Việt Nam đỉnh rồi, có cần hỏi ý dân nữa không?

18/04/2018 07:20
Xuân Dương
(GDVN) - Làm lòng dân bất an có phải là cách trị quốc văn minh?

Nói Việt Nam “đỉnh rồi” bởi các nước giàu có người ta đều thu thuế tài sản nên Việt Nam cũng phải thu.

Các nước giàu có như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn,… đều thu thuế tài sản thì có lý gì Việt Nam lại không thu?

Đem Việt Nam so với các “đỉnh” của thế giới có phải là Việt Nam cũng … “đỉnh rồi” hay chỉ là kiểu suy nghĩ “gần” mà có người nói theo tiếng Tàu là “thiển cận”?

Hễ nói đến thu thì viện dẫn các nước thế này, thế nọ, chẳng hạn giá điện thu lũy tiến do các nước đều thế, còn khi nói đến tăng lương thì bảo ngân sách còn hạn chế nên phải từ từ.

Cứ mỗi lần tăng lương là các thứ chi phí tăng theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.  

Việt Nam đỉnh rồi, có cần hỏi ý dân nữa không? ảnh 1Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, dân mệt lấy sức đâu mà đẩy?

Biện minh cho kiểu suy nghĩ “gần”, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho rằng:

Sao lại gọi là tận thu, dưới 1 tỷ không đánh thuế, nhà gần như không bị đánh thuế, thuế suất thì thấp so với các nước trong khu vực. Như thế nào gọi là tận thu?”.

Thật ra nói nhìn gần là hơi oan cho Bộ Tài chính, trong dự thảo sự “nhìn xa” của bộ này nhiều người không để ý, đó là Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn từ 15% - 17%.

Giảm thuế doanh nghiệp tức là giảm thu ngân sách, vậy nên để “bù giảm” thì phải có khoản thay thế?

Có phải là “nước chảy chỗ trũng” không khi giảm thuế doanh nghiệp là có lợi cho giới chủ, tức là người giàu, bù lại bằng cách đánh thuế cả người giàu lẫn nghèo, mà người nghèo lại chiếm đại bộ phận dân chúng?   

Theo dự thảo có hai phương án thuế nhà ở là 0,3% hoặc 0,4% giá trị căn nhà, kèm hai phương án thu thuế với nhà trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Tổ hợp các phương án, Bộ Tài chính dự kiến bốn con số mà ngân sách sẽ tăng thêm: 22.700 - 23.300 - 30.300 - 31.000 tỷ đồng, quy đổi với giá thị trường ngày 16/4/2018 (1 USD tương đương 22.800 đồng) thì ngân sách sẽ có thêm khoảng từ 1 - 1,4 tỷ đô la Mỹ.

Hãy thử tính toán số tiền mà người dân có thể sẽ phải nộp so với đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước).

Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 cho thấy: cả nước có 583 doanh nghiệp nhà nước sở hữu tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này là 139.000 tỷ đồng. [1]

Số liệu kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 (ảnh: Vietnamnet.vn)
Số liệu kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 (ảnh: Vietnamnet.vn)

Theo quy định từ 1/1/2016 tất cả doanh nghiệp đều chịu chung mức thuế 20%, vậy thực chất lãi mà toàn bộ doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách sẽ chỉ là 111.200 tỷ đồng.

Dễ dàng tính ra số tiền thuế tài sản thu từ dân (nếu luật được thông qua) sẽ bằng từ 20,4% đến 28% tổng thu từ các doanh nghiệp nhà nước!

Một bài viết trên Thanhnien.vn cho thấy, khoản thu thuế tài sản năm 2017 là 1.800 tỷ đồng (thuế nhà ở chưa thu), nếu tận thu được khoản thuế tài sản như đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách sẽ có thêm từ 22.700 đến 31.000 tỷ đồng, tăng so với 2017 lần lượt là 20.900 đến 29.200 tỷ đồng so với số tiền thu từ thuế tài sản hiện nay.

Chỉ cần ban hành sắc thuế mới, khoản thu ngân sách sẽ tăng từ 1.200% đến 1.700% so với cách thu hiện nay mà chẳng cần đến tăng năng suất và phát triển sản xuất, nói thế liệu có thiếu chính xác? [2]

Nếu được thông qua, Luật thuế mới sẽ tác động thế nào đến toàn xã hội?

Đối với người làm chính sách

Đề xuất đánh thuế dồn dập như Bộ Tài chính thì sẽ "vắt kiệt" túi người dân

Liên quan đến một ngôi nhà có những loại thuế nào?

Đất xây nhà - thuế; Xây nhà - thuế; Mua nhà - thuế; Ở nhà mình -  thuế; Bán nhà - thuế;…

Liệt kê một tí đã có 5 sắc thuế liên quan đến một căn nhà ở của người Việt, nếu “tính đúng, tính đủ” thì còn nhiều loại thuế, phí khác, liệu đây có phải là thuế chồng thuế?

Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước lúc lâm chung căn dặn vua Trần Anh Tông:

Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc, ấy là thượng sách để giữ nước”.

Lịch sử nhân loại cho thấy triều đại nào làm được điều đó thì thịnh, ngược lại thì suy, nếu những người ngồi lo chính sách chỉ nghĩ đến thành tích của nhiệm kỳ mà quên đi “kế sâu rễ, bền gốc” thì đó là công hay tội?

Nỗi lo lớn nhất của các gia đình người Việt ngày nay chính là nhà ở, không “an cư” thì làm sao “lạc nghiệp”? Làm lòng dân bất an có phải là cách trị quốc văn minh?

