LTS: Thêm một bài phân tích của Tiến sĩ Phạm Cao Cường, chuyên gia nghiên cứu về Chính sách đối ngoại Mỹ, các vấn đề an ninh và quan hệ quốc tế tại Đông Nam Á đã đưa ra những lập luận, quan điểm nhằm chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc tại biển Đông.
Lập trường của Mỹ đối với những tranh chấp tại Biển Đông
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không ngần ngại khi chỉ trích hành động đưa giàn khoan và tàu chiến của Trung Quốc vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động “khiêu khích”.
Còn trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam, ông John Kerry cũng kêu gọi Trung Quốc giải quyết vụ việc bằng biện pháp hòa bình và tránh có hành động hung hăng, đối đầu trực tiếp. Trong cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Hoa hôm 15/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hành động đơn phương của Trung Quốc. Những tuyên bố này đã cho thấy sự quân tâm của chính phủ Mỹ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc hiện nay.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hành động đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông. |
Thực tế, đã có sự thay đổi chính sách và lập trường của Mỹ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Đối với Hoa Kỳ, Biển Đông là khu vực có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng. Đây cũng là tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới với hơn một phần hai lượng tàu chở dầu của thế giới đi qua mỗi năm.
Tại đây, số lượng tàu đi qua eo biển Malacca lớn gấp 3 lần số lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Suez và lớn gấp 5 lần số lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Panama. Mỗi năm có khoảng 41.000 lượt tàu đi qua vùng biển này, chiếm khoảng một phần hai trọng tải chuyên chở của thế giới. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là đi qua vùng Biển Đông.
Ngoài lợi ích kinh tế, Biển Đông còn có vai trò chiến lược trong việc di chuyển của lực lượng quân sự Mỹ từ Tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và tới vùng Vịnh. Chính vì vậy, bất kỳ một cuộc xung đột nào tại Biển Đông cũng có thể đe dọa tới các lợi ích của Mỹ và các đồng minh tại châu Á.
Trong suốt Chiến tranh lạnh, việc duy trì tự do hàng hải tại những tuyến đường biển này là mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Liên Xô. Trong khi đó, mục tiêu thúc đẩy thương mại qua các tuyến đường này được Hoa Kỳ xếp hàng thứ hai.
Trong suốt những năm 1970 của thế kỷ 20, lập trường của Mỹ đối với những tranh chấp tại Biển Đông là duy trì sự tự do đi lại của các tàu bè trong khi giữ trung lập đối với các tranh chấp. Vào thời điểm đó, Washington nhìn nhận Liên Xô là mối đe dọa tại Đông Nam Á nên họ coi Trung Quốc là nhân tố để cân bằng quyền lực. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ thực hiện chủ trương “trung lập tích cực” trước việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974.
Phản ứng trước sự kiện này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó đã tuyên bố rằng những tranh chấp tại Biển Đông “là do các bên tuyên bố chủ quyền tự giải quyết với nhau”. Chính sách “trung lập tích cực” này của Washington được thể hiện rõ nhất trong tuyến bố của Đô đốc Charles Larson, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm:
1. Hoa Kỳ duy trì lập trường không cam kết vì không có lợi ích gì để Hoa Kỳ can thiệp;
2. Tranh chấp tại biển Đông là vấn đề của khu vực và Hoa Kỳ không có kế hoạch đối phó để tới Trường Sa khi có xung đột xảy ra;
3. Tranh chấp này do các quốc gia có liên quan và các nhóm nước trong khu vực (như ASEAN) tự tìm ra giải pháp;
4. Hoa Kỳ mong muốn các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề thông qua các kênh chính trị thay vì các biện pháp quân sự;
Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh, khi mối “đe dọa” Liên Xô không còn và trước giả thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc” khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng những tham vọng về chủ quyền tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã có sự chuyển biến tích cực trong chính sách của mình đối với những tranh chấp tại khu vực.
Mục tiêu của Mỹ vẫn là đảm bảo sự tự do đi lại của các tuyến đường biển và không duy trì cam kết đối với những tranh chấp tại Biển Đông. Lập trường này thể hiện rõ rất trong tuyên bố 4 điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick lúc đó:
1. Hoa Kỳ sẽ không đưa những phán xét về tính pháp lý của những tuyên bố đòi chủ quyền;
2. Hoa Kỳ muốn đảm bảo sự tự do đi lại tại Biển Đông;
3. Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.
