Việt Nam đạt tín nhiệm cao của đông đảo thành viên LHQ

14/11/2013 10:25
Theo TTXVN
(GDVN) - Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Điều này cho thấy Việt Nam đã đạt được sự tín nhiệm cao của đông đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Đêm 12/11 (theo giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Điều này cho thấy Việt Nam đã đạt được sự tín nhiệm cao của đông đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Thưa Bộ trưởng, Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của sự kiện này?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh:
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những vấn đề quốc tế lớn, là một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên hợp quốc, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển.

Với tầm quan trọng như vậy của vấn đề quyền con người, năm 2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập Hội đồng Nhân quyền để thay thế Ủy ban Nhân quyền trước đây bị các nước phê phán là hoạt động kém hiệu quả.

Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Hội đồng có nhiều cơ chế giúp việc như Ủy ban Tư vấn, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Thủ tục đặc biệt gồm 48 Báo cáo viên đặc biệt, Chuyên gia độc lập hoặc Nhóm làm việc, Thủ tục Khiếu nại và đặc biệt là Cơ chế Kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR) mà theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền về việc đảm bảo quyền con người tại nước mình.

Việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “ là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của ta trên lĩnh vực này.

Vì vậy, việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dành cho Việt Nam, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt.

Trước hết, điều này cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Trong sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người cũng được chú trọng, theo hướng vừa thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.

Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

- Việt Nam có những định hướng lớn như thế nào khi tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách là quốc gia thành viên, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên hợp quốc.

Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp; thực tế tôn trọng và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam, kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, qua đó góp phần phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

Ta cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, việc tham gia vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền cũng là cơ hội tốt để ta nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các cơ chế đa phương quan trọng trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo TTXVN