Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tạm giữ, tạm giam chiều 14/10.
Đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp.
Theo ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình.
Do đó, thẩm quyền quản lý 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an sẽ được chuyển từ cơ quan điều tra Bộ Công an sang cho Cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam (Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an) và nội dung này đã được chỉnh lý như tại Điều 12 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự án luật (Bộ Công an) đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra. Đây là vấn đề đang xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân. ảnh: TTXVN. |
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam như hiện nay nhưng có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra; cần giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam Bộ Công an (Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an) quản lý; bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với Cơ quan điều tra ở tất cả các cấp.
Một số ý kiến khác đề nghị cần tổ chức lại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.
Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua khảo sát tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy, trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của Công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của Công an cấp tỉnh là phù hợp.
Hơn 70 tuổi, nếu phạm tội nặng vẫn có thể bị tạm giam |
Đối với vấn đề phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần duy trì chế độ giam riêng giữa nam và nữ, giữa người chưa thành niên với người đã thành niên, giữa những người trong cùng một vụ án.
Đồng thời cần quy định cơ chế linh hoạt cho phép nhà tạm giữ, trại tạm giam phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xử lý trong trường hợp đặc biệt, quyết định việc giam giữ chung đối với người trong cùng một vụ án hoặc người đã thành niên với người chưa thành niên trong các tình huống cụ thể mà thực tiễn đã phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua khảo sát, giám sát về công tác tạm giữ, tạm giam tại một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế, trong khi đó một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông thì việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án trong mọi trường hợp là rất khó khả thi.
Bên cạnh đó, người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn cần bố trí một đến hai người đã thành niên chấp hành kỷ luật, nội quy tốt cùng sinh hoạt với họ để kiểm soát hành vi, khuyên răn, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình.
Tiếp thu ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam đã được chỉnh lý lại tại khoản 2, 3 Điều 18 dự thảo Luật như sau:
- Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử.
- Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế của nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Đồn Biên phòng phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị phân loại giam giữ riêng những người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên và người khuyết tật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, người từ 70 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi, nhưng theo quy định của pháp luật thì họ vẫn có đầy đủ khả năng nhận thức, năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, do đó việc giam giữ riêng đối với họ là không cần thiết, nhất là trong điều kiện giam giữ của Nhà nước ta còn hạn hẹp, khó khăn.
Đối với người khuyết tật nếu giam giữ riêng, có thể dẫn đến họ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là đối với những việc mà họ không thể tự mình xử lý được, mà cần phải có người hỗ trợ của người khác hoặc của cơ sở giam giữ. Do đó, đề nghị không phân loại để giam giữ riêng đối tượng này.