Vụ SV HUFLIT la hét ở Trường Quân sự QK 7: Chuyển CA điều tra dấu hiệu ghép clip

12/01/2023 15:08
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chiều ngày 12/1, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã tổ chức họp báo, thông tin rõ ràng vụ việc gây xôn xao mạng xã hội.

Chiều ngày 12/2/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã tổ chức buổi họp báo, thông tin về vụ việc có liên quan đến nữ sinh của HUFLIT gây xôn xao cộng đồng mạng xã hội trong hai ngày nay.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng HUFLIT khẳng định, vụ việc này là xuất phát nguồn từ một video clip rất sơ sài, đã được thêu dệt thành một câu chuyện phức tạp, hoàn toàn không có thật trong thực tế.

Nhà trường gửi sinh viên đi học giáo dục quốc phòng an ninh tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh, Trường Quân sự Quân khu 7 theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng HUFLIT phát biểu tại họp báo (ảnh: P.L)

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng HUFLIT phát biểu tại họp báo (ảnh: P.L)

Hôm qua, mọi việc đã được nhà trường giải quyết ổn thỏa, nhưng trong ngày 11/1, sự việc đã có những diễn tiến bất ngờ trên mạng xã hội, bị cắt ghép và nói sai sự thật, khiến cho HUFLIT bỗng nhiên trở thành nạn nhân.

Tại buổi họp báo này, Đại tá Nguyễn Tiến Sơn – Chủ nhiệm chính trị, Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết, trong sáng cùng ngày, HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 đã có buổi làm việc chính thức, có thông tin rõ ràng về sự việc.

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn cho hay, sinh viên của HUFLIT có học Giáo dục quốc phòng An ninh tại đơn vị này.

Khoảng 21h30 ngày 10/1, trong quá trình sinh hoạt tập thể đã xảy ra chuyện một em nữ sinh thông báo mất tiền. Các em đã đổ lỗi cho một em nữ sinh tên là H.

Do bị nghi ngờ lấy tiền, H.đã xô cửa ra ngoài, la hét, khóc lóc do bị ảnh hưởng tâm lý. Sau khi nghe thấy câu chuyện này, cán bộ đại đội của trường đã đưa em xuống phòng làm việc, nắm rõ tình hình.

Lúc này, một em sinh viên khác ở tòa nhà đối diện vì tò mò đã quay lại video clip. Nữ sinh này đã chia sẻ clip nói trên với hai bạn khác.

Đến tối ngày 11/1, video clip này đã bị đăng tải trên mạng xã hội, gán ghép với thông tin sai sự thật, và cho rằng có vụ việc xâm hại tại Trường Quân sự Quân khu 7.

“Các thông tin trên mạng là hoàn toàn sai sự thật, có dấu hiệu bịa đặt, xuyên tạc” – Đại tá Nguyễn Tiến Sơn thông tin.

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn - Trường Quân sự Quân khu 7 phát biểu tại họp báo (ảnh: P.L)

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn - Trường Quân sự Quân khu 7 phát biểu tại họp báo (ảnh: P.L)

Sinh viên đăng tải video clip sau đó đã có đính chính thông tin rằng, mọi người đã hiểu sai sự thật về nội dung đoạn video clip.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, sau khi đã nắm bắt tâm lý của sinh viên, trường đã mời phụ huynh của H. lên làm việc ngay trong đêm. Mẹ H. đã đưa em về nhà chăm sóc, động viên. H. bị chấn động tâm lý, vì cho rằng bị oan. Mẹ của H. đã phải tạm nghỉ việc để chăm sóc em.

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn nhấn mạnh, hầu hết các đoạn video clip lan truyền trên mạng đều có dấu hiệu cắt ghép, dàn dựng. Nhiều nội dung âm thanh, hình ảnh không có trong video clip gốc, đã được chèn vào để lồng ghép, xuyên tạc, bịa đặt.

Nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải những video clip này có dấu hiệu có mục đích phản động, chống phá Nhà nước.

Hiện Trường Quân sự Quân khu 7 đã có công văn gửi Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra và xác minh các thông tin lan truyền sai sự thật, có nhiều dấu hiệu của việc cắt ghép thông tin.

Các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng đã đến Trường Quân sự Quân khu 7 làm việc, nắm bắt thông tin vụ việc này.

Việt Dũng