Nếu, và có lẽ điều này sẽ xảy ra, Theo Walcott được gia hạn hợp đồng với Arsenal, bản thân Walcott sẽ giành được rất nhiều hơn cả số tiền lương được tăng thêm lẫn vị thế ngôi sao mà anh mới giành được ở sân Emirates. |
Bản hợp đồng của Walcott sẽ không chỉ khiến quỹ lương của Arsenal bị kéo ra. Nó đánh dấu khoảnh khắc Arsene Wenger thực sự phải quỵ lụy trước đòi hỏi của một cầu thủ dưới trướng của mình, và bị buộc phải phản lại óc suy xét của chính ông – người thường có tiếng nói quyết định ở Emirates – để tránh một cái tên lớn ra đi. |
Khoản tiền lương 90.000 bảng/tuần trả cho Walcott sẽ không chỉ là thứ lời lãi duy nhất đối với cầu thủ này. Nó còn bao gồm tiền lót tay, bản quyền hình ảnh, phần trăm lợi nhuận từ các hàng hóa bán được (áo đấu). Walcott sẽ trở thành một trong những cầu thủ người Anh được trả lương cao nhất tại Premier League. |
Người đại diện của Walcott đã không úp mở với Arsenal khi nói rằng cầu thủ 23 tuổi – một gương mặt yêu thích của các hãng quảng cáo tại Anh – có một thành tích ghi bàn và kiến tạo đã được khẳng định, do đó anh có thể kiếm bộn tiền ở bất cứ nơi nào anh muốn đến. Manchester City, Chelsea, Liverpool là những đội đã gửi đề nghị tới Walcott như một minh chứng cho sự hấp dẫn của cựu tiền đạo Southampton. Chỉ có Arsene Wenger, cho tới gần đây, là người không có cái nhìn như vậy. |
Cách đây vài ngày, Arsene Wenger đã có câu nói: “Quỹ lương 143 triệu bảng/năm của Arsenal là dựa trên khuôn mẫu ‘chủ nghĩa xã hội’”. Vâng, đúng là “Giáo sư” đã nói như thế. Như vậy là Arsenal hoạt động với một quỹ lương hạn hẹp hơn rất nhiều so với những đối thủ khác như Man City hay Liverpool. Đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng Wenger quả thực có hàm ý rằng khi nói về tài chính, ở Arsenal tồn tại chế độ độc tài mà Wenger – HLV được trả lương cao nhất Premier League – là nhà độc tài đó. |
Có rất nhiều giám đốc điều hành được tuyển mộ ở Arsenal để có “đầu vào” trong các chính sách chuyển nhượng và hợp đồng như Ivan Gazidis và Dick Law. Nhưng tiếng nói cuối cùng luôn là Wenger, người đặt ra quỹ lương & thưởng của đội bóng. Khi sự kết hợp này có hiệu quả, đầu ra là những đội hình rất vững chắc; Nhưng khi nó không có hiệu quả, những cầu thủ được trả lương quá cao như Gervinho, Marouane Chamakh hay Park Chu-Young xuất hiện. |
Sự hạn chế càng rõ ràng hơn khi cái nhìn của Wenger về giá trị cầu thủ, đi đôi với mô hình “tự cung tự cấp” của Arsenal, xảy ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống. Đó là trường hợp của Walcott mùa hè 2012: CLB bận với việc bán Van Persie và mua Santi Cazorla mà quên bẵng đi rằng Walcott chỉ còn 12 tháng trong hợp đồng. Và khi Arsenal đàm phán với Walcott, thỏa thuận 78.000 bảng/tuần nhận-thì-nhận-không-nhận-thì-thôi được đưa ra. Tuy đó là sự gia tăng so với lương hiện tại của Walcott (60.000 bảng/tuần), nhưng nó không thể làm thỏa mãn một cầu thủ sắp bước vào độ chín của sự nghiệp. |
Walcott vì thế đã không để mình bị Arsenal đẩy vào thế phòng bị, và thế bế tắc xuất hiện. Đáp trả, Wenger đẩy Walcott lên ghế dự bị trong tháng 9 và 10/2012, cho đến khi kết quả thi đấu đi xuống, Walcott được đưa trở lại đội hình nhưng không phải vị trí trung phong anh muốn đá. Và khi Walcott được đá trung phong, anh ghi 4 bàn trong 3 trận (thực tế cả 3 trận anh đều góp phần vào ít nhất 1 bàn thắng), trong đó có cú hat-trick vào lưới Newcastle. Nó mở đường cho quá trình thương thảo gia hạn hiện tại. |
Nếu Walcott ký vào hợp đồng mới, Arsenal sẽ giữ lại được một ngôi sao, nhưng đó sẽ không phải là rắc rối cuối cùng của Arsene Wenger. Ông đã tự phá vỡ quỹ lương do mình đặt ra, sẽ phải đối phó với những cầu thủ ăn hại như Chamakh, Bendtner hay Park, và quan trọng hơn, ông đã phải quỳ (nói một cách hình tượng hóa) để xin Walcott ở lại Emirates. Đã có một ví dụ được đáp ứng đòi hỏi cá nhân là Walcott, những ví dụ tiếp theo sẽ xuất hiện, và “Giáo sư” sẽ không còn là “Thiên tử”, muốn làm gì theo ý mình thì làm nữa. |
Thanh Tùng