Năm 1992, phản ứng trước việc Trung Quốc thông qua Đạo luật về vùng nước lãnh thổ trong đó tuyên bố đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phản ứng của Washington vẫn là duy trì giữa thái độ trung lập.
Tuy nhiên, tới tháng 2/1995, tình hình khu vực có nhiều thay đổi nhất là khi Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn mà Philippines tuyên bố có chủ quyền, Washington đã có sự phản ứng rõ rệt hơn. Rất nhiều các nghị sĩ quốc hội Mỹ tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc.
Ngày 10/5/1995, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Christine Shelly đã đưa ra tuyên bố 4 điểm thể hiện rõ nhất lập trường của Mỹ đối với tranh chấp tại Biển Đông, đó là:
1. Hoa Kỳ quan ngại các hành động và phản ứng đơn phương tại Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng khu vực. Hoa Kỳ cực lực phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết những tuyên bố về chủ quyền khác nhau. Hoa Kỳ kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền hết sức kiềm chế, tránh có những hành động gây mất ổn định.
2. Hoa Kỳ có lợi ích sống còn trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hoa Kỳ kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền, có tính đến lợi ích của các bên, góp phần vào mục tiêu hòa bình và ổn định tại khu vực. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ bằng bất kỳ phương cách nào mà các bên tuyên bố thấy hữu ích. Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ cho Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 1992.
3. Bảo đảm sự tự do đi lại là lợi ích cơ bản của nước Mỹ. Sự tự do đi lại không bị cản trở là sự cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Kỳ.
4) Hoa Kỳ không có có lập trường về giá trị pháp lý đối với những tuyên bố về chủ quyền khác nhau tại các đảo, bãi san hô, bãi ngầm và các mỏm đá ở Biển Đông. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới những tuyên bố về lãnh hải hoặc những hành động làm hạn chế hoạt động hàng hải tại Biển Đông không phù hợp với luật biển quốc tế, bao gồm cả Công ước về Luật biển của LHQ năm 1982.
Bước sang thời chính quyền của W.Bush và Obama, tình hình Biển Đông càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động của mình tại khu vực. Một loạt những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông càng khiến cho Hoa Kỳ trở nên lo ngại.
Tháng 3/2001 Trung Quốc tiến hành xây dựng một cấu trúc trên hòn đảo thuộc bãi Scarborough đang tranh chấp với Philippines ở Biển Đông. Sau vụ va chạm EP-3 giữa máy bay do thám của Mỹ với phi cơ chiến đấu của Trung Quốc vào tháng 4/2001, nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự tự do đi lại (trên không và trên biển) tại Biển Đông bị cản trở.
Tiếp theo, Trung Quốc còn áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông gây phản ứng giữ dội từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh còn tăng cường các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam, quấy nhiễu tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thậm chí kêu gọi chào thầu trái phép chín lô dầu khí của Việt Nam.
Sau ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến chống khủng bố và gia tăng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á thông qua chiến lược triển khai tiền duyên. Mục tiêu của chiến lược này không chỉ là để đối phó với các nhóm khủng bố tại khu vực mà còn là để kiềm chế mối “đe dọa” Trung Quốc. Bằng cách tăng cường mối quan hệ quân sự với các nước ASEAN; tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương; cho phép các tàu chiến Mỹ được tiếp cận nhiều hơn các quân cảng tại khu vực, Hoa Kỳ đã nhanh chóng tái can dự với Đông Nam Á. Để phản ứng lại kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan. Vào háng 8/2001, Hoa Kỳ đã cử hai không trục hạm là Carl Vinson và Constellation, cùng với 13 tàu hộ tống tới Biển Đông để tham gia vào một cuộc tập trận tương tự.
Giàn khoan 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. |
Âm mưu thâu tóm Đông Nam Á của Trung Quốc
Về phần mình, trong suốt hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa quân đội và tăng chi tiêu quốc phòng. Từ năm 2000 - 2005, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi đạt xấp xỉ 29,9 tỷ USD (2005) cao hơn 12,6% (2004).
