Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Xóa sổ hai tập đoàn xây dựng

04/10/2012 07:35
Thủ tướng quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam.
Sau 33 tháng được thí điểm thành lập nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn, ngày 2-10, Thủ tướng đã quyết định kết thúc thí điểm hình thành hai tập đoàn xây dựng nêu trên. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Giao lại cho Bộ Xây dựng

Trong quyết định trên, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập: Tổng Công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sông Đà trước đây; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị và các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị trước đây.

Ngoài ra, chuyển một số tổng công ty, chuyển quyền quản lý phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng và Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng từ Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm chủ tịch, thành viên HĐTV; thông qua để HĐTV bổ nhiệm tổng giám đốc đối với các tổng công ty nói trên; đồng thời xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xóa sổ hai tập đoàn xây dựng ảnh 1

Hai tập đoàn của ngành xây dựng được quyết định chấm dứt thí điểm và cơ cấu lại. Ảnh: PT

Hoạt động không hiệu quả

Trả lời phỏng vấn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 3-10, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Phạm Viết Muôn cho biết: Năm 2009, được Bộ Chính trị đồng ý, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thêm bốn tập đoàn, trong đó có hai tập đoàn xây dựng. Khác với các tập đoàn khác, hai tập đoàn này hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, hai tập đoàn này không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản. Các tổng công ty chọn làm nòng cốt của hai tập đoàn cũng không thực hiện được vai trò nòng cốt. “Thực tế quản lý, phát triển và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đặt ra yêu cầu không nên tiếp tục duy trì hai tập đoàn này” - ông Muôn cho hay.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định: “Việc không còn hai tập đoàn này là vì nó không nắm cái gì quyết định trong nền kinh tế cả. Các tập đoàn này hoạt động cũng không hiệu quả, rồi cũng vay, cũng nợ, cũng đủ mọi thứ. Nghĩa là cũng không hơn gì trước khi trở thành tập đoàn, thậm chí còn yếu hơn anh khác”.

Nóng vội trong thành lập

Nhìn nhận về việc hai tập đoàn xây dựng bị “hạ cấp”, ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII nói đây là một điều tất yếu. “Chúng ta thực hiện thành lập thí điểm nhưng lại lập ra quá nhiều, trong khi tính pháp lý về đại diện chủ sở hữu vốn, rồi vốn vay, hệ thống quản trị đều chưa rõ. Khi thành lập lại không có đề án, lộ trình, quy mô được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngay cả việc chuẩn bị về nhân sự lãnh đạo các tập đoàn cũng chưa được chặt chẽ, dẫn đến bổ nhiệm nhiều người thiếu cả về đạo đức, chuyên môn… Tất cả những điều trên dẫn đến việc thành lập ra nhiều nhưng chúng ta không kiểm soát được để các đơn vị đầu tư ra ngoài ngành một cách tràn lan, gây thua lỗ, thất thoát tiền của của Nhà nước” - ông Dung nói.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng lẽ ra khi mới thí điểm thì chỉ nên thành lập vài ba tập đoàn. Sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nếu thấy hiệu quả thực sự mới thành lập thêm vài ba đơn vị nữa, còn không hiệu quả thì phải dừng lại ngay. Chứ thành lập ồ ạt, không kiểm soát được thì rất khó mà hiệu quả.

Tuy nhiên, cả ông Dung và ông Kiêm đều khẳng định dù muộn nhưng việc kết thúc thí điểm thành lập hai tập đoàn trên là điều cần làm trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động của các DN nhà nước. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng đang được Hội nghị Trung ương VI (từ ngày 1 đến 15-10) bàn thảo.

Rất cần những công ty chủ lực

Việc thành lập tập đoàn là Nhà nước muốn tạo ra những “quả đấm thép” để đưa vào những chỗ cần thiết. Một quốc gia vẫn cần những công ty chủ lực để giải quyết những việc cấp bách, kể cả trong lĩnh vực hạ tầng. Nên có nhưng cần cho các công ty này tự chủ và hoạt động theo cơ chế thị trường là chính. Hiện nay kết cấu hạ tầng là khâu đột phá trong phát triển. Chẳng hạn, giờ Nhà nước cần một con đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giao cho một tập đoàn nào đó và phải làm xong trong 1-2 năm. Phải có sự vượt bậc như thế thì mới gọi là “quả đấm thép”.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam PHẠM SĨ LIÊM

“Thành công trong thí điểm tập đoàn”

Thí điểm có thể thành công, có thể không. Nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Trong số 11 tập đoàn, ngoại trừ ba tập đoàn vừa nêu (Vinashin, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam), còn tám tập đoàn khác hoạt động tốt, đạt mục tiêu đề ra, tỉ lệ thành công là 8/11. Tôi cho rằng chúng ta đã thành công trong thực hiện chủ trương thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế của Đảng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới 
và Phát triển DN
 PHẠM VIẾT MUÔN (trả lời phỏng vấn trên chinhphu.vn ngày 3-10)

THÀNH VĂN - H.VÂN/Pháp luật TPHCM