Luật sư Nguyễn Kim Nam, con trai bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc |
Hiện tại, ông Nguyễn Kim Nam đang là Uỷ viên Ban chấp hành Luật gia Việt Nam, chủ tịch hội Luật gia Vĩnh Phúc. Trong cuộc trò chuyện này, ông Kim Nam cho rằng, dưới góc độ luật pháp, chính quyền địa phương đã sai trong hàng loạt các vấn đề về giao, quản lý và cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản nhà ông Vươn. Những vấn đề này đã được “mổ xẻ” rất rõ ràng, chính xác trong các bài nói của Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Đặng Hùng Võ trên báo chí.
Cụ thể là, Pháp luật đất đai nước ta từ năm 1987 cho tới nay, chưa bao giờ cho phép cấp huyện được tự quy định và quyết định về thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Đây là những vấn đề rất lớn liên quan tới “Tam Nông”, luôn được quy định trong Luật Đất đai và chỉ cho phép UBND cấp tỉnh được cụ thể hóa trong một số trường hợp. Vậy mà UBND huyện Tiên Lãng lại ban hành riêng Quy định số 497/QĐ-UB ngày 06/10/1993 về thời hạn và hạn điền, làm căn cứ pháp lý cho các Quyết định giao đất và thu hồi đất sau đó. Như vậy, Quy định số 497/QĐ-UB của Tiên Lãng đã được ban hành trái pháp luật, và các Quyết định giao đất, thu hồi đất ban hành sau đó cũng là trái pháp luật.
Tiếp theo, trong các Quyết định thu hồi đất của Chủ tịch huyện Tiên Lãng (Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008 và Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009) đều ghi rõ lý do là thu hồi đất vì hết thời hạn. Quyết định như vậy hoàn toàn trái pháp luật vì khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai đã quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), chỉ bị thu hồi trong 5 trường hợp:
(1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào các dự án theo quy hoạch (thực hiện theo quy trình tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP); (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục trong thời hạn từ 12 tới 24 tháng (tùy từng loại đất), tức là không bị thu hồi chỉ vì hết thời hạn giao đất. Đây là chính sách rất cơ bản đối với thu hồi đất nông nghiệp, khác hoàn toàn đối với thu hồi đất phi nông nghiệp khi hết hạn.
Huyện Tiên Lãng đang giải thích là thu hồi để chuyển sang thuê đất lại càng sai vì pháp luật cũng không có quy định về việc chuyển sang thuê đất phải thu hồi đất, chỉ cần làm các thủ tục về địa chính và tài chính.
Về vấn đề cưỡng chế, ông nói, thông thường, trước khi tổ chức cưỡng chế, người ta thường lên kế hoạch cụ thể về việc sẽ sử dụng diện tích đất này như thế nào sau thu hồi. Tuy nhiên, ở đây, tôi không thấy điều đó. Và như thế, người ta hoàn toàn có thể nghĩ tới một động cơ mưu lợi cá nhân, hoặc mưu lợi lợi ích nhóm ở đây. Theo ông Nam, trong sự việc này, những sai phạm cần được xử lý nghiêm khắc, triệt để.
Nhà ông Vươn, ông Quý bị phá bằng máy xúc sau vụ cưỡng chế |
Trước ý kiến cho rằng, vụ việc cưỡng chế gây chấn động tại Hải Phòng sẽ làm nhiều người hoài nghi, xuyên tạc ý nghĩa tốt đẹp của chính sách Khoán X và chính sách Xây dựng nông thôn mới của Đảng ta, ông Nguyễn Kim Nam khẳng định, vụ cưỡng chế này chỉ là một vụ việc nhỏ, không thể ảnh hưởng tới chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng là chính quyền làm sai thì phải sửa sai đúng lúc thì sẽ tránh được hiện tượng hoài nghi, tránh làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Về mối quan hệ nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới, ông Kim Nam cho rằng căn bản nhà nước ta vẫn đang rất ưu tiên cho người nông dân phát triển kinh tế. Vì thế, không nên nhìn vào hiện tượng nhỏ, mà phủ nhận giá trị của nhiều chính sách lớn.