Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Xe chính chủ": Điều nguy hiểm trong thời buổi dư luận mong manh

14/11/2012 07:32
Tuệ Minh
(GDVN) - “Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay, thông tin lan rất nhanh, bất kỳ một chính sách nào ảnh hưởng đến nhiều người dân mà không phù hợp với thực tế được đưa ra cũng sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Đó thực sự là một điều rất nguy hiểm trong thời điểm dư luận mong manh như hiện nay”, PGS, TS. Nguyễn An Lịch nói.
Tại sao dư luận hoang mang, lo lắng?

Trong những ngày qua, dư luận xã hội đã thực sự hoang mang và đầy lo lắng khi quy định xử phạt những người đi xe không chính chủ không được hiểu một cách đầy đủ và chính xác. Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, PGS, TS. Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) phân tích: 
“Nghị định 71/2012/NĐ-CP hướng đến xử phạt những người mua xe mà không sang tên đổi chủ trong thời gian theo luật định. Tuy nhiên, sau đó lại đặt ra vấn đề là ai làm việc đó. Cảnh sát Giao thông không phải là người đi thu tiền cho ngành tài chính, không phải làm cái việc xúc tiến để người dân khẩn trương làm trước bạ. Nghị định này không rành mạch ở chỗ đó. 

PGS, TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học)
PGS, TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính và Trật tự xã hội đã rút bỏ điều kiện phạt những người không đi xe chính chủ rồi. Việc chứng minh một người mua xe mà không sang tên đổi chủ chứ không phải đi mượn xe của người khác như thế nào là hết sức khó khăn. Và khi không chứng minh được mà vẫn cứ phạt người đi đường thì dễ dẫn đến việc phạt oan”.
Cắt nghĩa nguyên nhân tâm lý việc nhiều người mua bán xe "phớt lờ" sang tên đổi chủ, ông Bình cho biết: “Bởi vì thủ tục sang tên đổi chủ mất nhiều tiền. Chừng nào tiền trước bạ chuyển đổi sử dụng xe giảm đi thì người dân tự giác làm, nếu cao như hiện nay thì người dân không chuyển cũng chẳng làm gì được khi trong luật không có điều khoản nói rằng tôi sử dụng tài sản của người khác thì bị phạt”.

Theo ông Bình, trong việc dư luận hoang mang như vừa qua, truyền thông có một phần trách nhiệm và cơ quan chức năng cũng đã làm không hết trách nhiệm của mình. Tại sao một văn bản luật đưa vào cuộc sống mà không có lộ trình, không có giải thích, không có tuyên truyền để rồi bất ngờ đưa vào áp dụng từ ngày 10/11 và đến bây giờ không làm được thì rút bỏ. 

"Điều đó cho thấy chúng ta rất tùy tiện trong việc thực hiện những điều khoản của luật pháp. Thay vì trì trệ như thế thì mỗi một khuôn khổ hình luật nào đó thì phải có sự chuẩn bị. Không phải ngẫu nhiên sau một Nghị định lại phải có Thông tư hướng dẫn vì Thông tư hướng dẫn mới làm rõ Nghị định", chuyên gia xã hội học này bày tỏ.

Bài học đắt giá

Ông Bình bày tỏ sự lo lắng: “Trong thời điểm kinh tế khó khăn, bây giờ bất kỳ điều gì cũng “nã” vào túi tiền của dân thì cũng không hay ho gì cả. Cho nên mọi thứ phải minh bạch công khai, còn cái gì tù mù mà đưa ra đều không khả thi dẫn đến xói mòn lòng tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Bất cứ quyết sách nào đưa vào đời sống đều phải tính toán tỉ mỉ. Đó là một bài học đắt giá đặt ra xung quanh việc xử phạt người đi xe không chính chủ”.

Còn PGS, TS. Xã hội học Nguyễn An Lịch cho biết: “Đưa ra các điều khoản như vậy với ý nghĩa là để răn đe những người mua bán xe không sang tên đổi chủ là rất tốt. Tuy nhiên, cách thức đưa ra và thực hiện như thế nào lại là một vấn đề. Trước đó, các bài học từ ngành GTVT có đưa ra một số giải pháp để chống ùn tắc về ý nghĩa thì rất tốt những không thực hiện được và đã phải bỏ do người dân không ủng hộ vẫn còn đó”.

Ông Lịch cho rằng cần phải xem xét lại các quy định trong Nghị định đó để phù hợp với nhân tình thế thái hơn nếu không sẽ gây mất lòng dân. 


Đánh giá vai trò của truyền thông trong dư luận xã hội khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực trong mấy ngày qua, ông Lịch đánh giá trong đó cũng có một phần lỗi của báo chí. Vì báo chí đã lấy nguồn tin mà chưa được kiểm chứng khoa học rồi đưa ra dư luận.

“Muốn đưa ra một Nghị định phải điều tra, khảo sát một cách khoa học phù hợp thức tế. Nếu không, Nghị định đưa ra sẽ vênh với thực tế, sẽ rất khó đi vào đời sống. Còn nếu vênh rồi mà cơ quan nhà nước vẫn cố dùng các biện pháp hành chính vào thì có thể sẽ tạo ra sự mất dân chủ.

Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay, bất kỳ một chính sách nào không phù hợp với thực tế ảnh hưởng đến nhiều người dân được đưa ra cũng sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Đó thực sự là một điều rất nguy hiểm trong thời điểm dư luận mong manh như hiện nay”, ông Lịch nói.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh