Những con số tréo ngoe, khó hiểu ở bảng kê tỷ lệ SV có việc làm của Đại học FPT

26/06/2024 06:18
Vi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Đề án tuyển sinh của ĐH FPT cho thấy, một số ngành không có số liệu về chỉ tiêu, số sinh viên trúng tuyển nhập học nhưng lại có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp.

Trường Đại học FPT được thành lập ngày 8/9/2006 theo Quyết định số 208/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 17/4/2009 của Chính phủ.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập, cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước. Mục tiêu trước mắt của Trường Đại học FPT là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành Công nghệ thông tin, Kinh tế, Mỹ thuật và các nhóm ngành khác cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn thế giới.

Hiện Trường Đại học FPT do Tiến sĩ Lê Trường Tùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành là Hiệu trưởng.

truong-fpt-577.jpg
Trường Đại học FPT có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Ngành Công nghệ thông tin có năm chỉ 3 sinh viên tốt nghiệp

Trường Đại học FPT đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2024 trên trang thông tin điện tử của trường. Theo đó, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 14.339 chỉ tiêu với 7 ngành đào tạo bao gồm: Ngôn ngữ Anh (354 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Nhật (97 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Hàn Quốc (115 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Trung Quốc (100 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (3.668 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (9.327 chỉ tiêu), Công nghệ truyền thông (678 chỉ tiêu).

Đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường cho thấy năm 2024, nhà trường mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Trung Quốc và Công nghệ truyền thông. Đáng chú ý năm 2024, Trường Đại học FPT giảm 3.713 chỉ tiêu so với năm 2023. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh giảm tới 2.348 chỉ tiêu; ngành Công nghệ thông tin giảm 1.881 chỉ tiêu.

Tại mục 7 tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Chương I Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học FPT đã thống kê kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm.

Bảng kê này của Trường Đại học FPT gây ra nhiều băn khoăn bởi lẽ, có một số lĩnh vực/ngành đào tạo nhà trường thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm là 0% như: Máy tính và công nghệ thông tin; Kinh doanh và quản lý; Nhân văn; Du lịch, Khách sạn, Thể thao và dịch vụ cá nhân; Báo chí và thông tin; Truyền thông đa phương tiện (liên kết đào tạo với nước ngoài)

ty-le-tn.png
Một số lĩnh vực/ngành đào tạo nhà trường thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 0. (Ảnh chụp màn hình)

Một số ngành khác nhà trường không có số liệu về chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học nhưng lại có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp như: Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng, Thiết kế đồ họa, Quản trị khách sạn, Truyền thông đa phương tiện.

FPT-61.png
Nhiều ngành nhà trường không thống kê chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học nhưng lại có số liệu sinh viên tốt nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ vậy, có một số khối ngành/lĩnh vực nhà trường chỉ có 1-3 sinh viên tốt nghiệp như: Tài chính - Ngân hàng chỉ có 1 sinh viên tốt nghiệp; Kỹ thuật điện tử - viễn thông chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp; Công nghệ thông tin chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp. Trong khi đó, Công nghệ thông tin được nhà trường xác định là ngành nhà trường tập trung đào tạo cho mục tiêu trước mắt. Đây cũng là ngành hàng năm đều có chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học rất cao.

CNTT-2.png
Theo thống kê, khối ngành Công nghệ thông tin chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)
CNTT.png
Chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học của ngành Công nghệ thông tin các năm đều ở mức cao. (Ảnh chụp màn hình)

Có ngành tuyển sinh chưa đạt 40% chỉ tiêu

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 có tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất của Trường Đại học FPT cho thấy cả 5 ngành đào tạo hệ đại học chính quy nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023).

Đáng chú ý, ngành Ngôn ngữ Nhật và ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc nhà trường tuyển được khá ít sinh viên. Cụ thể:

Ngành Ngôn ngữ Nhật năm 2022 chỉ tiêu của trường là 350 nhưng chỉ có 113 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 32,3%). Năm 2023 chỉ tiêu của ngành này giảm xuống còn 253 nhưng nhà trường cũng chỉ có 93 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 36,8%).

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc năm 2022 chỉ tiêu của trường là 180 nhưng chỉ có 48 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 26,7%). Năm 2023 chỉ tiêu của ngành này giảm xuống còn 120 nhưng nhà trường cũng chỉ có 82 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 68,3%).

FPT-1.png
Hai năm liền ngành Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường Đại học FPT đều tuyển chưa được 1/3 so với chỉ tiêu. (Ảnh chụp màn hình)

Một số nội dung kê khai không đầy đủ theo quy định tại Thông tư 08

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học FPT có một số nội dung không kê khai đầy đủ theo mẫu của Thông tư 08.

Cụ thể, tại mục 8.2 tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

hoc-vien-ngan-hang-1.jpg
Mẫu kê khai điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, trong bảng kê khai của Trường Đại học FPT ở nội dung các phương thức xét tuyển không ghi rõ cụ thể phương thức nào mà chỉ ghi thông tin chung là “xét tuyển”. Trong khi đó, ngoài xét tuyển thẳng, xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì nhà trường còn xét tuyển theo kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông.

FPT-2.png
Ở nội dung các phương thức xét tuyển Trường Đại học FPT không thống kê chi tiết từng phương thức mà chỉ ghi chung là xét tuyển. (Ảnh chụp màn hình)

Tại điểm 1.5, mục 1, chương II ngưỡng đầu vào đối với tuyển sinh đào tạo chính quy, nhà trường cũng không kê khai thông tin cụ thể ngưỡng đầu vào. Trong khi đó, đây là căn cứ quan trọng để các thí sinh cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Bên cạnh đó, mục 1.12. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro cũng được nhà trường liệt kê đầu mục nhưng không có nội dung cam kết cụ thể như thế nào.

FPT-4.png
Một số mục nhà trường chỉ đề tên trong đề án chứ không có thông tin cụ thể. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, ở phần cuối của Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường cũng không có chữ ký và dấu của thủ trưởng đơn vị.

FPT-6.png
Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học FPT không có chữ ký và dấu của thủ trưởng đơn vị. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học FPT, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là: 2.918.438 triệu đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 69.6 triệu đồng.

Học phí dự kiến năm 2024 của Trường Đại học FPT có sự khác biệt tùy theo nơi đào tạo. Với cơ sở đào tạo chính tại Thành phố Hà Nội, phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Định:

Học phí kỳ định hướng: 11.900.000 đồng (có 01 kỳ định hướng, chỉ áp dụng cho sinh viên mới nhập học).

Học phí tiếng Anh chuẩn bị: 11.900.000 đồng/mức (có 6 mức tiếng Anh, xếp lớp tuỳ trình độ).

Học phí chuyên ngành (gồm 9 kỳ học chuyên ngành): Từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 28.700.000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 30.500.000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 32.500.000 đồng/kỳ

Phân hiệu tại Thành phố Cần Thơ:

Học phí kỳ định hướng: 8.330.000 đồng(có 01 kỳ định hướng, chỉ áp dụng cho sinh viên mới nhập học).

Học phí tiếng Anh chuẩn bị: 8.330.000 đồng/mức (có 6 mức tiếng Anh, xếp lớp tuỳ trình độ).

Học phí chuyên ngành (gồm 9 kỳ học chuyên ngành): Từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 20.090.000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 21.350.000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 22.750.000 đồng/kỳ. Đợt nộp Học phí đầu tiên khi nhập học sinh viên nộp học phí kỳ định hướng và 1 mức tiếng anh chuẩn bị.

Vi Anh