Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, ai dũng cảm trước tòa?

19/05/2020 06:39
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Những bị cáo được xác định đóng vai trò chủ mưu thì tìm cách chối tội, đẩy tội cho cấp dưới của mình, họ còn thanh minh mình vô tội, bị oan để lấp liếm...

Theo dõi phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình trong những ngày qua có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy thật buồn…

Cái buồn không chỉ là 15 bị cáo này đã góp phần để nâng khống điểm thi cho 64 thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 mà cái buồn ấy còn đến từ những hành vi ứng xử của từng bị cáo.

Những bị cáo được xác định đóng vai trò chủ mưu thì tìm cách chối tội, đẩy tội cho cấp dưới của mình, họ còn thanh minh mình vô tội, bị oan để lấp liếm cho tội lỗi của mình.

Bị cáo Khương Ngọc Chất nói sẽ kêu oan cho đến đời con cháu (Ảnh: L.C)
Bị cáo Khương Ngọc Chất nói sẽ kêu oan cho đến đời con cháu (Ảnh: L.C)

Nghĩa tình đã sáng nắng chiều mưa

Nếu như sự việc gian lận điểm thi năm 2018 ở Hòa Bình không bị phát hiện thì chúng ta tin rằng mối quan hệ giữa một số bị cáo trong phiên tòa này càng trở nên thân thiết và khăng khít nhiều hơn.

Mối quan hệ này sẽ được vun đắp tiếp theo qua từng mùa chấm thi…

Thế nhưng, khi sự việc bị phát giác thì nhiều người người tìm cách chối tội và tất nhiên chẳng ai lại muốn đi nhận cái việc đáng phỉ báng này làm gì.

Nhất là những bị cáo như: Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) hay bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu thượng tá, cựu Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình).

Lên được đến cái chức, cấp bậc như vậy cũng đồng nghĩa họ đã có mấy chục năm công tác và tất nhiên là phải phấn đấu, cố gắng rất nhiều.

Bây giờ các bị cáo này bị đề nghị từ từ 5-8 năm tù cũng đồng nghĩa là họ sẽ chấm dứt sự nghiệp của mình. Danh dự, uy tín, quá trình phấn đấu gần như mất cả. Rồi tương lai con cháu họ cũng không thể nào nói là thuận lợi.

Hơn nữa, đây lại là mối quan hệ tiền bạc, lợi ích không được dựng xây bằng tình cảm thì việc đẩy tội cho nhau cũng là điều dễ hiểu vô cùng.

Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, ai dũng cảm trước tòa? ảnh 2Khương Ngọc Chất và Nguyễn Quang Vinh tiếp tục kêu oan trong lời nói sau cùng

Vì thế, bị cáo Nguyễn Quang Vinh mới chỉ đạo, xúi giục bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nhận trách nhiệm 1 mình, nếu có bị bắt thì cứ nhận tội, vợ con ở bên ngoài các anh sẽ lo.

Họ muốn Đỗ Mạnh Tuấn là người sẽ nhận hết trách nhiệm, nhận hết tội lỗi để họ bình an, vô sự….

Nhưng vì có lẽ “các anh” đã không lo cho vợ con của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn như đã hứa nên bị cáo Mạnh Tuấn mới phản kèo khai ra người chỉ đạo, người móc nối nâng điểm cho thí sinh.

Tình nghĩa vì thế mà cũng phôi phai, họ tố nhau trước tòa như chưa hề có sự quen thân trước đó. Người thì khai ra hết để thanh thản cõi lòng và xem đó là cách chuộc tội nhằm được khoan hồng. Người thì nói là mình bị vu cáo và vô tội…

Ai dũng cảm nhận lỗi trước tòa

Trái ngược với bị cáo Nguyễn Quang Vinh hay Khương Ngọc Chất tìm cách chối tội, đẩy tội cho người khác thì bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Thị Thu Loan... đã tỏ ra ăn năn nhất nên đã giãi bày những lời gan ruột của mình.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nói: "Nếu được nhận trách nhiệm, bị cáo sẽ nhận, thế nhưng có những cái bị cáo không thể nhận được.

Nếu như bị cáo đủ tầm, đủ tài để thao túng được cả hội đồng thi, ban chấm thi với hàng trăm con người, cả 2 ngành tham gia là công an và giáo dục thì bị cáo không phải là hiệu phó của một trường".

Rõ ràng, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn không thể thao túng được cả hội đồng thi khi chỉ đảm nhận cấp phó của một nhà trường dân tộc nội trú.

Làm sao bị cáo Tuấn có thể có mối quan hệ rộng để phủ sóng khắp các địa bàn tỉnh Hòa Bình mà tìm những thí sinh có nhu cầu nâng điểm?

Làm sao bị cáo Tuấn có chìa khóa, có đủ thời gian để sửa và nâng điểm cho hàng trăm bài thi của các thí sinh?

Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, ai dũng cảm trước tòa? ảnh 3Giờ mới khóc mếu thì có ý nghĩa gì đâu!

Làm sao bị cáo Tuấn qua mắt được lãnh đạo hội đồng thi và bảo vệ vòng trong, vòng ngoài của công an tỉnh trong một hội đồng chấm thi quốc gia nếu không có sự giúp sức, thông đồng của những người xung quanh bị cáo Tuấn?

Còn bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân, thành phố Hòa Bình) thừa nhận mình là người có lỗi và đáng trách khi đã để ra sai phạm trong kỳ thi.

Vì thế, bị cáo Loan đã có những nỗi dằn vặt khi nói rằng: “Suốt 13 tháng bị tạm giam, bị cáo đã đi đến tận cùng của nỗi đau cả về vật chất và tinh thần.

Chỉ vì sai lầm nhất thời mà mất hết tất cả công việc, niềm tin với mọi người. Bị cáo xin nhận mình là một tấm gương mờ trong ngành giáo dục và xin được mở cánh cửa trở về cuộc đời”.

Như vậy, nững bị cáo không có chức vụ như bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan hay một cấp phó nhà trường như Đỗ Mạnh Tuấn đã dám đối diện với sự thật khi họ nhận lỗi và mong muốn sự khoan dung của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời…

Vậy mà, những người bị cáo được xác định vai trò chủ mưu của vụ án, những bị cáo từng mang cấp hàm thượng tá trong lực lượng Công an nhân dân lại đi tìm cách chối tội!

Rõ ràng, tình người trong phiên tòa này đã trở thành một thứ xa xỉ đối với một số bị cáo. Họ đã đổi trắng thay đen với những con người đáng lẽ ra đã đem lại cho họ rất nhiều lợi ích về vật chất, về các mối quan hệ (nếu sự việc không bị phát giác).

Giờ đây, họ đã phủ nhận trách nhiệm, tội lỗi của mình cho người khác mà không cảm thấy ngượng ngùng hay có một chút cắn rứt trong lương tâm sao?

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/khuong-ngoc-chat-va-nguyen-quang-vinh-tiep-tuc-keu-oan-trong-loi-noi-sau-cung-post209413.gd

//nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vu-gian-lan-diem-thi-thpt-ke-chu-muu-choi-toi-20200515212450659.htm

NGUYỄN CAO