Xã hội đang rất cần có thêm nhiều "người hâm"

15/01/2014 14:52
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Xã hội ngày nay “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều”, những việc làm cao đẹp thường bị cho là chỉ có ở “người hâm”…?
Chị Hoài ( xã Nghĩa Phúc Nghĩa, Tân Kỳ, Nghệ An) đã nhặt được một bọc tiền hơn 10 triệu đồng nằm trên đường, với tấm lòng không tham của chị Hoài đã trình báo chính quyền địa phương và tìm cách trả lại người đánh rơi. (Ảnh VOV Online)
Chị Hoài ( xã Nghĩa Phúc Nghĩa, Tân Kỳ, Nghệ An) đã nhặt được một bọc tiền hơn 10 triệu đồng nằm trên đường, với tấm lòng không tham của chị Hoài đã trình báo chính quyền địa phương và tìm cách trả lại người đánh rơi. (Ảnh VOV Online)

Trước đây trưởng thôn hay trưởng khu mỗi tháng chỉ được trợ cấp vài đồng mà việc làng việc xã thì bề bộn tứ phía. Thu nhập ít nhưng trách nhiệm cũng chả kém phần nặng nề, "rách việc". Bởi vậy những ai đảm nhiệm chức vụ đó đều bị coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, dân làng gọi là…hâm.

Đúng là chỉ có hâm mới nhận công việc đó. Một người khôn, tỉnh táo chả dại gì nhận vài đồng bạc phụ cấp để mua việc vào người. Việc làng xã thì lấy đâu ra “mầu mè, bổng lộc” nhưng những “người hâm” này vẫn nhiệt tình cống hiến chẳng chút đăn đo. Một mặt để cho đỡ buồn lúc về già nhưng ý nghĩa cao đẹp hơn họ muốn được làm việc, muốn được cống hiến, có ích cho xã hội, vi mô là làm đẹp xóm làng, thôn bản.

Đó là chuyện thôn bản. Còn cao xa hơn là chuyện ở nghị trường.

Rất nhiều những vị Đại biểu Quốc hội còn đương nhiệm hay đã “về vườn” luôn được nhiều người nhớ đến.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Lê Như Tiến, Đại biểu Nguyễn Thị Khá…là những người mà trong mỗi lần họp Quốc hội thường có những câu hỏi "oái ăm", những phát ngôn “đụng chạm”.

Họ đấu tranh, họ dám “đụng chạm” cũng chỉ vì họ là những vị đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Họ tâm huyết với đời, với xã hội và trăn trở với những nỗi khổ của người dân. Những câu hỏi “oái oăm” và “đụng chạm”, họ chẳng được gì ngoài sự dè chừng, khó chịu của người mà họ đề cập đến và hậu quả thì phức tạp khôn lường.

Vậy họ chả là “người hâm” thì là gì?

Trong khi đó cũng có những vị đại biểu, cũng là đại diện của nhân dân nhưng luôn tìm con đường “an toàn” nhất. Họ né những vấn đề tế nhị, chẳng màng đến bức xúc, những trăn trở của người dân đã gửi gắm trong mỗi lần tiếp xúc cử tri. Họ “bo bo” lo giữ ghế, chả muốn đụng chạm đến ai vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Trong những phiên chất vấn Quốc hội, chúng ta không khó để nhận ra những vị Đại biểu toàn hỏi “câu thừa”, hỏi những câu mà “ai cũng biết”, chả đụng chạm đến ai.

Như vậy là họ rất khôn nhưng xã hội có cần những người khôn như thế?.

Bỏ qua chuyện thôn bản, nghị trường. Hằng ngày đọc báo, chúng ta vẫn thấy ở nơi này nơi kia có những tấm gương cao đẹp về tình người.

Ngày 3/11/2013, Nguyễn Trọng Khánh, sinh năm 1995, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhặt được một chiếc ví. Bên trong đó có một số giấy tờ tùy thân và số tiền là 16.920.000 đồng.

Khánh cùng bạn là Đinh Văn Hiếu đã mang chiếc ví và toàn bộ số tiền đến cơ quan Công an để trả lại cho người bị mất.

Việc Khánh trả lại 17 triệu bị nhiều người cho là dại dột. Thậm chí có người ác miệng còn nói do "ăn chia không đều".

Vậy mới thấy thời buổi bây giờ, làm người tốt thật khó. Giá trị đạo đức bị đảo lộn, khi mà những kẻ cơ hội, tham lam lại được xem là người khôn, còn cậu sinh viên tốt bụng lại bị phán xét. Chỉ có một từ để lý giải hiện tượng này, đó là hành động của Khánh rất "lạ".

Rồi cũng mới đây, trong lúc đang đi chơi trên đường về đến gần đền Bì (xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), em Bùi Duy Nhất, học sinh lớp 6C Trường THCS Đoàn Lập bất ngờ nhìn thấy một chiếc ví màu đen. Mở ví ra, Nhất bàng hoàng khi thấy bên trong đầy tiền. Em đã đứng chờ chơn 2 tiếng đồng hồ để đợi người mất tiền quay lại nhưng không có ai quay lại.

Sau phút suy nghĩ, Nhất mang chiếc ví về nhà nhờ bố mẹ tìm người đánh rơi. Về đến nhà mọi người vô cùng bất ngờ trước số tiền lớn trị giá hơn 30 triệu đồng tiền mặt gồm: 1.500 USD và 1,3 triệu đồng tiền mặt cùng toàn bộ giấy tờ quan trọng, đăng ký xe của 2 vợ chồng anh Trần Ngọc Tin, trú tại thôn Đông Xuyên Ngoại (xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng).

Có địa chỉ người rơi ví. Nhất đã cùng bố mẹ tìm tới địa chỉ nhà anh Tin và trả lại số tài sản bị đánh mất. Vô cùng bất ngờ và mừng rỡ trước hành động cao đẹp của em Nhất, anh Tin đã ngỏ ý muốn tặng lại em Nhất 1 triệu đồng để em mua đồ dùng học tập, tuy nhiên em đã không nhận.

Và có những người nhận nuôi hàng chục đứa trẻ mồ côi hay miệt mài tham gia các công tác xã hội không một chút suy nghĩ vụ lợi cá nhân.

Ở cái xã hội nhiều bon chen, “người khôn của khó”, những việc làm cao đẹp thường bị gán ghép cho hai từ “người hâm”.

Nhưng xã hội lại đang rất cần những “người hâm” như họ./.

VIẾT CƯỜNG