LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Đinh Tuyết Mai, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Trong bài viết lần này, tác giả xin chia sẻ tới bạn đọc trong nước về hình thức nhận trông giữ trẻ tại Cộng hòa liên bang Đức.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ở Đức, bắt đầu từ 3 tuổi đến khi đi học phổ thông, mỗi trẻ em đều có quyền được đi học ở vườn trẻ (tương tự như trường mẫu giáo ở Việt Nam).
Theo luật hiện hành, việc gửi con đi vườn trẻ là không bắt buộc.
Trẻ em con người nước ngoài và trẻ em Đức được cùng học và cùng chơi ở vườn trẻ, không có sự phân biệt chủng tộc hoặc màu da.
Ngày đầu tiên đến trường của trẻ em tại Cộng hòa liên bang Đức |
Để con được nhận vào vườn trẻ, thông thường các bậc cha mẹ phải nộp đơn xin cho con trước một năm.
Theo quy định của Bộ gia đình và xã hội, các em sẽ được phân phối đến vườn trẻ gần nơi ở của gia đình mình nhất.
Việc phân phối chỗ học cho các em ở vườn trẻ là trách nhiệm của phòng thanh thiếu niên.
Trong trường hợp không đủ chỗ ở vườn trẻ thì các em là con gia đình nghèo, có thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước.
Hàng tháng, cha mẹ các em sẽ phải đóng góp lệ phí cho vườn trẻ. Hiện nay ở Đức có các hình thức gửi trẻ như:
Vườn trẻ nửa ngày
Hình thức này được áp dụng cho các gia đình có kinh tế khá hơn, người mẹ chỉ đi làm nửa ngày hoặc ở nhà nội trợ.
Các em sẽ được gửi ở trường từ 8 giờ đến 13 giờ. Cha mẹ phải đưa các em tới trường trước 8 giờ, chậm nhất họ phải đón con trước 13 giờ.
Mọi thông tin về việc gửi con đi vườn trẻ, các bậc cha mẹ phải liên hệ, tìm hiểu trực tiếp tại phòng thanh thiếu niên hoặc tự tìm hiểu qua mạng.
Cô và cháu trong phòng học ở vườn trẻ. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Vườn trẻ cả ngày
Hình thức này được áp dụng cho các gia đình, cả cha và mẹ đều đi làm.
Để được nhận chỗ học cho con ở đây, cha mẹ phải nộp giấy chứng nhận nơi làm việc về mức lương hàng tháng của từng người.
Nếu không đủ chỗ học cho các cháu ở vườn trẻ cả ngày thì những gia đình có tổng thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước.
Quy định chung cho vườn trẻ cả ngày đó là giờ đưa con đến vườn trẻ từ 6 đến 8 giờ, và đón chậm nhất trước 6 giờ tối.
Song cũng tùy theo từng tiểu bang và số lượng trẻ em được gửi mà mỗi nhà trẻ được phép linh hoạt quy định thời gian này cho hợp lý.
Các cô giáo ở vườn trẻ cả ngày phải làm việc theo hệ thống 2 ca. Chính vì vậy, hiện nay nước Đức đang ở trong tình trạng thiếu vườn trẻ cả ngày nghiêm trọng.
Vừa học vừa chơi ngoài trời vào buổi chiều ở vườn trẻ (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tiền lệ phí cho các em hàng tháng ở 2 hình thức trên
Để con được nhận gửi ở vườn trẻ, cha mẹ phải có trách nhiệm đóng tiền hàng tháng.
Số tiền đóng góp này dựa trên chi phí cho việc ăn, uống, đồ dùng học tập và các lệ phí hành chính khác cho vườn trẻ...
Mức đóng góp của cha mẹ hàng tháng ở từng tiểu bang của Đức có khác nhau. Tất nhiên, số tiền đóng góp cho các em ở vườn trẻ nửa ngày sẽ ít hơn ở vườn trẻ cả ngày.
Nếu gia đình nào thu nhập thấp và có nhiều con, cha mẹ sẽ có quyền nộp đơn xin phụ cấp thêm tiền gửi trẻ.
Dựa vào tiêu chuẩn quy định của nhà nước, phòng thanh thiếu niên sẽ nhận đơn, xét duyệt và cấp tiền trợ cấp.
Gia đình nào được nhận trợ cấp thì mức đóng góp cho con ở vườn trẻ sẽ thấp hơn.
Trẻ em vừa chơi vừa học ở phòng chơi tại vườn trẻ (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Các hình thức gửi trẻ đặc biệt khác
Để khắc phục tình trạng thiếu vườn trẻ cả ngày, nhà nước đã cho phép thực hiện song song 2 hình thức hỗ trợ khác là “Tagesmutter” (mẹ trông trẻ tại gia) và “AuPair” (thanh niên từ nước ngoài đến nhà riêng để trông trẻ em Đức theo luật của Đức).
Hình thức này rất hay và tương đối phức tạp. Các gia đình muốn đón AuPair họ phải chứng minh được đầy đủ các tiêu chuẩn nhận tại sở ngoại kiều.
Khi được cấp giấy phép thì họ mới xin được Visa vào Đức.
Ai là người mẹ trông trẻ tại gia?
Phụ nữ muốn đăng ký làm nghề “mẹ trông trẻ tại gia” phải có bằng tốt nghiệp “Cô nuôi dạy trẻ”, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm nghề này và nhà riêng của họ phải có phòng rộng, đủ điều kiện cho ít nhất 5 cháu ăn uống, sinh hoạt và vui chơi cả ngày.
Tiêu chuẩn, chất lượng giáo viên trong các trường trung học chất lượng cao ở Đức |
Giờ trẻ được nhận và giờ cha mẹ phải đón trẻ ở đây tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cha mẹ và mẹ trông trẻ tại gia.
Thời gian này phụ thuộc vào số giờ trẻ được gửi và rất linh hoạt, tối đa mỗi trẻ chỉ được phép ở đây 8 tiếng một ngày.
Tiền trả cho mẹ trông trẻ sẽ phụ thuộc vào số giờ con của họ được gửi và phải tuân theo tiêu chuẩn quy định của nhà nước.
Mỗi phụ nữ làm nghề “mẹ trông trẻ tại gia” chỉ được phép nhận trông tối đa là 5 trẻ/một ngày.
AuPair ở Đức
AuPair là người nước ngoài, chủ yếu là các các em gái từ 18 đến 25 tuổi xin đến nước Đức.
Thời gian trông trẻ của AuPair từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo yêu cầu. AuPair là hình thức giúp đỡ các bạn trẻ nước ngoài vào Đức “vừa trông trẻ, vừa học tiếng Đức”.
Các em sẽ được cha mẹ của trẻ nuôi ăn, ở và tạo điều kiện giúp đỡ để các em học tiếng Đức.
Hàng tháng các em được nhận tiền tiêu vặt khoảng 200 Euro/tháng.
Ở Việt Nam, người giúp việc tại gia thường là các phụ nữ có tuổi. Ngược lại, các AuPair muốn vào Đức thì phải còn trẻ, khỏe và có khả năng học tiếng Đức nhanh...
Đây là cơ hội rất tốt cho thanh niên nghèo từ nước ngoài, đã có bằng trung học phổ thông, sau một năm AuPair, sẽ có cơ hội tốt để nộp đơn xin học đại học ở Đức.
Thông thường, các em gái muốn xin vào Đức làm Au-Pair phải học ít nhất 600 giờ tiếng Đức tại quê hương.
AuPair Camila là một người Nga hiện đang trông trẻ tại Đức (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Các bạn trẻ Việt Nam có thể xin làm Aupair tại Đức
Các bạn gái phải có đủ tiêu chuẩn quy định để nộp đơn xin làm AuPair theo luật của Nhà nước Đức.
Các tiêu chuẩn chính như sau: độ tuổi từ 18 đến 25, có giấy chứng nhận sức khỏe tốt của phòng y tế, có chứng chỉ để chứng minh đã học tiếng Đức ở Việt Nam và phải vượt qua được kỳ thi phỏng vấn tiếng Đức tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội khi xin Visa...
AuPair là cơ hội tốt để các em làm bàn đạp xin học đại học ở Đức.