Xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết và có rất nhiều việc phải làm từ bây giờ

20/07/2023 06:33
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Với thời gian gấp rút và công việc khổng lồ, tôi hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương và thận trọng, không nên vì áp lực thời gian mà làm chưa chín".

Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tờ trình Dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.

Trong nội dung Tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu, hiện có các luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Bên cạnh, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng chịu sự chi phối bởi hơn 100 văn bản dưới luật.

Bộ Giáo dục nhận định, hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật. Đồng thời, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo do nhiều cơ quan ban hành nên còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn.

Nội dung Tờ trình nêu, Luật Nhà giáo ra đời sẽ khắc phục quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công và giải quyết hậu quả của việc này (ví dụ: giảm biên chế nhà giáo như giảm biên chế viên chức hành chính, cào bằng, thay đổi chế độ phụ cấp...) nhằm xây dựng chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu sử dụng; thu hút, tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo.

(Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn)

(Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn)

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến việc xây dựng Luật Nhà giáo từ lâu và cũng đã có quá trình chuẩn bị, trước khi đề xuất Chính phủ Tờ trình Dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo.

"Không phải tới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, Chính phủ mới biết. Chính phủ cũng nhất trí với Bộ Giáo dục và Đào tạo trên quan điểm là phải xây dựng và trình Quốc hội.

Trong báo cáo của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 vừa qua, về công việc sắp tới phải triển khai cũng có nội dung xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội.

Vì vậy, có thể nói Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng trong thời điểm này, cũng đã có quá trình chuẩn bị và sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội, giáo viên và Chính phủ. Hiện nay, các nhóm chính sách vẫn được quy định lẻ tẻ ở các văn bản khác nhau. Bên cạnh đó cũng thiếu hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà giáo.

Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình Bộ Giáo dục thực hiện đổi mới chương trình phổ thông và sách khoa theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội. Vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời điểm này là cần thiết và có sức thuyết phục", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội nhận định, việc xây dựng Luật Nhà giáo để điều chỉnh số lượng lớn nhà giáo chiếm 70% số lượng biên chế viên chức trên cả nước, không hề dễ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đang có những khó khăn, vì vậy phải làm sao để có luật bao quát được hết ngành giáo dục. Tuy khó nhưng không phải không làm được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

"Tôi kỳ vọng Bộ Giáo dục là đơn vị tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật, từ nhu cầu thực tiễn của ngành để xây dựng nhóm chính sách phù hợp với thực tế, với các quy định pháp luật khác. Tránh tình trạng, xây dựng luật quá chung chung, khi ban hành cũng không khác so với chưa của luật.

Vì vậy, tôi rất muốn chúng ta phải có sự rà soát, đánh giá tác động của chính sách là rất quan trọng. Ngoài việc xin ý kiến cơ quan liên quan, cần xin ý kiến đối tượng chịu sự tác động của luật là đội ngũ giáo viên", Đại biểu Quốc hội nhận định.

Theo Đại biểu Quốc hội, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Dự thảo Luật Nhà giáo vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 (cuối tháng 10/2024).

Thời gian từ nay tới kỳ họp Quốc hội thứ 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có khối lượng công việc "khổng lồ" khi vừa xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo, vừa phải kiểm tra đánh giá tác động và xin ý kiến của những đối tượng liên quan.

Dù hơn một năm nữa, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội mới diễn ra nhưng thực tế, các luật của Chính phủ trình Quốc hội phải gửi trước thời điểm khai mạc. Điều này nhằm để các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra và họp. Tiếp đó, Hội nghị đại biểu chuyên trách sẽ họp trước khi họp toàn thể.

"Chậm nhất, Chính phủ sẽ phải hoàn thiện và trình hồ sơ luật này vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm tới. Với thời gian gấp rút và công việc khổng lồ, tôi hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương và thận trọng, không nên vì áp lực thời gian mà làm chưa chín.

Tôi cũng hi vọng Luật Nhà giáo không phải thông qua theo quy trình một kỳ họp, bởi nó cũng không mang tính chất quá cấp bách như các quy định khác. Tôi đề nghị có thể xem xét thông qua hai, ba kỳ họp để các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến", Đại biểu quốc hội nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhấn mạnh, khi luật được ban hành phải giải quyết, tháo gỡ được các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục. Từ đó, thổi được sức sống mới cho ngành, như có nhóm chế độ chính sách mới, đem lại vị thế mới cho nhà giáo.

Bình luận về nội dung trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương (chuyên gia giáo dục) cho rằng, giáo viên trong các trường công lập hiện nay được coi là đội ngũ viên chức làm việc trong nhà nước, nhưng chưa có chế độ tương xứng.

