Vụ cử nhân ăn quỵt tiền, không nhận việc: Sở Y tế cũng chịu

19/03/2014 06:29
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Sở chủ quản tỏ ra bất lực trước việc nhiều cử nhân ăn quỵt tiền, kiên quyết không nhận quyết định phân công công tác.

Qua sự việc trên người ta còn thấy nhiều cập từ khâu đào tạo, bố trí công tác và chất lượng nguồn nhân lực từ chương trình đào tạo theo địa chỉ và đào tạo hệ cử tuyển.

Sở cũng bó tay?

Sự việc nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường ăn quỵt tiền, không chấp hành sự phân công công tác theo kế hoạch đang làm đau đầu các nhà quản lý. Sở chủ quản (Sở Y tế Thanh Hóa) tỏ ra bất lực trước những động thái “lạ” này của các cử nhân.

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, gần 60 cử nhân ngành Y tốt nghiệp ra trường đã được Sở Y tế Thanh Hóa tiếp nhận, phân công công tác tại các bệnh viện Đa khoa ở các huyện miền núi nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên cho đến nay, nhiều cử nhân dù đã ra tốt nghiệp từ lâu nhưng họ vẫn kiên quyết không nhận quyết định phân công công tác. Nhiều trường hợp khi ra trường đều đưa ra lý do để thoái thác trách nhiệm. Nghịch lý “dở khóc, dở cười" đang tồn tại ở ngành Y Thanh Hóa. 

Hồ sơ của nhiều cử nhân sau khi ra trường đã bị Sở chủ quan giữ lại
Hồ sơ của nhiều cử nhân sau khi ra trường đã bị Sở chủ quan giữ lại

Trước sự việc trên, sáng 18/3, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hải Bằng, Trưởng phòng tổ chức, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến một số cử nhân được đào tạo theo địa chỉ kiên quyết không nhận phân công công tác: “Đây là những trường hợp cá biệt, cố tình không nhận việc vì lý do này, lý do nọ. Có thể các cử nhân này đã tìm được công việc tốt hơn công việc mà Sở đã bố trí. Có những người vì hoàn cảnh gia đình không thể đáp ứng được nhiệm vụ giao phó”.

Trước thực trạng cử nhân ăn quỵt tiền, không nhận sự phân công công tác, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Nội vụ, nghiên cứu phương án để đưa ra biện pháp xử lý các trường hợp “kháng lệnh”.

Theo đó, đối với các trường hợp đã được bố trí nhưng không nhận việc, cơ quan chức năng đã gửi thông báo đến địa phương và gia đình nhằm phối hợp tìm kiếm các cử nhân đang “mất tích”. Cũng theo đại diện Sở Y tế, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ truy thu số tiền nhà nước đã bỏ ra hỗ trợ các cử nhân này trong suốt quá trình học tập (số tiền 4.500.000 đồng/năm): “Sau khi phát hiện các trường hợp không nhận việc, Sở Y tế đã làm văn bản gửi đến chính quyền địa phương và gia đình để phối hợp giải quyết. Cho đến nay một số trường hợp trên vẫn chưa thấy hồi âm. Họ bỏ đi đâu chúng tôi cũng không biết. Đến bây giờ Sở cũng chịu...”, ông Bằng nói.

“Hiện tại, Sở Y tế Thanh Hóa đã giữ lại bằng tốt nghiệp của các cử nhân không nhận việc theo sự phân công công tác: “Theo cam kết giữa Sở và các cử nhân khi ra trường, nếu cử nhân cố tình không thực hiện theo cam kết đã ký trước đó (sau 5 năm từ khi ra trường mới được xét duyệt chuyển công tác), chúng tôi sẽ yêu cầu họ đền bù số tiền học phí mức gấp 3 lần số tiền nhà nước đã hỗ trợ trước đó", ông Bằng cho biết. 