Tháng 3/2006, Trung Quốc thông báo rằng ngân sách quốc phòng hàng năm sẽ tăng 14,7% có với năm trước, đạt xấp xỉ 35 tỷ USD, tương đương với 1,5% GDP.
Tuy nhiên, theo tính toán của Mỹ, tổng chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc nằm trong khoảng từ 70 tỷ USD tới 105 tỷ USD vào năm 2006 (cao từ 2-3 lần so với ngân sách đã công bố).
Năm 2014, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 12,2% so với năm 2013 đạt khoảng 132 tỷ USD. Tuy nhiên, con số thực tế còn có thể cao hơn nhiều.
Khi nhận xét về chương trình quân sự của Trung Quốc, học giả Philipp C.Saunders, cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh trong việc hiện đại hóa quân đội đó là: Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc; ngăn không cho Đài Loan độc lập và hỗ trợ cho những tuyên bố về chủ quyền của Bắc Kinh. Còn theo học giả Marvin C. Ott, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á bao gồm:
1. Xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á, nhất là việc triển khai lực lượng quân sự của Mỹ tại khu vực cũng nhưng việc thành lập hàng loạt các thỏa thuận an ninh song phương giữa Mỹ với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc;
2. Đặt Biển Đông vào phạm vi ảnh hưởng của mình và muốn quốc tế chấp nhận điều này;
3. Biến Đông Nam Á phụ thuộc hẳn vào các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.
Chính vì mục tiêu này mà Bắc Kinh muốn xóa bỏ bất kỳ sự hiện diện về mặt quân sự của các cường quốc bên ngoài tại Đông Nam Á nhằm tạo ra một môi trường chiến lược không gây phương hại tới lợi ích của Trung Quốc hoặc phải có sự đồng ý của Trung Quốc.
Cũng giống như Mỹ, Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á nên đã ra sức mở rộng ảnh hưởng tại đây. Để cân bằng với Mỹ, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực. Bắc Kinh thậm chí còn đầu tư khá nhiều vào Đông Nam Á và sử dụng sức mạnh kinh tế như một thứ quyền lực mềm nhằm gây sức ép về ngoại giao tới các nước trong việc cân bằng và kiềm chế sự hiện diện của Mỹ.
Sự đối đầu quốc tế mang tên Trung Quốc - Hoa Kỳ
Đáp lại những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, tháng 1/2012, trong Báo cáo Quốc phòng bốn năm một lần, Hoa Kỳ đã đề xuất khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp trong đó đề ra biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả của việc phối hợp tác chiến chung của các đơn vị hải quân, không quân nhằm đối phó với chiến lược của Trung Quốc tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Tháng 8/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong chuyến thăm tới Kuala Lumpur đã đề xuất tăng 50% ngân sách tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho các hoạt động huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước ngoài tại Đông Nam Á.
Cái bắt tay này có thể khiến Mỹ không vui... |
Tháng 7/2013, Washington bắt đầu tham vấn với Manila về các căn cứ quân sự dài hạn tại Philippines khoảng 20 năm. Đến tháng 8/2013, được sự nhất trí của Nhật Bản, Hoa Kỳ cho lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa loại X-Band ở gần thành phố Kyoto. Ngoài ra, Nhật Bản đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai hai đội máy bay MV-22 và máy bay tuần tra biển P-8 cũng như định kỳ triển khai các máy bay không người lái (UAV) Global Hawk tại quốc gia đồng minh này.
Dự kiến vào năm 2017, Mỹ sẽ cho triển khai phi đội máy bay chiến đấu F-35B tại đây. Đây chỉ là những nét rất nhỏ trong tổng thể các chiến lược của Hoa Kỳ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Rõ ràng, sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vài trò lãnh đạo thế giới và khu vực có tác động không nhỏ tới tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thực sự, những tranh chấp tại khu vực này không chỉ là vấn đề riêng của các nước có liên quan mà nó còn vượt ra trở thành vấn đề mang tính quốc tế.
Tại Đông Nam Á hiện nay, Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có thể kiềm chế các hành động hiếu chiến của Trung Quốc vốn đang tìm cách phá vỡ nguyên trạng để ngoi lên thành cường quốc khu vực. Để thực hiện điều này, Trung Quốc không ngừng gây căng thẳng, khiêu khích các quốc gia láng giềng trong vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Tại châu Á, Trung Quốc là nước có nhiều tranh chấp lãnh thổ nhiều nhất với các quốc gia láng giềng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Nga, Việt Nam… Thay vì giải quyết bằng phương pháp hòa bình, Trung Quốc luôn áp dụng các biện pháp răn đe, khiêu khích để tạo căng thẳng để rồi từ đó ép các nước đàm phán theo chiều hướng không có lợi.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ được coi là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà nó còn lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông, tìm cách đối đầu Hoa Kỳ và thách thức công luận của thế giới.
“Đối tác mới” của Mỹ tại châu Á
Trước những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và đặc biệt trong bối cảnh thay đổi tình hình an ninh tại khu vực, sự hiếu chiến của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Việt Nam sẽ phải làm gì để duy trì hòa bình, giữa vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ?
Trả lời câu hỏi này không phải là điều dễ dàng. Lịch sử Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu cuộc kháng chiến để bảo vệ tổ quốc. Việt Nam không duy trì tư tưởng xâm chiếm bất kỳ quốc gia nào, song chúng ta cũng không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là luôn phấn đấu cho hòa bình thế giới, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu trong việc ứng xử với các nước lớn.
So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm ở vị trí trung tâm của cả khu vực Đông Nam Á và trên tuyến đường biển chiến lược của thế giới.
So với Philippines và Singapore, vị trí của Việt Nam hơn hẳn bởi chúng ta sở hữu một bờ biển dài đủ để phát triển một lực lượng hải quân hùng mạnh. Với vị trí giáp đất liền, Việt Nam là cửa ngõ tiến vào Đông Dương và là nơi mà các máy bay chiến đấu, tàu quân sự có thể tiếp cận các khu vực khác ở châu Á, Trung Đông một cách nhanh nhất.
Chính vì điều này, Việt Nam từ lâu đã trở thành đối tượng nhòm ngó của nhiều nước lớn. Việc phát huy lợi thế địa chiến lược của Việt Nam như thế nào vừa để mang lại lơi ích kinh tế, vừa mang lại lợi ích chính trị, an ninh quốc phòng trong khi vẫn giữ được độc lập chủ quyền là điều đáng phải suy nghĩ.
Ở một khía cạnh nhất định, các căn cứ quân sự của Mỹ tại các nước Đông Nam Á đã mang lại lợi ích rất nhiều cho chính quốc gia của họ. Đối với Philippines, nhờ hai căn cứ Subic và Clark, trong suốt khoảng thời gian từ 1946-1991, Hoa Kỳ đã dành cho Philippines mức viện trợ quân sự khoảng 137 triệu USD/năm. Sau khi đóng cửa các căn cứ quân sự này, mức viện trợ đã giảm 85% từ 260 triệu USD xuống còn 40 triệu USD vào năm 1991. Sau khi rút các căn cứ quân sự của mình ra khỏi Philippines, Hoa Kỳ chủ trương tìm cách tiếp cận các căn cứ không quân, hải quân của các nước khác trong khu vực theo hình thức tiếp cận và viếng thăm.
Đối với Singapore, Hoa Kỳ được sử dụng nhiều căn cứ quân sự của nước này để phục vụ cho các hoạt động quân sự của mình như căn cứ không quân Sembawang và Paya Lebar. Hàng năm, có tới hơn 100 chuyến tàu của Mỹ đều cập cảng quân sự của Singapore trên cơ sở thăm viếng, sửa chữa hay tập trận quân sự.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, Hoa Kỳ cũng được quyền tiếp cận căn cứ Lumut tại Malaysia và Surabaya tại Indonesia. Với Thái Lan, các máy bay quân sự của Hoa Kỳ vẫn có thể được phép sử dụng căn cứ không quân U-Tapao của nước này như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và trong cuộc chiến chống khủng bố sau ngày 11/9.
