Sai phạm trong nhiều dự án
Từ sớm, trước cổng tòa đã tập trung rất đông người. Công tác an ninh được thắt chặt, cảnh sát, bảo vệ thẩm tra kỹ từng người vào cổng tòa. Các phóng viên theo dõi phiên tòa qua màn hình tại một phòng riêng.
8 giờ 10 phút, các bị cáo được dẫn giải tới phòng xét xử, đứng trước vành móng ngựa. Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX mở còng cho các bị cáo vì mỗi bị cáo đã có hai cảnh sát hỗ trợ tư pháp giám sát. Mặc dù công tố viên không đồng ý nhưng chủ tọa phiên tòa đã chấp thuận ý kiến luật sư, đồng ý mở còng cho các bị cáo.
Chín bị cáo bị truy tố gồm Phạm Thanh Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin; Trần Văn Liêm - nguyên trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin, nguyên giám đốc Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin; Nguyễn Văn Tuyên - nguyên giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh; Nguyễn Tuấn Dương - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long; Tô Nghiêm - nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; Trịnh Thị Hậu - nguyên TGĐ Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy; Hoàng Gia Hiệp - nguyên Phó TGĐ Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy; Trần Quang Vũ - nguyên TGĐ Tập đoàn Vinashin; Đỗ Đình Côn - nguyên Phó TGĐ Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.
Theo cáo trạng, các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái trong việc sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện các dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen, xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân (Quảng Ninh), bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang và đầu tư thuê mua tài chính tàu Bình Định Star gây thiệt hại trên 900 tỉ đồng.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN
“Tôi không được quyết gì cả”
Sau khi tòa làm các thủ tục và công tố viên công bố cáo trạng vào buổi sáng, phiên xử đã bước vào phần thẩm vấn. Trả lời về dự án mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại, bị cáo Bình cho rằng việc mua tàu khách cao tốc được hoạch định từ đầu năm 2000 khi Chính phủ có chủ trương thiết lập tuyến tàu biển chở khách Bắc Nam. Theo bị cáo, con đường biển rất quan trọng vì nếu làm đường sắt thì phải mất vài chục tỉ USD và kéo dài cả chục năm nhưng làm đường biển chỉ cần 2 tỉ USD trong vòng năm năm. Bị cáo Bình lý giải việc mua tàu Hoa Sen là để thử nghiệm: “Đây là quyết định nặng nề, rất lớn với tôi. Ban đầu sẽ lỗ vì chỉ chạy thử nghiệm thôi nhưng cái lỗ đó sau đó sẽ được bù đắp khi có cả một đội tàu sau một vài năm”. Tuy nhiên, theo cáo trạng, việc “thử nghiệm” này đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 470 tỉ đồng...
Cáo trạng kết luận việc mua tàu này đã diễn ra trước khi dự án được lập và thẩm định, không thực hiện chào hàng cạnh tranh khi mua tàu, cho vay và thực hiện bảo lãnh mua tàu sai quy định gây ra thiệt hại...
Bị cáo Liêm thì bảo Công ty Vận tải Viễn Dương chỉ là công ty con của Vinashin, việc mua tàu Hoa Sen là thực hiện chỉ đạo của công ty mẹ. “Tôi không phải là chủ đầu tư vì tôi không được quyết gì cả” - bị cáo Liêm nói.
Về vết nứt tiềm ẩn dưới đáy tàu Hoa Sen chỉ xảy ra sau vài tháng khai thác, bị cáo Liêm cũng nhận định: “Đây là vết nứt tiềm ẩn, người đi mua cũng không thể biết, nó là ngoài khả năng của con người”. Tuy nhiên, bị cáo Liêm cho biết con tàu có sự cố, bảo hiểm không bồi thường vì chưa đóng đủ phí bảo hiểm...
