Tiêu chuẩn, chất lượng giáo viên trong các trường trung học chất lượng cao ở Đức

25/08/2017 07:22
Bài và ảnh: Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Để được làm thầy cô giáo ở các trường trung học chất lượng cao, đòi hỏi giáo viên cũng phải có chất lượng cao, trình độ đào tạo phù hợp và hoàn thiện.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của nhà giáo Đinh Tuyết Mai, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục tại Cộng hoà Liên bang Đức.

Trong bài viết này, tác giả chia sẻ những yêu cầu, tiêu chuẩn về giáo viên tại các trường trung học chất lượng cao ở Đức.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gymnasium là trường trung học chất lượng cao ở Đức.

Để được học ở đây từ lớp 5, các em học sinh tốt nghiệp tiểu học phải có điểm tổng kết trung bình < 2,4 (đánh giá chất lượng học sinh theo hệ điểm 6; điểm 1 là giỏi nhất).

Học sinh ở các trường Gymnasium có trình độ tiếp thu nhanh, thông minh và rất hiếu học...

Để được làm thầy cô giáo ở các trường này, đòi hỏi giáo viên cũng phải có chất lượng cao, trình độ đào tạo phù hợp và hoàn thiện.

Trường trung học chất lượng cao Goethe – Gymnasium ở thành phố Weimar.
Trường trung học chất lượng cao Goethe – Gymnasium ở thành phố Weimar.

Trường trung học chất lượng cao Goethe được mang tên nhà Đại văn hào nổi tiếng Đức, tên là Johann Wolfgang, họ là Goethe. (Ở Việt Nam có Viện Gớt, mang tên của ông).

Ông chào đời tháng 8 năm 1749 ở Frankfurt. Ông nổi tiếng rất sớm qua các tác phẩm thơ, văn tuyệt vời của ông.

Từ năm 1775 ông đã được bổ nhiệm là Bộ trưởng vùng Weimar (hồi đó phân vùng cai trị cuả Đức hoàn toàn khác) và đã có rất nhiều cống hiến cho nước Đức.

Ông từ trần tháng 3 năm 1832 tại Weimar và đã để lại cho nhân loại rất nhiều tác phẩm thơ và tiểu thuyết nổi tiếng thế giới).

Johann Wolfgang Goethe
Johann Wolfgang Goethe

Yêu cầu về chuyên môn của giáo viên:

Muốn giảng dạy cho các học sinh khá giỏi, các thầy cô giáo cũng phải giỏi. Ngược lại, phải có thầy cô giáo giỏi thì mới đào tạo được nhiều học sinh giỏi.

Để nhận được một chỗ giảng dạy ở các trường trung học chất lượng cao, mỗi thầy cô giáo phải có đủ 2 tiêu chuẩn sau:

Điều kiện cần: phải có bằng tốt nghiệp đại học với thời gian học 5 năm, phần lớn là bằng tốt nghiệp ở các trường đại học sư phạm.

Cũng có thể là bằng tốt nghiệp các trường đại học tổng hợp chuyên ngành khác nhau...

Điều kiện đủ: mỗi giáo viên phải trải qua 2-3 năm "luyện giảng" ở 1 trường Gymnasium.

Trong thời gian này, giáo viên phải bồi dưỡng thêm về phương pháp truyền thụ kiến thức chuyên môn tới học sinh.

Luyện tập qua thực tiễn việc tổ chức và quản lý học sinh, công tác dã ngoại...

Sau thời gian luyện giảng, các giáo viên phải trải qua kỳ thi do ngành giáo dục ở từng tiểu bang tổ chức.

Trong kỳ thi này, họ phải giảng bài trực tiếp cho học sinh dưới sự giám sát của ban giám khảo. Nếu ai có khả năng giảng dạy 3 môn thì phải thi 3 bài giảng.

Sau đó họ sẽ thi một số môn lý thuyết về sư phạm học. Khi vượt qua được kỳ thi này, các thầy cô được chính thức cấp bằng (điều kiện đủ).

Cộng thêm tấm bằng thứ 2 này, họ có thể nộp đơn xin giảng dạy ở một trường Gymnasium trên toàn lãnh thổ nước Đức theo nguyện vọng cá nhân.

Thời gian luyện giảng, các thầy cô sẽ hưởng mức "lương luyện giảng".

Số môn học đảm nhận ở trường trung học chất lượng cao:

Mỗi giáo viên ở trường trung học chất lượng cao phải đảm nhận giảng dạy ít nhất 2 môn, tùy theo văn bằng họ đã được đào tạo.

Ví dụ: Toán và Hóa; Toán và Lý; Toán và Tiếng Anh, Toán và Sinh vật; Văn và Sử; Văn và Địa, Thể dục và Tiếng Pháp, Âm nhạc và Địa lý v.v.

Cũng có không ít thầy cô giáo đảm nhận giảng dạy được 3 môn, ví dụ như: Văn, Sử, Tiếng Anh; Văn, Địa, Tiếng Pháp; Toán, Lý, Tiếng Tây Ban Nha; Âm nhạc, Thể thao, Tiếng Anh hoặc Sinh vật, Tiếng Anh, Tiếng Pháp...

Do vậy, khi một giáo viên nào đó vì lý do cá nhân, không giảng dạy được trong thời gian ngắn, Nhà trường sẽ không gặp khó khăn trong việc điều hành người dạy thay...

Thầy giáo môn vật lý chuẩn bị cho bài giảng
Thầy giáo môn vật lý chuẩn bị cho bài giảng

Yêu cầu về năng lực tổ chức, lãnh đạo học sinh:

Ngoài việc giảng dạy chuyên môn, các thầy cô giáo phải đảm nhận thêm các nhiệm vụ quan trọng khác: chủ nhiệm lớp, lãnh đạo các nhóm hoạt động ngoại khóa của trường như: nhóm hát, nhóm kịch, nhóm múa, nhóm làm báo, nhóm thể thao, nhóm môi trường v.v.