Đối với ngành thuế

Một tài liệu do Ban Phân tích Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy khoản “quà biếu” mà doanh nghiệp phải trao cho cán bộ thuế chiếm tỷ lệ như sau:

Các doanh nghiệp Nam Phi - 3,13%; Việt Nam - 33,68 %; Trung Quốc - gần 39%; Philippines và Thái Lan vào khoảng hơn 22%. [3]

Nếu không có khoản lót tay này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chẳng cần giảm thuế từ 20% xuống 15-17% làm gì và ngân sách không thất thu một khoản lớn đến mức phải đánh thuế người nghèo.

Thêm đối tượng phải đóng thuế thì phải thêm người thu thuế, liệu tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp có như căn bệnh truyền nhiễm, lây lan sang cả các hộ gia đình?

Đối với người dân

Việt Nam đỉnh rồi, có cần hỏi ý dân nữa không? ảnh 3Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu, gánh nặng kinh tế lại dồn lên vai người dân

Một điều khá lạ là diện tích đất tính thuế, theo dự thảo:

“Diện tích đất tính thuế (căn hộ để ở) = diện tích nhà x hệ số (0,2);

Diện tích đất tính thuế (căn hộ kết hợp ở và kinh doanh -shophouse) = diện tích nhà x hệ số (0,3)”.

Giả sử trên một mảnh đất rộng 1.200 m2, xây chung cư cao 30 tầng, mỗi căn hộ để ở rộng 100 m2, trừ đi 200 m2 cầu thang, hành lang thì số căn hộ sẽ là 300.

Nếu nhân hệ số 0,2 thì diện tích “đất” tính thuế sẽ là 100x0,2x300 = 6.000 m2 trong khi thực tế quỹ đất chỉ tốn 1.200 m2. Tại sao không lấy 1.200 m2 chia đều cho 300 căn hộ?

Liệu Bộ Tài chính có nên thay thế khái niệm “đất” bằng khái niệm “sàn” để tránh những hệ lụy khi người dân ở chung cư không có “đất”?

Với một nhóm cư dân khá đông đảo là người nghỉ hưu - chẳng hạn giáo viên mầm non, tiểu học, lao công,… lương hưu còn phải được bù thêm cho bằng lương cơ bản, ngôi nhà của họ do cha ông để lại, họ lấy đâu tiền để nộp thuế?

Nếu họ không nộp thuế có bị phạt tù vì vi phạm luật?

Theo Ngân hàng Thế giới, hiện vẫn còn tồn tại khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam, nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người nghèo. [4]

Lấy gì đảm bảo sắc thuế mới không tác động tới nhóm cư dân này khi luật chỉ quan tâm đến giá trị tài sản mà không chú ý đến nguồn thu của chủ sở hữu?

Liệu các ngôi nhà sàn trị giá vài tỷ đồng của đồng bào dân tộc có phải là đối tượng chịu thuế?

Đối với nhà nước

Việt Nam đỉnh rồi, có cần hỏi ý dân nữa không? ảnh 4Ngân sách đâu đến nỗi khó khăn đến thế!

Thuế là khoản thu chính của ngân sách, điều này dân chúng đều biết, đóng thuế là nghĩa vụ của công dân, điều này mọi công dân đều hiểu.

Vấn đề là theo chiều ngược lại, tiền thuế của dân được sử dụng như thế nào thì dân có được nhà nước công khai, minh bạch?

Tất nhiên, ở quốc gia nào cũng thế, có một vài khoản chi có thể không công bố ngay.

Tuy nhiên khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội đoàn nghề nghiệp như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên đoàn bóng đá, Hội nhà báo,… mỗi năm lên đến 14 nghìn tỷ đồng [5] liệu có sự đồng ý của dân?

Việc chia nhỏ các đơn vị hành chính khiến tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức tăng vọt, khiến phải chi khá nhiều tiền cho việc xây trụ sở mua sắm xe cộ, thiết bị,… có phù hợp ý dân?

Một nhà nước minh bạch nghĩa là dân có quyền được biết tiền mình nộp được sử dụng thế nào.

Khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ thì nhà nước phải lấy “tiền túi” bù lỗ chứ không thể lấy tiền thuế của dân.

Thiết nghĩ, chủ trương của Bộ Tài chính động chạm đến toàn dân thì cần phải trưng cầu ý dân. Luật Trưng cầu ý dân đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 có nên đem ra sử dụng?

Cũng may là chúng ta còn có thời gian để bàn thảo, góp ý thêm cho sắc thuế này, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời tờ Tuổi trẻ hôm 17/4 thì sắc thuế trên chưa có trong kế hoạch xây dựng luật của Quốc hội cho đến hết năm 2019. [6]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/doanh-nghiep-nha-nuoc-tai-san-3-trieu-ty-no-1-5-trieu-ty-406264.html

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/ap-luat-thue-tai-san-thu-ngan-sach-tu-nha-dat-tang-toi-1700-953065.html

[3]https://www.fsppm.fuv.edu.vn/cache/MPP2019-513-R10.3V-Cai-cach-thue-o-VN_Huong-toi-mot-he-thong-hieu-qua-&-cong-bang-hon,-2011,-Ch.-2--World-Bank-(V)-2018-02-10-15070115.pdf

[4]http://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2016/02/23/new-report-lays-out-path-for-vietnam-to-reach-upper-middle-income-status-in-20-years

[5]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html

[6] https://tuoitre.vn/chua-xem-xet-luat-thue-tai-san-nha-o-to-den-het-2019-20180417143909348.htm

Xuân Dương