Ngày 21 tháng 12 năm 2013, tại Đại học Điện lực diễn ra hội thảo “Công nghệ Lò phản ứng nước nhẹ VVER: Kinh nghiệm và Đánh giá hậu Fukushima” với diễn giả, Tiến sĩ Alexander Khrobostov, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử và Vật lý Ứng dụng, Đại học Kỹ thuật Quốc gia Nizhny Novgrod (Đại học Rostislav E. Alekseev, Nga).
Tiến sĩ Alexander Khrobostov (Bên trái) |
Chương trình An toàn cho Nhà máy điện Hạt nhân của Nga đã được triển khai từ rất lâu, trước khi diễn ra sự cố Fukushima và hiện vẫn đang tiếp tục được xúc tiến với những bài học được rút ra.
Buổi hội thảo hướng tới mục tiêu trang bị những kiến thức cần thiết cho thế hệ chuyên gia về năng lượng hạt nhân trong tương lai của Việt Nam; được phối hợp thực hiện bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM, Viện Năng lượng Hạt nhân và Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Nizhny Novgorod (Đại học Rostislav E. Alekseev), và Trường Đại học Điện lực (Việt Nam).
Tại đây, Tiến sĩ Alexander Khrobostov đã giải thích vì sao vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima lại gây cho Nhật Bản hậu quả nặng nề đến như vậy. Theo ông, nguyên nhân chính là do trận sóng thần đã ập vào, làm ngập một số hệ thống quan trọng của nhà máy.
Tiến sĩ Alexander Khrobostov nói: “Có hai yếu tố dẫn đến vụ nổ nhà máy hạt nhân, làm rò rỉ phóng xạ tại Fukushima. Đầu tiên là do động đất. Tuy nhiên cũng phải khẳng định, nhà máy đã chịu được tác động của trận động đất một cách an toàn. Nhưng từ việc động đất dẫn đến sự cố thứ hai là sóng thần đến, làm ngập hệ thống phát điện, đây là nguyên nhân chính dẫn đến “thảm họa” ở Fukushima”.
Sóng thần quét qua Fukushima, đây là nguyên nhân chính dẫn đến "thảm họa" nổ nhà máy điện hạt nhân, rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Kyodo |
Vị Tiến sĩ lí giải thêm, hệ thống quản lí các máy phát điện của nhà máy Fukushima được đặt ở tầng hầm. Tuy sóng thần không phá hủy nhà máy nhưng nước đã ngập xuống các tầng hầm này, làm tê liệt hệ thống các máy phát điện.
Như vậy, đáng lí ra các máy phát điện này phải được cấp phát điện để xử lí sự cố thì nó đã không chạy được, dẫn đến các hệ thống an toàn của nhà máy không có điện để hoạt động.
Trong khi đó, ở các nhà máy do Nga thiết kế rất được chú trọng vấn đề này. Vị trí đặt các cỗ máy phát điện thường ở trên cao. Khác với ở Nhật là đặt dưới tầng hầm.
Sau sự cố Fukushima, Tập đoàn ROSATOM đã cho kiểm tra lại khả năng kháng cự trên toàn bộ hệ thống nhà máy của mình với những sự cố tương tự như ở Nhật. Sau đó, các chuyên gia Nga đã phản ứng rất nhanh khi sự cố ở Fukushima xảy ra. Họ đã lập mối liên lạc ngay lập tức với các bạn đồng nghiệp ở Nhật Bản đang cố xử lí sự cố. Tuy nhiên, Tiến sĩ Alexander Khrobostov cho biết, rất đáng tiếc các chuyên gia Nhật Bản khi đó quá tự tin và từ chối sự thiện chí này của chuyên gia Nga.
Ông đánh giá, các chuyên gia Nhật đã xử lí sự cố có phần hơi cứng nhắc và không kịp thời.
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM rất quan tâm tới quá trình xây dựng nguồn lực quốc gia về điện hạt nhân tại Việt Nam, cũng như trang bị trình độ và năng lực sản xuất tại địa phương. Gần đây, các đại biểu trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu của nhà nước Việt Nam đã có chuyến công du tới Công ty Cổ phần Atomenergoproekt (Mat-xco-va) và thị sát những yếu tố kỹ thuật của một nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ VVER, với hệ thống an ninh bao gồm cả những giải pháp kỹ thuật hậu Fukushima.
Các chuyên gia Việt Nam cũng đã được giới thiệu về những phương pháp thiết kế công nghệ hiện hành, cùng một loạt các giải pháp công nghệ và kỹ thuật, bao gồm cả những dự án đã, đang và chuẩn bị được triển khai.
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM bao gồm hơn 250 công ty và viện nghiên cứu khoa học, tập hợp toàn bộ các công ty về năng lượng hạt nhân dân dụng tại Nga, các cơ sở hạt nhân quân sự, các tổ chức nghiên cứu và hạm đội tàu nguyên tử duy nhất trên thế giới.
ROSATOM là đầu mối điện năng lớn nhất Liên bang Nga cung cấp 40% trong tổng sản lượng điện năng của vùng tây Uran nước Nga. ROSATOM hiện đang dẫn đầu thị trường thế giới về công nghệ hạt nhân: Đứng đầu về thi công công trình điện hạt nhân; Đứng thứ 2 về dự trữ Uranium; Đứng thứ 5 về khai khoáng Uranium; và thứ 4 về sản lượng điện năng, chiếm lĩnh 40% thị trường dịch vụ làm giàu uranium và 17% thị trường nhiên liệu hạt nhân thế giới.
ROSATOM cũng được chính phủ Nga tín nhiệm với nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ quốc gia trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tổng giám đốc ROSATOM hiện nay là Nguyên Thủ tướng Nga Sergey Kirienko.