Vụ việc ĐH FPT đào tạo trong Khu công nghệ cao TPHCM: Cần sớm xử lý dứt điểm

02/07/2024 13:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Phân hiệu Đại học FPT ở thành phố ngưng ngay việc đào tạo, khai thác, sử dụng đất bên trong khu này.

Ngày 14/6/2024, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã ký văn bản 761/KCNC-QLDN, về Dự án “Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT”. Văn bản này được gửi tới Trường Đại học FPT (phân hiệu đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Căn cứ theo văn bản này, dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào ngày 4/10/2013, và điều chỉnh lần 1 vào ngày 10/11/2015, do Viện Đào tạo Quốc tế FPT là chủ đầu tư.

Dự án có địa chỉ đặt tại E2a-7, đường D1, Phường Long Thạnh Mỹ, Khu SHTP, Thành phố Thủ Đức. Mục tiêu của dự án này là góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ươm tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Quy mô của dự án là xây dựng trung tâm đào tạo các chuyên ngành về công nghệ thông tin, đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đào tạo phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong SHTP.

Tuy nhiên, qua cuộc làm việc với Ban Quản lý SHTP, ông Trần Ngọc Tuấn – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc phân hiệu của Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp bản sao Quyết định của Trường Đại học FPT về việc sáp nhập Viện Đào tạo Quốc tế FPT vào Phân hiệu của Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định ký ngày 7/2/2020).

Theo báo cáo, hiện dự án đang tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó thì đào tạo bậc đại học (kỹ sư) là chiếm 99,09%, sau đại học (thạc sĩ) chiếm 0,91%.

FPTTPHCMwebFPTEDU.jpeg
Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa từ website nhà trường)

Doanh thu từ đào tạo đạt 751.666 triệu đồng. Ngoài ra, còn có triển khai nghiên cứu một số công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh và vườn ươm “Trải nghiệm khởi nghiệp” nhưng chưa có doanh thu.

Theo đoàn kiểm tra của SHTP, việc đào tạo bậc đại học chiếm 99,09% tại SHTP là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 42 của Luật Đầu tư năm 2020, và theo quy định tại Điều 2 của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về điều kiện ràng buộc “Trong trường hợp chủ đầu tư thực hiện không đúng nội dung dự án, hoặc chậm triển khai dự án theo tiến độ và các nội dung đã cam kết (trừ các trường hợp bất khả kháng, hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý) thì Ban Quản lý của SHTP có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Dự án này không thực hiện báo cáo quý, báo cáo năm, và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại Điều 2 của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về điều kiện ràng buộc.

Ngày 17/1/2013, Ban Quản lý SHTP đã có công văn 59/KCNC-XTĐT, gửi Trường Đại học FPT về đề nghị xây dựng Phân hiệu Trường Đại học FPT trong Khu Công nghệ cao là không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghệ cao giai đoạn 1, được phê duyệt tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 16/3/2007 của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch chi tiết Khu Công nghệ cao - giai đoạn 2 tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 5625/QĐ-UBND ngày 9/12/2009 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, việc hoạt động của Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh ở bên trong SHTP đã được thông báo đến lãnh đạo Trường Đại học FPT là không phù hợp với quy hoạch Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2013.

Thế nhưng, qua tiến hành rà soát, Ban Quản lý SHTP nhận thấy, Trường Đại học FPT vẫn để trên trang điện tử của mình giới thiệu Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh ở bên trong Khu Công nghệ cao.

