Ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 53 cho phép Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) ra đời và hoạt động từ ngày 9/7/2013 nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Trong Nghị định, Chính phủ cho phép VAMC được phát hành loại trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng đúng giá trị món nợ xấu để các ngân hàng mua lại và dùng tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tăng cường vốn khả dụng.
Về phương thức mua nợ xấu của VAMC, theo TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (thành viên cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ) có hai điểm chính: Thứ nhất, VAMC sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt do công ty này phát hành căn theo giá trị ghi sổ. Ví dụ: Nợ xấu theo sổ là 1 tỉ đồng, VAMC sẽ phát hành mệnh giá trái phiếu 1 tỉ đồng để mua. Thứ hai, VAMC mua nợ xấu của Ngân hàng thương mại theo giá thị trường bằng nguồn vốn chứ không bằng trái phiếu đặc biệt.
|
TS Nguyễn Đức Thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ |
Tuy nhiên, điều lo lắng của VAMC là vốn điều lệ của công ty này chỉ có 500 tỉ đồng trong khi theo đánh giá con số nợ xấu hiện nay lên đến hàng trăm tỉ đồng. Vì vậy theo TS Thành, VAMC sẽ chủ yếu thực hiện việc phát hành trái phiếu.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, nợ xấu là các khoản cho vay có khả năng đòi nợ thấp nên theo nguyên tắc thị trường, khoản nợ xấu thực tế bị giảm giá trị đi nhiều so với con số ghi trong sổ, ví dụ nợ xấu 1 tỉ thì có khi giá trị giảm xuống chỉ còn 100 triệu. Nhưng căn cứ vào sổ sách của Ngân hàng thương mại, số nợ xấu mà ngân hàng phải gánh vẫn là 1 tỷ đồng. Vì vậy VAMC sẽ phát hành cổ phiếu có trị giá 1 tỉ đồng.
“Nhưng khác với các loại trái phiếu khác, trái phiếu này chỉ có giá trị ghi rõ khoản nợ để đem lên Ngân hàng Nhà nước xin tái cấp vốn, số tiền này các ngân hàng thương mại phải được dùng để tăng khả năng thanh khoản cho ngân hàng” – TS Thành cho biết.
Trước câu hỏi, việc ngân hàng thương mại phải xin tái cấp vốn nhưng vẫn phải lo phát trích một lượng tiền để lập dự phòng rủi ro cho các khoản này, TS Thành cho biết: "Thay vì việc phải trích lập dự phòng rủi ro 50%, thậm chí là 100% ngay lập tức thì nay mỗi năm ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%. Sau 5 năm trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro, lúc này khoản nợ xấu sẽ được xóa".
Đánh giá về việc thành lập VAMC, TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Đây chỉ là một trong những giải pháp ban đầu, để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay, chúng ta cần nhiều biện pháp ngay cả khi VAMC thành lập thì cũng đặt ra vấn đề phải hình thành thị trường mua bán nợ, khơi thông nguồn lực và ai sẽ là người mua lại nợ xấu. Cũng quan trọng không kém là phải giúp doanh nghiệp tự hồi sinh” – TS Thành phân tích.
Còn theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Thực tế nợ xấu xảy ra ở hầu hết các ngân hàng và các nước nhưng hầu hết đều muốn giấu con số nợ xấu thật không dám dũng cảm thừa nhận nợ xấu với khách hàng. Ở Việt Nam cũng vậy, vì thế muốn giải quyết nợ xấu phải có bảng đánh giá nợ xấu rõ ràng. Thứ hai là các ngân hàng chưa có kinh nghiệm xử lý nợ xấu vì vậy vẫn rất cần vai trò của công ty giải quyết nợ xấu, vai trò của cơ quan nhà nước.
Đánh giá về khả năng giải quyết nợ xấu của VAMC, TS Doanh cho rằng sẽ rất khó khăn cho VAMC, bởi số vốn của VAMC chỉ là 500 tỷ không thể giải quyết được “cục” nợ 500.000 tỷ. Hơn nữa là việc giải quyết nợ xấu của VAMC sẽ diễn ra trong thời hạn bao lâu bởi đây là vấn đề liên quan rất nhiều đến cơ chế mua bán sổ sách phức tạp.
“Ngay cả khi đưa ra cơ chế là phát hành cổ phiếu đặc biệt lên đến hàng tỉ đồng nhưng quan trọng là ai mua lại nợ xấu đó, thị trường mua bán nợ xấu thế nào. Hay nhà nước bỏ tiền mua lại nợ xấu để rồi sau đó không giải quyết được đem bán ra… Như vậy theo tôi VMAC chỉ là biện pháp ngắn hạn” – TS Doanh đưa ra nhận định.
Mới đây trả lời trước báo giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định không dùng ngân sách để mua nợ xấu, mà sẽ phát hành loại trái phiếu đặc biệt. Loại trái phiếu đặc biệt này theo nghị định được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Khi phát hành, trái này được đảm bảo bằng chính tài sản thế chấp (TSTC) cho các món nợ hiện hành tại các ngân hàng.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực