Ông Tú cũng khẳng định thêm, các nhân viên bảo vệ chỉ ngăn cản không cho người dân vào khu dự án chứ không xô xát với người dân.
Hiện trường nơi xảy ra vụ "côn đồ" hành hung người dân - Ảnh: Thân Hoàng |
Trước đó, như tin đã đưa, tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vào chiều 21/4, một số người dân không chịu bàn giao đất cho Công ty TNHH Hoa Thành để xây dựng nhà máy sản xuất giấy xuất khẩu tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng đã bị đánh.
Cụ thể hơn, báo Tiền Phong đưa tin, khi CA huyện Tiên Lãng có mặt, đám côn đồ chỉ tản ra và tụ tập gần đó.
Ông Lương Văn Chinh (52 tuổi, ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng) nói, mấy ngày qua khi có tin Cty CP Hoa Thành chuẩn bị xây dựng hạ tầng dự án trong khi chưa đền bù, giải phóng mặt bằng xong, người dân trong thôn liền dựng hàng rào bằng săm, lốp xe và dựng lều tạm để ngăn cản không cho thi công.
Ông Hoàng Văn Hào (46 tuổi, cùng thôn) cho biết khi nghe thấy tiếng kẻng ông liền chạy xe máy ra khu vực phía cổng khu đất dự án xem tình hình ra sao thì thấy có khoảng 15 người mặc đồng phục bảo vệ và khoảng 50 tên côn đồ. Thấy ông Hào, một kẻ hô “Vùi thằng này xuống, đánh chết... nó đi...”. Và ngay lập tức, ông Hào bị một trận đòn.
Bà Rích và người dân bị côn đồ đánh được sơ cứu. |
TGĐ Cty CP Dịch vụ Bảo vệ Toàn Cầu Nguyễn Quốc Minh nói, người của Cty bảo vệ có mặt tại khu đất dự án chỉ có 18 nhân viên còn 50 côn đồ ở đâu đến đánh nhau với người dân, ông cũng không biết. Vậy ai đã thuê đám côn đồ đến đánh người dân nhằm giữ đất dự án phải chờ kết quả điều tra của cơ quan CA.
Trong một cuộc trao đổi khác với Giáo dục Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Văn Thạch – Trưởng Công an huyện Tiên Lãng cho hay: “Ngay khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã có mặt. Nếu không kịp thời thì đã xảy ra xô xát lớn. Còn về 20 vệ sỹ (thuộc công ty bảo vệ Hoàn Cầu) chỉ đến để ngăn cản nên có gì đâu mà xử lý. Hiện, Công an Tiên Lãng đang xử lý vụ việc này”.
Dân nói “hợp đồng thuê đất trái luật”
Thông tin trên Tuổi trẻ, ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết ngày 10-11-2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt thu hồi hơn 88.000m2 đất nông nghiệp tại xã Đại Thắng cho công ty thuê để xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu. Sau khi đền bù, giải tỏa mặt bằng, ngày 13-12-2004 Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng đã làm hợp đồng cho thuê đất với công ty. Theo hợp đồng mà công ty cung cấp, đại diện TP Hải Phòng là ông Chu Minh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) ký, đóng dấu hợp đồng này.
Tại thời điểm UBND TP Hải Phòng làm hợp đồng cho thuê đất với công ty vẫn còn 9/153 hộ chưa nhận đền bù, chưa giao đất và hơn 100 hộ dân khiếu kiện về mức đền bù thấp. Theo quy định của Luật đất đai, khi chưa giải tỏa mặt bằng, chưa cưỡng chế xong, chưa có “đất sạch” thì chính quyền chưa được làm hợp đồng cho thuê đất với công ty.
Ông Lương Văn Chinh - người đại diện cho những hộ dân bị thu hồi đất - cho biết nguyên nhân người dân giữ đất là do giá đền bù quá thấp, quy trình thu hồi, cho thuê đất không đúng luật. Theo ông Chinh, UBND TP và UBND huyện Tiên Lãng không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, làm hợp đồng cho thuê đất khi nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù. “Chúng tôi đã có kiến nghị đến các cấp. Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường cũng có văn bản gửi người dân về việc chuyển đơn yêu cầu TP Hải Phòng giải quyết nhưng đến nay người dân chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền” - ông Chinh nói.