Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/8 tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với virus Ebola khi số nạn nhân tử vong tăng lên gần 1000 người và nhiều chính phủ bày tỏ lo ngại nó có thể lây lan ở quy mô trên toàn thế giới.
Đây là lần thứ ba trong lịch sử WHO ban hành tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009 và sự tái phát bệnh bại liệt vào tháng 5 năm ngoái.
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO,. |
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO cũng lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ toàn cầu cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để phòng chống dịch bệnh được bà mô tả là "sự bùng nổ lớn nhất, nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất trong lịch sử gần bốn thập kỷ của căn bệnh này".
WHO cũng kêu gọi một phản ứng phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
"Sự bùng nổ đang diễn ra nhanh hơn mức chúng ta có thể kiểm soát nó", Tiến sĩ Chan nói và lưu ý thêm rằng các nước bị ảnh hưởng, chủ yếu là các quốc gia châu Phi nghèo khó với cơ sở hạ tầng y tế hạn chế không còn khả năng đối phó với nó.
Cảnh báo của WHO được đưa ra sau khi tổ chức y tế Mỹ thừa nhận rằng Ebola có thể lan rộng ra ngoài Tây Phi và có thể lan tới nước Mỹ.
Theo thống kê mới nhất, hơn 1.700 trường hợp nhiễm virus Ebola đã được xác nhận tại Liberia, Guine, Sierra Leone, trong đó 961 người đã tử vong.
Benin, nằm ở phía Tây Nigeria đang chờ kết quả xét nghiệm của hai người tình nghi nhiễm virus Ebola. Tại Uganda vừa ghi nhận một trường hợp nhiễm bệnh. Tình trạng này đã làm dấy lên lo ngại virus có thể lan tới khu vực Đông Phi, nơi cũng có nhiều quốc gia nghèo, lạc hậu và không có khả năng kiểm soát nếu dịch bệnh bùng phát.
Nigeria vừa trở thành quốc gia mới nhất tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với virus Ebola sau khi xác nhận 9 công dân nước này đã nhiễm bệnh. Tổng thống Goodluck Jonathan đã ra lệnh giải ngân 1,9 tỷ naira (11,7 triệu USD) để tài trợ cho chiến dịch chống lại căn bệnh này.
Mặc dù một người Tây Ban Nha nhiễm Ebola đã được đưa về nước điều trị, nhưng Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh răng nguy cơ nhiễm virus Ebola ở châu lục này vẫn "rất thấp"./.