Tiến sĩ Lê Đông Phương (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Lê Đông Phương (Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Hiện nay, điều xã hội băn khoăn nhất là việc đối xử với nhà giáo chưa tương xứng về lương, thưởng. Để Luật Nhà giáo giải quyết vấn đề thực tiễn trên, nếu không áp dụng Luật viên chức với giáo viên sẽ phải đưa họ ra khỏi nhóm viên chức, phải sửa đổi luật. Tuy nhiên, điều này rất khó khả thi", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.

Chuyên gia băn khoăn về việc Luật Nhà giáo quy định với giảng viên, giáo viên của các trường đại học và trường phổ thông, hay còn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông cũng băn khoăn liệu Luật Nhà giáo có thay đổi được lương, các tiêu chuẩn chế độ, đãi ngộ, tuyển dụng với nhà giáo hay luật chỉ dừng lại ở văn bản về vị trí, vai trò của nhà giáo.

Bên cạnh những băn khoăn trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, đơn vị nào sẽ thực hiện Luật Nhà giáo để giải quyết được các chính sách với nhà giáo?

Thực tế, trên thế giới có Trung Quốc là nước có luật dành riêng cho giáo viên là Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1994 đến nay [1]. Luật này nêu về quyền lợi, đào tạo bồi dưỡng giáo viên... và đặc biệt có nêu: "lương bình quân giáo viên không thấp hơn hoặc là cần phải cao hơn lương công chức và cần phải nâng cao thường xuyên...". Như vậy, Luật cũng chỉ nêu ra khẩu hiệu chung chung, không nêu cụ thể.

Tại các nước tiên tiến, họ không có Luật Nhà giáo riêng biệt nhưng họ có Luật tổng hợp các điều khoản liên quan tới giáo viên. Ví như Bộ Luật Giáo dục của nước Pháp dài khoảng 4000 trang, nó quy định rất cụ thể. Hoặc như Bộ Luật Giáo dục của Mỹ cũng quy định rất chi tiết.

"Nếu chúng ta không xây dựng Luật Nhà giáo thận trọng, nó sẽ giống như Luật Nhà giáo của Trung Quốc", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng băn khoăn về việc hiện nay, lương giáo viên gần như là cao nhất trong khối viên chức. Vậy tại sao xã hội vẫn phàn nàn về việc này?

Trả lời câu hỏi trên, ông cho rằng, lương giáo viên không bằng lương, thưởng và các khoản thu khác của người lao động lĩnh vực khác.

"Cả nước có khoảng gần 2 triệu giáo viên, nếu tăng lương 1 triệu đồng/tháng cho giáo viên, ngân sách sẽ phải chi 2.000 tỷ đồng. Điều này là rất khó", chuyên gia cho hay.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đông Phương, một chuyên gia giáo dục cho hay, trong Tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo có nêu, sẽ tăng cường chính sách cho giáo viên các trường tư thục.

Phân tích nội dung này, vị chuyên gia đánh giá, thực tế hiện nay, các trường tư thục phải tự chủ về tài chính và tuân thủ theo cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp. Họ sẽ phải tự tuyển dụng, đào tạo, chi trả mức lương cho giáo viên.

Giáo viên trường tư không nằm trong hệ thống bồi dưỡng giáo viên của các cơ quan nhà nước quản lý giáo dục. Bởi vì kinh phí bồi dưỡng giáo viên thuộc ngân sách địa phương chỉ sử dụng cho các trường công lập.

Đối với giáo viên trường phổ thông công lập, vào dịp hè họ được bồi dưỡng chuyên môn nhưng với các trường tư, họ không được hưởng chính sách này. Bởi vì, quy định hiện hành chỉ áp dụng với trường công.

"Thực tế, có một số tỉnh thành đã vượt rào tài chính để ưu tiên cho việc bồi dưỡng giáo viên trường tư thục.

Trường hợp trường tư tự tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, họ sẽ vướng nhiều thủ tục về mặt tài chính, ví dụ như khi họ làm việc với cơ quan thuế sẽ phải trả lời câu hỏi, việc chi tiêu bồi dưỡng như vậy có hợp lý không.

Vì vậy, tôi đặt câu hỏi, liệu Luật Nhà giáo có giải quyết được vấn đề này?", vị chuyên gia băn khoăn.

Tài liệu tham khảo:

1:https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-va-ban-hanh-luat-nha-giao-tu-kinh-nghiem-the-gioi-post633001.html

Mạnh Đoàn