Vụ “Bố chồng hư đốn với con dâu”: Báo chí đừng để độc giả mất niềm tin

22/09/2012 14:14
Viết Cường
(GDVN) - Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Phải biết hổ thẹn khi mình không có nguồn tin gốc, không có kiểm chứng mà lại thêu dệt y như thật, như vậy anh đã vi phạm đạo đức báo chí quá nhiều, quá nghiêm trọng và cần phải phê phán”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Những ngày qua dư luận đang xôn xao về bài báo “Cha chồng quan hệ tình dục với con dâu bị dính không tách rời được” đăng trên một số trang báo ngày 18/9. Bài báo đã miêu tả một cách rất tỉ mỉ về quá trình bố chồng "dính chặt" vào con dâu trong khi đang quan hệ và sau đó cả hai được đưa đến bệnh viện để “giải cứu”.

Tuy nhiên cũng ngay sau đó, các báo đăng tải bài viết trên đã lên tiếng cải chính thông tin sai sự thật do phóng viên "thiếu sót trong nghiệp vụ, nghe thông tin một chiều mà không xác minh" và xin lỗi độc giả.


Tuy nhiên, phía sau sự cố đưa tin sai sự thật được xem là hi hữu trong làng báo này vẫn còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Là người đã xông pha nhiều năm trong "mặt trận" báo chí, nổi danh với những loạt phóng sự để đời như "Ăn tết trong rừng chó sói", "Tôi đi bán tôi", "Con đường bia bọt"... và gần đây là "Kính thưa osin", khi trao đổi về sự cố trên, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân  - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, TBT Tạp chí Nghề Báo tức giận: “Kiểu làm báo như thế không thế chấp nhận được”.

Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Đây là chuyện loạn luân nói lên sự xuống cấp của đạo lí con người. Tuy nhiên sau khi đọc báo và biết rằng đây là thông tin không có thật thì sự phẫn nộ còn tăng lên gấp đôi”.

>> Truy nguồn gốc tin vịt "bố chồng dính con dâu"
>> Bố chồng 'dính' nàng dâu là tin đồn…hàng chợ!

>> Thật giả tin bố chồng “dính” nàng dâu

>> Không có chuyện bố chồng “dính” con dâu


“Bài viết không có nguồn tin chính thức, tin lại không được kiểm chứng. Và nếu có kiểm chứng rồi thì đây cũng không phải là loại tin cần phải đưa lên theo kiểu rất quan trọng như thế, đều này thể hiện một kiểu tác nghiệp rất đáng chê trách của người làm báo. Chúng ta không thể nào đưa đến cho độc giả những thông tin thiếu trách nhiệm như vậy. Phải biết hổ thẹn khi mình không có nguồn tin gốc, không có kiểm chứng mà mình lại thêu dệt y như thật, như vậy anh đã vi phạm đạo đức báo chí quá nhiều, quá nghiêm trọng và cần phải phê phán”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng, cần phải tăng cường giáo dục về luật báo chí, đạo đức báo chí cho sinh viên, đặc biệt là về đạo đức của người làm báo.

 “Trong chương trình đào tạo sinh viên báo chí hiện nay, các cán bộ giảng dạy cần phải nói cho sinh viên báo chí về những vụ việc dạng như thế này để các em thấy cần phải rút kinh nghiệm ở chỗ nào. Giữa lí thuyết và thực tiễn có khoảng cách quá xa, nhiều sinh viên học đạo đức, học luật báo chí thì vẫn cứ học nhưng khi gặp những sự việc hi hữu như “bố chồng – con dâu” họ vẫn chưa hình dung được".
Ông nói thêm: “Các em học báo, những người làm báo khi viết hãy nghĩ nếu gia đình mình hoặc chính mình rơi vào tình cảnh đó sẽ như thế nào, từ đó để cân nhắc khi viết bài”. Ông nhấn mạnh: “Trong làm báo, đạo đức và lí luận, thực tiễn phải luôn được liên kết chặt chẽ với nhau”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: "Làm báo, đạo đức và lí luận, thực tiễn phải luôn song hành với nhau".
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: "Làm báo, đạo đức và lí luận, thực tiễn phải luôn song hành với nhau".

Về trách nhiệm của tòa soạn, của người biên tập trong việc đăng bài thông tin sai lệch, với vai trò từng là một nhà quản lí cơ quan báo chí giàu kinh nghiệm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Trách nhiệm của cơ quan thì có tuy nhiên đây là một CTV thường trú ở tỉnh, bài viết cứ như thật như vậy thì người biên tập cũng khó mà biết được. Ngoài ra, có nhiều phóng viên đi tỉn gửi bài về, phần vì tôn trọng phóng viên, phần vì thấu hiểu sự khó khăn của phóng viên khi đi xa viết bài nên người biên tập cũng ngại không muốn cắt”.

Tuy nhiên theo ông, những người phóng viên khi đi tác nghiệp cần phải có trách nhiệm trước những thông tin của mình, nếu đưa thông tin không đúng với sự thật, lâu dần người dân sẽ mất đi niềm tin vào báo chí. Qua chuyện này nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có quan điểm: “Tốt nhất không nên đăng những bài viết kiểu tế nhị, “hi hữu” như thế”.

Trước đó, bài báo "bố chồng-nàng dâu" đăng tải trên một số trang báo đã đưa thông tin một cách khá chi tiết và cụ thể về quá trình diễn ra sự việc cũng như tên, địa chỉ của ông bố chồng – nàng dâu bị “dính chặt”. Tuy nhiên sự việc đã được xác minh và khẳng định lại rằng không chính xác. Cho dù đã được “minh oan” nhưng chắc chắn "sự cố" này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người bị nhắc đến trong bài viết và chính quyền địa phương.

Về việc này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng: “Đọc bài báo tôi thấy công an nói địa bàn không có, bệnh viện nói trong bệnh viện không có. Tôi chưa thấy hai nhân vật cùng người chồng trong vụ việc kia lên tiếng nhưng nếu nhân vật đó có thật và bị thêu dệt, người ta hoàn toàn có quyền kiện nhà báo tội vu khống hoặc không tôn trọng sự thật”.


* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Viết Cường