng mức đầu tư lên 189 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (hiện là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn), doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng thầu xây lắp.
Ngày 22/4/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình lại phê duyệt lại dự án (lần thứ hai), điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 399,695 tỷ đồng, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005-2007. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục thực hiện các hạng mục bổ sung công trình của dự án.
Đến ngày 2/12/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình lại ban hành quyết định phê duyệt dự án Sào Khê với mức đầu tư lên 2.595 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Công ty tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội tư vấn lập dự án.
Trong đó, chi phí xây dựng là 1.566 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 526 tỷ đồng, chi phí dự phòng 432 tỷ đồng, chi phí khác 70 tỷ đồng... Dự án với 4 hạng mục lớn, gồm phần thủy lợi, công trình cầu, công trình kiến trúc văn hóa và đường giao thông.
Bên cạnh đó, cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn tài trợ của nước ngoài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005 – 2011 cho thấy còn nhiều sai sót trong khâu thẩm định, phê duyệt dự án; lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình; cũng như đấu thầu và lựa chọn nhà thầu...
Trong giai đoạn này tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ mới chỉ tiến hành xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn lớn, trong đó có những dự án đội vốn lên tới vài chục lần.