Văn bản nêu, việc Trường Đại học FPT ban hành quyết định sáp nhập, giải thể và chấm dứt sự tồn tại của Viện Đào tạo Quốc tế FPT, xóa sổ pháp nhân là nhà đầu tư của một dự án tại SHTP, tự ý giao cho đơn vị mới là Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản toàn bộ dự án tại SHTP, mà chưa có sự đồng ý và chấp thuận của Ban Quản lý là không đúng nội dung quy định tại Điều 1 của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Ban Quản lý SHTP không đồng ý việc Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng địa điểm trong SHTP, do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Song song đó, việc sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đào tạo sinh viên là không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu, không phù hợp với quy hoạch của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đã có những vi phạm nêu trên, Ban Quản lý SHTP đề nghị Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh ngưng việc đào tạo ở bậc đại học tại dự án trong SHTP, ngưng các hoạt động khác tại dự án, do không phải là nhà đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

Đồng thời, đề nghị Trường Đại học FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu phân hiệu của nhà trường bên trong SHTP trên các trang thông tin điện tử của trường nói riêng, của Công ty cổ phần FPT nói chung.

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 27/6 tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đặt câu hỏi về những thông tin mới nhất liên quan vụ việc.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Cường – Phó Trưởng Ban Quản lý của SHTP chỉ cho biết, tại địa chỉ E2a – 7 đường D1, Khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức có thành lập Phân hiệu của Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này có thể không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp trước đó, nên Ban Quản lý SHTP có văn bản yêu cầu Đại học FPT thông tin giải trình về việc này.

“Mục tiêu của việc làm này là để xác định quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư có thực hiện đúng những nội dung như cam kết trong giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp hay chưa. Nếu có vướng mắc, Ban Quản lý SHTP sẽ chỉ rõ, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện đúng, qua đó thực hiện thành công dự án này” – ông Lê Quốc Cường khẳng định.

Theo đại diện Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, các thông tin chi tiết hơn sẽ được Ban Quản lý SHTP có văn bản trả lời (gửi qua Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh), và sẽ có đăng tải công khai trên website của Trung tâm Báo chí.

Thế nhưng, cho đến sáng ngày 2/7, phóng viên chưa thấy nội dung này được đăng tải.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Tường – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các phân khu có chức năng nghiên cứu và phát triển, ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, được ngân sách Nhà nước đảm bảo đầu tư, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, chính sách ưu đãi là đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Theo như các căn cứ được nêu ra trong văn bản 761/KCNC-QLDN của Ban Quản lý, ngày 7/10/2013 Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng cho thuê đất số 65/HĐTĐ/KCNC/2013 với Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện Dự án “Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT” được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu số 41321000070 ngày 4/10/2013 cho Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học Công nghệ số 210/ĐK-KHCN do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cấp cấp ngày 26/9/2011.

Đến ngày 10/1/2015, chủ đầu tư dự án đã chuyển tên thành Viện Đào tạo Quốc tế FPT Thành phố Hồ Chí Minh theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ số 189/ĐK-KHCN do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cấp ngày 23/5/2008 (thay đổi lần 2 ngày 21/1/2013).

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã ký Phụ lục Hợp đồng thuê đất số PL02_65/HĐTĐ/KCNC-2016. Trước đó thì ngày 4/8/2014, Ban Quản lý đã ký Phụ lục hợp đồng cho thuê đất số PL01_65/HĐTĐ/KCNC-2014 điều chỉnh diện tích theo Biên bản bàn giao đất tại hiện trường số 59a/BB-KCNC ngày 7/7/2014.

Sau đó thì ngày 7/7/2020, Trường Đại học FPT đã ký Quyết định số 124/QĐ-ĐHFPT, sáp nhập Viện Đào tạo Quốc tế FPT Thành phố Hồ Chí Minh (Pháp nhân ký hợp đồng thuê đất của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) vào Phân hiệu Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung quyết định này thể hiện “Chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Viện Đào tạo Quốc tế FPT Thành phố Hồ Chí Minh sang Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học FPT. Vì vậy, cần rà soát lại các hoạt động để đảm bảo thực hiện đúng giấy phép đầu tư, đúng quy hoạch.

Chính vì thế, nếu có vi phạm, cơ quan chức năng cần sớm xử lý dứt điểm để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan.

Việt Dũng