Đặc biệt là việc tổ chức, giám sát đưa học sinh đi du lịch cả lớp hoăc trao đổi học sinh ở nước ngoài.

Theo định kỳ, giáo viên chủ nhiệm phải có liên lạc với ban phụ huynh học sinh.

Trong trường hợp cá biệt, học sinh có những biểu hiên không bình thường như bỏ học, điểm sút, tính cách khác thường, gây gổ và nguy hiểm nhất là hút thuốc, uống rượu (khi chưa đến tuổi được phép) hoăc dùng Cocain, giáo viên phải lập tức báo cáo Ban giám hiệu và cha mẹ học sinh để kịp thời xử lý.

Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn phải là người bạn tốt của học sinh, gây dựng được niềm tin nơi các em.

Đặc biệt là tinh thần sẵn sàng giúp đỡ khi học sinh có yêu cầu.

Có như vậy, học sinh mới bộc lộ hết những suy nghĩ của mình về mọi chủ đề học tập cũng như quan hệ bạn bè và gia đình...

Qua đó, giáo viên sẽ tìm ra được hướng giải quyết phù hợp để gợi ý và giúp các em sửa chữa khuyết điểm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu cuả từng cá nhân.

Từ những việc làm như vậy, không khí học tập trong lớp sẽ sinh động hơn, kết quả học tập của cả lớp sẽ tốt hơn, học sinh sẽ yêu quí và tin tưởng thầy cô hơn.

Yêu cầu vệ phẩm chất và đạo đức của giáo viên:

Không những chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh, thầy cô giáo còn là tấm gương cho các em. Do vậy, giáo viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất về mọi mặt:

Về chấm điểm cho học sinh: Bài kiểm tra viết hoặc nói của học sinh, giáo viên phải cho điểm chính xác và công bằng.

Trong trường hợp khó xử, giáo viên phải hỏi ý kiến của giáo viên "nhóm trưởng"(mỗi bộ môn có 1 nhóm trưởng).

Về hình thức cá nhân: Khi đến trường, giáo viên phải mặc quần áo chỉnh tề và phù hợp với lứa tuổi. Cô giáo không được phép ăn mặc hở hang.

Về ngôn ngữ sử dụng: trong giờ giảng bài hoặc giờ tự do ở trường, giáo viên phải dùng ngôn ngữ phổ thông và lịch sự. Giáo viên không được phép mắng chửi, xúc phạm học sinh...

Về quan hệ đạo đức: Học sinh Đức ở độ tuổi 16 trở lên thường phát triển rất nhanh về thể chất và đã có nhu cầu về sinh lý. Do vậy, các em rất tò mò và muốn "thử".

Nền văn hóa của Đức và châu Âu cũng như quan điểm về giáo dục tình yêu ở đây "thoáng" hơn ở Việt Nam. Gia đình và Nhà trường không thể cấm đoán được các em "yêu sớm" khi đã 16 tuổi.

Vì vậy các thầy cô giáo không có trách nhiệm trên lĩnh vực này.

Đã có nhiều trường hợp không hay xảy ra: Các em học sinh nữ xinh đẹp có quan hệ tình yêu với các thầy giáo hoặc ngược lại, học sinh nam yêu cô giáo...

Bởi vậy, trước khi chính thức được phân bổ làm giáo viên ở trung học chất lượng cao, thầy cô giáo đều được giải thích rõ nguyên tắc: "Giáo viên không được phép yêu học sinh".

Nếu ai vi phạm nguyên tắc này, sẽ lập tức bị đuổi việc hoặc chuyển trường.

Thầy cô dậy giỏi và có "lương tâm nhà giáo" sẽ được đánh giá cao:

Ở Đức cũng có ngôn từ "lương tâm nhà giáo" như ở Việt Nam. Thông thường, các thầy cô giáo giỏi, có tư cách đạo đức tốt, công bằng, nhiệt tình và "có lương tâm", sẽ được học sinh từ khóa trước, truyền lại cho khóa sau.

Họ được học sinh yêu quí, do vậy giờ giảng bài của họ luôn đầy đủ học sinh, không có hiện tượng ghế trống.

Những hạt nhân quí này được tôn trọng và đánh giá rất cao trong hội đồng giáo viên. Những giáo viên "có lương tâm" thường gắn bó cả cuộc đời với Nhà trường cho đến khi về hưu.

Trong trường hợp ngoại lệ, nếu giáo viên nào chuẩn bị bài giảng không tốt, chấm điểm không công bằng..., học sinh và ban phụ huynh có quyền phản ánh đến Ban giám hiệu của Nhà truờng.

Ban giám hiệu sẽ lập tức điều tra phản ánh này. Nếu hiện tượng có thật, giáo viên sẽ bị khiển trách hoăc chuyển chỗ làm việc.

Buổi liên hoan ca nhạc để chia tay bốn giáo viên về hưu tại trường trung học chất lượng cao Heidelberg. Bốn giáo viên này đã gắn bó cả cuộc đời với trường. Tôi vô cùng cảm động khi nhìn thấy rất nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh đã không cầm được nước mắt trong buổi chia tay vô cùng long trọng và xúc động này.
Buổi liên hoan ca nhạc để chia tay bốn giáo viên về hưu tại trường trung học chất lượng cao Heidelberg. Bốn giáo viên này đã gắn bó cả cuộc đời với trường. Tôi vô cùng cảm động khi nhìn thấy rất nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh đã không cầm được nước mắt trong buổi chia tay vô cùng long trọng và xúc động này.
Bài và ảnh: Đinh Tuyết Mai