Cũng theo ông Bằng, việc phương án trên cũng chỉ mang tính chất “bất đắc dĩ” bởi yếu tố ràng buộc về mặt pháp luật đã được ký trong bản cam kết là không chắc chắn: “ Nếu bắt họ đền bù số tiền gấp 3 lần số tiền 4.500.000/năm trong cả 6 năm học thì tính ra số tiền trên không phải là lớn lắm.  Như vậy nếu cử nhân khi ra trường tìm được công việc tốt hơn, họ sẵn sàng bồi hoàn số trên cho nhà nước để ra đi”. 

Lộ diện nhiều bất cập

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đào tạo theo địa chỉ như trên nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. “Công tác đào tạo theo địa chỉ áp dụng khi địa phương nào thiếu cán bộ, (ở đây là cán bộ Y, bác sĩ  -PV). Khi đó cơ quan chức năng sẽ làm văn bản báo cáo ra Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin chủ trương đào tạo. Sau khi được chấp thuận, sẽ thông báo để thí sinh có nhu cầu đến nộp hồ sơ xét tuyển", ông Bằng nói.

Ông Bằng cho hay "Quá trình xét tuyển lấy từ thí sinh có điểm thi đầu vào cao đến thấp. Sau đó cơ quan có trách nhiệm sẽ ký hợp đồng với những người trúng tuyển, đồng thời liên hệ với các trường có thí sinh đậu điểm cao nhằm phối hợp quản lý và đào tạo cũng như hỗ trợ tiền cho họ theo học với hình thức đào tạo đi kèm".

Ông Hoàng Hải Bằng - Trưởng phòng tổ chức Sở Y tế Thanh Hóa
Ông Hoàng Hải Bằng - Trưởng phòng tổ chức Sở Y tế Thanh Hóa

Trên thực tế, mục đích đào tạo theo địa đã gây gây ra nhiều bất cập trong việc bố trí cán bộ về công tác tại các địa phương (nhất là đối với những trường hợp không nhận bố trí công tác). Mặt khác việc áp dụng luật vào xử lý các trường hợp trên cũng là một bài toán khó giải.

“Theo quy định, nếu công chức được cử đi học mà sau khi học xong mà tự ý chuyển đi, hoặc không công tác tại cơ quan cũ thì sẽ xử lý nghiêm theo luật cán bộ, công chức. Tuy nhiên, số cử nhân trên đều trong diện đào tạo theo địa chỉ, không trong diện công chức nên không bắt bẻ được họ về mặt luật pháp. Cùng lắm là kiện ra tòa hành chính để thu lại số tiền của nhà nước đã hỗ trợ các cử nhân trong quá trình học tập trước đó”, ông Bằng nhận định.

“Xuất phát từ những bất cập trên, 2 năm nay chúng tôi đã làm văn bản gửi đến cơ chức năng đề nghị ngừng đào tạo theo hình thức này. Tuy nhiên, khi chúng tôi có văn bản đề nghị dừng đào tạo thì phía UBND tỉnh Thanh Hóa lại có chỉ đạo tiếp tục đào tạo đội ngũ y, bác sĩ theo chương trình  của Ban chỉ đạo Miền tây đối với đối tượng hệ cử tuyển. Điều này dẫn đến sự bất cập chồng chéo trong quá trình đào tạo. Trong khi đó, số cử nhân ngành Y tế ra trường hàng năm rất nhiều. Việc đào tạo rồi “ép” bố trí công tác đối với 2 hình thức sẽ khiến trình độ chuyên môn của cán bộ không được đảm bảo”, ông Bằng cho biết.

Cũng liên quan đến sự việc nhiều cử nhân ra trường quỵt tiền, không nhận phân công công tác, ông Bằng cho rằng: “Qua sự việc trên cho thấy ý thức trách nhiệm của các cử nhân khi ra trường là rất kém, sự thiếu trách nhiệm của gia đình và ý thức các cử nhân vô hình dung khiến công tác tổ chức cán bộ gặp nhiều khó khăn. Nếu họ có lý do hợp lý, chúng tôi sẵn sàng báo cáo lên cấp trên để xem xét từng trường hợp chứ không thể để như thế này được”.

QUỐC TOẢN