Xin đừng nhân danh giáo dục để tung cú đá, vung ngọn roi!

05/05/2021 09:12
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là những mảnh vỡ, nát vụn, trong bức tranh giáo dục vốn đã nhiều màu xám. Chúng ta dạy những đứa trẻ nuôi dưỡng yêu thương chứ không mở lối cho thói côn đồ.

Phẫn nộ, giận dữ, bức xúc,… đó là thái độ của dư luận xã hội khi xem đoạn video clip ghi lại cảnh một thầy giáo chửi bới, tát, đá vào 4 học sinh ngay trên bục giảng lớp học.

Theo những gì video ghi lại, thầy giáo này liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh, thậm chí còn nhảy lên đá vào ngực nam sinh áo trắng khiến em ngã vật ra.

Nhiều người đã phải thốt lên rằng: Thật kinh hoàng, thật khủng khiếp! Và người ta không dám tin đây lại là hành động của một giáo viên dành cho học sinh của mình.

Đáng tiếc thay, dù không thể tin hay không muốn tin thì câu chuyện trên là hoàn toàn có thật.

Thầy giáo Khúc Xuân Hòa tát và đá học sinh vi phạm kỷ luật. Hình ảnh từ clip.

Thầy giáo Khúc Xuân Hòa tát và đá học sinh vi phạm kỷ luật. Hình ảnh từ clip.

Sự việc này diễn ra vào ngày 29/4 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Vào giờ sinh hoạt của lớp 10A3, thầy giáo Khúc Xuân Hòa – giáo viên chủ nhiệm lớp đã đưa những học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không mặc đồng phục, mặc quần rách tới trường ra... xử lý.

Đành rằng với học sinh vi phạm kỷ luật, các em cần được giáo dục để nhận thức về lỗi lầm và sửa đổi hành vi. Song, một cú đá kèm theo những cái tát thô bạo, những câu chửi bới với cách xưng hô “mày – tao”,… thì chưa bao giờ được xem là phương pháp giáo dục cả. Nói chính xác, những hành động đó là “bạo lực học đường” - bạo lực xuất phát từ phía người thầy, diễn ra ngay trên bục giảng, trước sự chứng kiến của biết bao học sinh.

Triết lý giáo dục tình thương, kỷ luật tích cực,… dường như vẫn là những khái niệm mơ hồ khi đòn roi đang được khoác lên chiếc áo “giáo dục” và hiện diện ở nhiều lớp học.

Cách đây không lâu, vào tháng 2/2021, nhiều tờ báo đăng tải thông tin một phụ huynh ở tỉnh Nghệ An đã tố thầy giáo sử dụng bạo lực với con mình. Chính thầy giáo này cũng thừa nhận đã tát học sinh vì không thuộc bài.

Phía sau những cái tát, học sinh sẽ phải hứng chịu tổn thương tâm lý rất nặng nề, giống như một vết bỏng lớn trên cơ thể, khó có thể xóa mờ sẹo cho dù nhiều năm tháng trôi qua.

Trở lại câu chuyện ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, trong bản tường trình sự việc, ông Khúc Xuân Hòa viết: “Bản thân tôi cũng muốn tốt cho các em học sinh và coi các em như con em trong nhà”.

Chẳng phải ngạc nhiên khi lý lẽ của những hành vi bạo lực được đưa ra là đánh cho chừa, là vì muốn học sinh tốt lên, là một cách “thương cho roi cho vọt”.

Nhưng dù có đưa ra bao nhiêu lý lẽ đi chăng nữa cũng không thể bao biện được hành vi như một kẻ côn đồ, hẳn là ai ai xem clip cũng thấy xót xa cho những đứa trẻ đang nhẫn nhục chịu đựng sự hậm hực từ ông Hòa.

Xin thưa rằng, dùng bạo lực với học trò là cách làm phản giáo dục bị lên án trên toàn thế giới. Bạo lực không bao giờ đem lại hiệu quả tích cực, có chăng chỉ là nỗi đau, sự tổn thương, nỗi oán giận và còn nhiều điều tồi tệ hơn thế.

Một cái tát, một cú đá chẳng khác gì một lời tuyên bố rằng người thầy đã thất bại với sứ mệnh của mình! Thất bại ê chề không gì cứu vãn nổi! Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nói rằng: "Thầy giáo này đã vi phạm cả đạo đức nhà giáo lẫn pháp luật nhà nước đề ra. Pháp luật của chúng ta cấm bạo lực trong nhà trường, xâm phạm nhân cách, thân thể của học sinh. Những hành vi dù là bộc phát của thầy giáo như thế cũng là vi phạm pháp luật, đây là hành vi bị cấm trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng...

Sử dụng vũ lực không bao giờ giúp học trò có thể thay đổi được nhận thức, nhận ra được đúng sai, lẽ phải. Đạo đức nhà giáo bất kể thời kỳ nào, hoàn cảnh nào cũng không cho phép thầy giáo có những hành vi không tôn trọng nhân phẩm, thân thể học trò như vậy".

Và đến chừng nào những người thầy vẫn giữ quan niệm “đòn roi là giáo dục” thì sẽ vẫn còn nhiều câu chuyện đau lòng tiếp diễn, xảy ra. Các em học được gì từ những hành vi bạo lực khủng khiếp, đáng sợ ở chính người thầy của mình?

Hành vi của ông Khúc Xuân Hòa vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo. Ảnh chụp từ clip.

Hành vi của ông Khúc Xuân Hòa vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo. Ảnh chụp từ clip.

Bạo lực học đường vẫn đang diễn ra từng ngày và đang trở thành thảm họa của ngành giáo dục. Học sinh lao vào đánh nhau chỉ vì một ánh nhìn, một xích mích nhỏ.

Đau lòng hơn, cay đắng hơn khi chính học trò cũng có hành vi bạo lực với cô giáo dạy mình. Mới nhất là vào đầu tháng 4, video ghi lại cảnh cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) bị học sinh trong lớp chống đối, quậy phá cũng đã “gây bão” khắp các trang mạng. Dù là lý do gì thì hành vi ngỗ ngược, chống đối của những học sinh lớp 5 vẫn là một câu chuyện quá đau lòng và không thể chấp nhận ở ngôi trường này.

Đó là những mảnh vỡ, nát vụn, trong bức tranh giáo dục vốn đã nhiều màu xám. Chúng ta dạy những đứa trẻ nuôi dưỡng yêu thương chứ không mở lối cho thói côn đồ!

Đổi mới giáo dục cùng với nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, với ước mong “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhưng niềm vui ở đâu khi bạo lực học đường vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, hạnh phúc ở đâu khi những cái tát được gắn mác giáo dục vẫn còn tồn tại?

Bạo lực không phải là hình thức kỷ luật, đòn roi không thể nhân danh cho tình yêu thương. Nghề giáo cao quý và đặc biệt cũng bởi lao động của người thầy mang đến tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim, xây dựng đạo đức và nhân cách cho những đứa trẻ.

Vì vậy, xin đừng nhân danh giáo dục để tung cú đá, vung ngọn roi!

Xin đừng để những cái tát, cú đá làm vấy bẩn hình ảnh của người thầy, làm mất đi thanh danh và sự cao quý của nghề dạy học!

Phạm Minh