Trong giai đoạn hiện nay, Hoa Kỳ đang tìm cách ve vãn rất nhiều quốc gia để tăng cường lực sự hiện diện quân sự tại châu Á thông qua việc ký kết các thỏa thuận về an ninh, bao gồm cả việc tìm kiếm các căn cứ quân sự mới, các cơ sở bảo dưỡng tàu và máy bay quân đội.
Cần phải nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ-Trung ngày nay có tác động rất lớn tới việc tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Mỗi nước tùy vào vị trí địa lý, đặc điểm con người và lịch sử phát triển dân tộc sẽ có những chính sách ngoại giao phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chiến tranh giữa các cường quốc lớn khó có thể xảy ra, song xung đột cục bộ tại những điểm nóng hoặc tại những khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc là điều có thể.
Với chiến lược “xoay trục” sang châu Á, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng một gia tăng và tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế tại khu vực. Đây là mâu thuẫn giữa một cường quốc đang muốn duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới và giữa một cường quốc đang muốn ngoi lên xóa bỏ vị trí đó.
Đông Nam Á là một khu vực ảnh hưởng, nơi tập trung mâu thuẫn của các cường quốc và những những tranh chấp tại Biển Đông có nguy cơ trở thành điểm nóng mà Hoa Kỳ sẽ phải hành động để đối phó. Trong chiến lược xoay trục, Hoa Kỳ nhấn mạnh vào việc tái triển khai lực lượng quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường các liên minh và xây dựng các đối tác chiến lược; đảm bảo sự tham gia của Mỹ vào các cơ cấu chiến lược khu vực; và tăng cường mở rộng các lợi ích kinh tế của Mỹ tại khu vực.
Liên quan tới tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã công khai tuyên bố rằng trong khi Hoa Kỳ không đứng về bên vào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng nước Mỹ phản đối bất kỳ hành động nào có thể đe dọa tới tự do hàng hải tại Biển Đông.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông. Hillary cũng nhấn mạnh rằng mục những tranh chấp tại Biển Đông cần phải dựa trên cách tiếp cận đa phương và luật pháp quốc tế. Cần phải có tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các bên để giải quyết và không được sử dụng biện pháp hăm dọa.
Điều đáng chú ý rằng, trong chiến lược xoay trục của Mỹ, Việt Nam được coi là một “đối tác mới”, một “quân cờ chiến lược mới” của Mỹ tại châu Á. Trong những năm qua, quan hệ Việt-Mỹ đã có sự phát triển tốt đẹp.
Năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tới thăm Hà Nội. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cũng đã tới thăm chính thức Việt Nam hai lần và bày tỏ lợi ích của Mỹ trong việc xây dựng mối quan hệ “đối tác chiến lược” với Việt Nam. Hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng được thúc đẩy theo chiều rộng và chiều sâu.
Trong những năm 2010, 2011 và 2012, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Việt Nam. Tháng 9/2011, hai bên đã ký một Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Từ tháng 6 tới tháng 8/2012, Việt Nam đã cử quan sát viên tới tham gia vào Các cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tới thăm cảng Cam Ranh và tuyên bố rằng “việc các tàu hải quân Mỹ được tiếp cận cơ sở này là một nhân tố chủ chốt trong mối quan hệ với Việt Nam và chúng ta có thể thấy được một tiềm năng cực lớn tại đây trong tương lai”. Phía Hoa Kỳ và Việt Nam sau đó cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác hạt nhân vì mục đích dân sự.
Tháng 10/2012, đoàn cán bộ của Việt Nam tới thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington đậu ở ngoài khơi của Việt Nam. Tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm thứ hai sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Hoa Kỳ vào năm 2007. Trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và nhất trí hợp tác chặc chẽ hơn trong lĩnh vực chống khủng bố; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có chống cướp biển, buôn lậu ma túy, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã; ứng phó với tội phạm công nghệ cao và vấn đề an ninh mạng.
Liên quan tới tình hình Biển Đông, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đều tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên Biển Đông.
Tháng 10/2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức các phiên họp cấp cao về an ninh đó là: “Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng” lần thứ 6 và “Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Mỹ” lần thứ 4. Cũng trong khuôn khổ đối thoại chính sách quốc phòng, hai bên đã ký Biên bản chung về Hợp tác Hàng hải-Cảnh vệ Duyên hải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký vào ngày 1/10/2013.
Trên cơ sở của bản hợp tác này, tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tài trợ 18 triệu USD để giúp nâng cao năng lực của các lực lượng tuần tra biển của Việt Nam, trong đó có việc cung cấp 5 tầu tuần tra cao tốc cho Cảnh sát biển Việt Nam vào năm 2014. Hoa Kỳ cũng cam kết tăng cường đào tạo cho các cán bộ thực thi luật biển của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thông qua Học viện Thực thi luật pháp Quốc tế có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan. Kể từ khi thành lập vào năm 1999 tới nay, Học viện này đã trở thành một trong những khuôn khổ đa phương hàng đầu thế giới về hợp tác và đào tạo thực thi luật pháp.
Những đối sách của Việt Nam, Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại
Để tiếp tục giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông và trước mắt là đấu tranh trước việc chính quyền Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào trong thềm lục địa và vùng đăc quyền kinh tế của Việt Nam, cần phải triển khai các hoạt động sau:
Đối với Việt Nam:
1. Kiên quyết đấu tranh trên mặt trận ngoại giao để yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc rút giàn khoan về nước. Việt Nam chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Tuy đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, song chúng ta kiên quyết không khoan nhượng trước hành động sai trái của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tính tới mọi phương án (kể cả xấu nhất) để giải quyết vấn đề này. Trong quá trình đấu tranh, Việt Nam nên đưa vấn đề giàn khoan 981và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào trong các nội dung thảo luận tại các diễn đàn trao đổi, đối thoại chiến lược của khu vực và quốc tế như: Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF)…
2. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hiện nay các nước trên thế giới ủng hộ và đánh giá cao phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cần phải tuyên truyền, thực hiện việc tham vấn song phương và đa phương với các quốc khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ để gây sức ép lên chính quyền Trung Quốc.
Việc trao đổi với Hoa Kỳ là rất cần thiết bởi nước này có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong các vấn đề của khu vực và quốc tế. Hoa Kỳ cũng là nước có khả năng kiềm chế các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông và cũng là nhân tố có thể duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực trong một môi trường an ninh đầy biến động và trước sự hung hăng ngày một lớn của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam nên chủ động tích cực trao đổi, tham vấn với các nước thành viên ASEAN như: Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia… để có được sự ủng hộ của các nước này trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam có thể đề xuất thiết lập cơ chế đối thoại giữa song phương và đa phương với các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và các quốc gia khác để thảo luận về tình hình hiện nay cũng như đề xuất các biện pháp đối phó.
3. Việt Nam cần phải nhận thức rõ ràng về những hành động của Trung Quốc hiện nay là cực kỳ nguy hiểm, không chỉ là việc xâm hại nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn gây nguy cơ mất ổn định tại Đông Nam Á.
Với giàn khoan 981 hoạt động như một “lãnh thổ di động”, Trung Quốc có thể huy động một lực lượng quân sự rất lớn bao gồm cả tàu chiến, máy bay để xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác.
Việc huy động lực lượng hải quân lớn như vậy núp dưới chiêu bài bảo vệ giàn khoan sẽ cản trở sự tự do hàng hải tại Biển Đông, gây tổn hại tới lợi ích của các quốc gia khác tại khu vực và trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Nếu quá nhún nhường và không triệt để, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành vi tương tự, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tương lai.
Việc Trung Quốc huy động tới hơn 130 tàu chiến, hải cảnh, tàu hộ vệ và máy bay vào để bảo vệ giàn khoan cũng là điều bất thường. Việt Nam nên đề phòng Trung Quốc có dụng ý xấu về quân sự, trong khi thu hút sự quan tâm tại khu vực này thì lại trở tay ở khu vực khác. Ngoài ra, cần đề phòng việc Trung Quốc gắn các thiết bị do thám tàu ngầm tại khu vực giàn khoan hiện nay.
4. Trong quá trình thực thi chính sách đối ngoại, cần phải cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam muốn duy trì quan hệ láng giềng thân thiện với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không biết coi trọng và gìn giữ mối quan hệ này, Trung Quốc sẽ là nước gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.
