Ngày 26/2, vụ 2 công dân Trung Quốc giết hại dã man cháu bé 9 tuổi tại Văn Lãng, Lạng Sơn làm rúng động dự luận.
Theo thông tin ban đầu, hai nghi phạm này đã nhiều lần sang Việt Nam đòi nợ nhưng bố cháu bé trốn. Do đó, hai đối tượng trên đã ra tay bắt cóc và sát hại dã man cháu bé.
2 nghi phạm giết hại dã man một cháu bé bị bắt giữ tại CQĐT |
Việc vi phạm pháp luật của công dân Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam có thể coi là không phải lần đầu tiên, đặc biệt là ở các địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc.
Sự việc đang gây nhức nhối trong dư luận, không chỉ ở Việt Nam mà có thể ngay cả với người dân Trung Quốc.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho hay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự từ năm 1999.
Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam xét thấy cần thiết có thể yêu cầu phía Trung Quốc hỗ trợ, xác minh, điều tra thu thập chứng cứ về nhân thân của hai nghi can và các vấn đề liên quan khác đến việc điều tra, kết luận về hành vi phạm tội của hai đối tượng này.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội |
Luật sư Thắng dẫn giải thêm về một số điều khoản đối với việc người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.
Khoản 2, Điều 5 Bộ luật hình sự quy định: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, nếu đọc qua có thể nhiều người lo ngại rằng, vụ việc sẽ được giải quyết theo con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, Luật sư Thắng cho biết thêm, Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 của Liên hợp quốc quy định với các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự.
“Nếu đối chiếu với các quy định tại hai văn bản này và quy định trên đây, trách nhiệm hình sự của hai công dân Trung Quốc kia không được giải quyết theo con đường ngoại giao. Do vậy, hai người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 BLHS Việt Nam” – Luật sư Thắng nói.
Cũng theo vị Luật sư này cho biết, theo nội dung báo chí phản ánh cho thấy, hành vi của hai người này đã có dấu hiệu thỏa mãn hàng loạt tình tiết định khung của “Tội giết người” quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hìn sự, đó là: Giết trẻ em; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Vì động cơ đê hèn (đối trừ công nợ).
Bởi vậy Luật sư Thắng cho rằng, với những thông tin ban đầu, Cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh được một trong các tình tiết định khung nêu trên là có thể đề nghị truy tố hai nghi can “Tội giết người” với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra, do phạm tội thực hiện bởi hai người, nên có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức. Việc thi hành án sẽ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam do Trung Quốc và Việt Nam không có hiệp định chung về chuyển giao người bị kết án.
Sau khi có kết luận điều tra về hành vi phạm tội của hai nghi can Trung Quốc này, nếu cần thiết, cơ quan tố tụng sẽ thông qua cục Lãnh sự, Bộ ngoại giao Việt Nam để thông báo về vụ án cho Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia mà nghi can có quốc tịch tại Việt Nam.
Qua phần phân tích nêu trên, có thể khẳng định vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này sẽ được khởi tố, điếu tra, truy tố, xét xử và thi hành án nghiêm minh theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.