Phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng, trưởng phòng luật sư Bùi Đình Ứng, văn phòng luật sư Hà Nội.
Quan điểm của ông về vụ giết người, cướp tiệm vàng Vững Bắc ở Thường Tín, Hà Nội như thế nào?
- Phương thức, thủ đoạn của vụ cướp tiệm vàng Vững Bắc Cũng tương tự nhiều vụ án cướp tiệm vàng khác, đó là: Đối tượng thường quan sát địa bàn, chuẩn bị phương tiện, tính toán phương án tẩu thoát…từ trước khi hành động. Tuy nhiên, qua vụ cướp tiệm vàng Vững Bắc chúng tôi cũng mạnh dạn nhận xét một vài quan điểm sau:
- Đối tượng bắn súng điện, đâm nạn nhân nhiều nhát vì lý do nạn nhân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Tức là, đối tượng không nhằm giết nạn nhân trước rồi mới cướp tài sản. Mục đích ban đầu của đối tượng chỉ là chiếm đoạt được tài sản, nhưng do sự phản kháng của nạn nhân nên đối tượng đã giết nạn nhân. Trong trường hợp này, nếu nạn nhân chấp nhận yêu cầu mở tủ để đối tượng lấy vàng thì có thể không bị đối tượng đâm chết. Do đó, về tính chất mức độ của hành vi sẽ được đánh giá nhẹ hơn so với hành vi vào tiệm vàng là giết người luôn rồi mới cướp.
- Nhiều người cho rằng Nguyễn Hữu Dưỡng là kẻ máu lạnh không khác gì Lê Văn Luyện vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang. Theo tôi, so sánh như vậy chưa được khách quan lắm, bởi lẽ: Hành vi của Luyện diễn ra gay gắt, lồng lộn, tìm để diệt, để giết cho bằng hết những ai có mặt ở nhà, đồng thời sau khi gây án còn thản nhiên, bình tĩnh tính toán cách che dấu hành vi phạm tội.
Dưỡng lại khác, gây án xong thì bỏ chạy, quần áo còn dính máu vẫn mặc về được đến Thái Bình; không tìm cách xóa dấu vết hoặc che dấu hành vi phạm tội; tinh thần hắn bị hoảng loạn tới mức còn nôn thốc, nôn tháo ra cả nhà bố vợ; hắn chủ động đến cơ quan công an để khai nhận tội… Tức là ở sâu xa trong con người Dưỡng vẫn còn chút gì đấy của “ tính người” chứ không chỉ toàn “ tính con”.
- Một vấn đề nữa chúng tôi thấy là: Gia đình nạn nhân đã mất cảnh giác để đối tượng lợi dụng sơ hở này hành động; Sau khi bị khống chế, nếu nạn nhân bình tĩnh, xử lý khôn khéo hơn có thể tính mạng đã không bị mất. Tôi cũng từng khuyến cáo trên kênh truyền hình ANTV khi xảy ra trường hợp bị cướp thì việc đầu tiên nạn nhân nên tìm cách bảo toàn tính mạng mình trước đã rồi mới nghĩ đến việc giữ được tài sản. Người làm ra “ của”, chứ “của” có làm ra người đâu!
Thủ phạm vụ án này sẽ bị kép về tội danh gì? liệu có thoát được án tử hình không, thưa luật sư?
Vụ cướp tiệm vàng Vững Bắc, Nguyễn Hữu Dưỡng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội, đó là: “ Tội giết người” - Điều 93 và “ Tội cướp tài sản” – Điều 133 Bộ luật hình sự ( cả hai tội này đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình ). Dưỡng là người đã thành niên, nên hành vi phạm tội của Dưỡng đang đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Luật sư Bùi Đình Ứng, trưởng phòng luật sư Bùi Đình Ứng, văn phòng luật sư Hà Nội |
Tuy nhiên, theo tôi, Nguyễn Hữu Dưỡng có thể thoát được án tử hình vì Dưỡng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ như: “ Người phạm tội tự thú” ( Điểm o, khoản 1 – Điều 46 BLHS ); “ Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” ( Điểm p, khoản 1 – Điều 46 BLHS ); nếu Dưỡng và gia đình chủ động khắc phục bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân thì được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “ Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” ( Điểm b, khoản 1 – Điều 46 BLHS ). Dưỡng là người có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự; nếu bố mẹ Dưỡng có huân, huy chương; gia đình có công với nước… thì nên chủ động cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và gia đình bị hại có quan điểm xử nhẹ cho Dưỡng nữa thì khả năng thoát án tử hình của Nguyễn Hữu Dưỡng càng cao.