Hiện nay, nội bộ Trung Quốc đang gặp rất nhiều vấn đề như sự bất ổn về chính trị, tình trạng tham nhũng và sự nổi lên của các vụ tấn công khủng bố. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nội tình Trung Quốc sẽ trở nền trầm trọng và khó có thể kiểm soát. Về đối ngoại, Trung Quốc đã trở thành “cường quốc cô độc” khi bị hầu hết các nước trên thế giới lên án vì sự mập mờ trong chương trình hiện đại hóa quân đội và thái độ hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Thời điểm này, có một nhận thức chung rằng, vành đai an ninh xung quanh Trung Quốc đã bị thiết chặt gây bất lợi Bắc Kinh. Nếu tiếp tục hành xử thiếu tôn trọng và hiếu chiến với các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Bắc Kinh thậm chí sẽ bị cô lập ngay tại khu vực. Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các quốc gia trong khu vực đều cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự? Mục tiêu vươn lên trở thành cường quốc khu vực xem ra sẽ không hề dễ dàng. Ngoài ra, các quốc gia láng giềng cũng áp dụng các biện pháp khác nhau để kiềm chế Trung Quốc bằng cách liên minh với các cường quốc khác nhất là Mỹ.
Đối với Hoa Kỳ:
1. Là một nước có nhiều lợi ích tại khu vực, Hoa Kỳ cần gây sức ép mạnh mẽ hơn lên chính phủ Trung Quốc trong các hoạt động của mình tại Biển Đông. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động khiêu khích, thách thức các lợi ích của Hoa Kỳ tại đây.
Hoa Kỳ cần trao đổi thẳng thắn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể cả trong các cuộc gặp đa phương và song phương để Trung Quốc kiềm chế, tuân thủ các quy định của Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Trong trường hợp cần thiết, Hoa Kỳ nền áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để buộc Trung Quốc không tạo nguy cơ gây bất ổn định tại khu vực.
2. Hoa Kỳ nên có một chiến lược rõ ràng hơn đối với tình hình tại Biển Đông. Mặc dù Hoa Kỳ không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông song Hoa Kỳ có những lợi ích quốc gia trong việc duy trì một khu vực, hòa bình và ổn định. Chiến lược đó phải đảm bảo rằng các quốc gia tranh chấp không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực mà phải giải quyết bằng phương pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Nó cần hướng tới một biện pháp lâu dài để giải quyết các tranh chấp.
Ngoài ra, nó cần đưa ra những biện pháp để đảm bảo khu vực này trong tầm kiểm soát và không có nguy cơ trở thành một điểm nóng, một cuộc xung đột vũ trang tại khu vực.
3. Là một cường quốc có nhiều lợi ích và có sự cam kết lâu dài với khu vực, Hoa Kỳ cần có trách nhiệm hơn nữa trong quan hệ đồng minh với các quốc gia châu Á.
Hiện nay, mối quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều tiến triển tốt đẹp. Tháng 7/2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Hoa Kỳ, hai nước cũng đã công bố quyết định thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Khuôn khổ đối tác toàn diện này sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực thông qua cơ chế điều phối song phương. Cùng với những thỏa thuận đã ký kết, Hoa Kỳ cần tích cực hơn nữa trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực; đảm bảo các lợi ích chung của Việt Nam và nhân dân hai nước.
4. Để hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay, vài trò của Hoa Kỳ và các cường quốc khác là rất lớn. Hoa Kỳ nên có những hành động kiên quyết thay vì chỉ sử dụng các tuyên bố về mặt ngoại giao. Ví dụ, khi Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận tại eo biển Đài Loan và răn đe sử dụng vũ lực hồi năm 1996, Washington đã ngay lập tức điều tàu chiến tới để làm giảm căng thẳng khu vực.
Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể trao đổi hoặc đề xuất sáng kiến thiết lập cơ chế đối thoại song phương, đa phương để trao đổi về tình hình Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Biển năm 1982. Hoa Kỳ cũng có thể đề xuất sáng kiến với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để cùng nhau thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và những biện pháp cần thiết khác phù hợp.