Bán vỏ tàu trả lương công nhân (!?) Theo cáo trạng, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân giai đoạn 2001-2005, bị cáo Bình chỉ đạo bị cáo Tùng, Tô Nghiêm điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 502 tỉ đồng lên hơn 592 tỉ đồng trái quy định, thông đồng với nhà thầu Jacobsen nhập dây chuyền máy móc, thiết bị đã qua sử dụng... Các bị cáo đã làm thiệt hại hơn 66 tỉ đồng. Về việc này, bị cáo Bình cho rằng vì chủ đầu tư là Công ty CNTT Cái Lân lập dự án thiếu chi phí nên đã cho lập lại để đảm bảo đủ chi phí. Bị cáo Bình thừa nhận nhà thầu làm chưa xong mà đã thanh toán hết tiền là không đúng. Tuy nhiên, theo bị cáo Bình, việc này không dẫn đến hậu quả vì cuối cùng người ta vẫn hoàn thành nhà máy. Tiếp đó, bị cáo Bình bảo thiết bị của nhà máy tuy không mới 100% nhưng các thông số và đặc tính kỹ thuật tương đương. “Chúng tôi đi vay tiền nên chúng tôi chọn giải pháp rẻ nhất, chi phí thấp, nhà máy dự phòng cho nhà máy thép. Chọn nhà máy đã lắp đặt chưa được sử dụng, giá rẻ được gần một nửa” - bị cáo Bình phân trần. Bị cáo Tô Nghiêm thì nhận hành vi của mình là sai trái nhưng không có động cơ và lý do ở bên trong. Cuối chiều 27-3, HĐXX thẩm vấn bị cáo Vũ trong việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Bị cáo thừa nhận khi còn làm tổng giám đốc Công ty CNTT Nam Triệu đã bán vỏ tàu được 66 tỉ đồng trong khi đây là tài sản thế chấp. Bị cáo đã đem tiền bán vỏ tàu trả lương, thưởng cho công nhân, mua vật tư… Sai phạm của các bị cáo Theo cáo trạng, các bị cáo có sai phạm về các dự án như sau: Về tàu Hoa Sen: Dù cơ quan chức năng chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án... nhưng Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo cho Trần Văn Liêm ký hợp đồng (không số) ngày 7-5-2007 với công ty của Ý mua tàu Cartour (về Việt Nam đổi tên thành tàu Hoa Sen) với giá trên 1.200 tỉ đồng. Do tàu không phù hợp với hệ thống cầu cảng ở nước ta, Bình ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Tàu Hoa Sen hoạt động một thời gian thì dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Ngày 17-2-2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa hết khoảng 5,2 tỉ đồng. Theo cáo trạng, hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước của Bình, Liêm và một số bị cáo khác gây thiệt hại trên 470 tỉ đồng. Về dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, Nam Định: Phạm Thanh Bình giữ vai trò tổ chức, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương và Đỗ Đình Côn là đồng phạm. Theo đó, với tư cách là chủ tịch HĐQT, Bình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy không có trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia. Không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án nhóm A. Sau đó các bị cáo đã cho khởi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng... Tổng thiệt hại của dự án này là trên 316 tỉ đồng. Về dự án Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, Quảng Ninh: Các bị cáo Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm và Hồ Ngọc Tùng đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Cụ thể, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không có kết quả thẩm định tổng mức đầu tư tăng thêm. Ký biên bản bàn giao công trình, nghiệm thu chạy thử, thanh toán hết cho nhà thầu toàn bộ giá trị hợp đồng khi công trình chưa hoàn thành, do đó nhà thầu không tiếp tục thực hiện cam kết bảo hành công trình. Công trình chưa thực hiện lập báo cáo và phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành. Cho phép nhà thầu nhập máy móc, thiết bị cũ được tháo dỡ từ nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc không đúng với nội dung hợp đồng (là máy móc, thiết bị mới), không đúng với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt của dự án. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại trên 66 tỉ đồng. Về dự án đầu tư tàu Bình Định Star: Công ty CP CNTT Bình Định thành lập ngày 27-5-2004 trong đó cổ đông Vinashin chiếm 51% cổ phần. Tháng 10-2004, HĐQT Công ty Bình Định định phê duyệt dự án đầu tư tàu Bình Định Star với tổng vốn 75 tỉ đồng. Đến ngày 30-3-2010, Công ty Bình Định vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các công ty cho thuê tài chính đã thu hồi và bán tàu Bình Định Star dẫn đến việc tập đoàn Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn đã cho vay. Trong dự án này, Hồ Ngọc Tùng giữ vai trò chính, chỉ đạo Trịnh Thị Hậu thực hiện các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại trên 30 tỉ đồng. Về việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang: Năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna của Campuchia rồi hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường siêu trọng để kinh doanh, đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang và giao cho Công ty Viễn Dương quản lý, khai thác. Ngày 31-3-2006, Phạm Thanh Bình ký quyết định cho phép Công ty Viễn Dương bàn giao tàu cho Công ty Nam Triệu quản lý, sử dụng và lên phương án hoán cải tàu thành khách sạn nổi bốn sao. Do dự án hoán cải tàu thành khách sạn chi phí quá cao nên Nam Triệu không thực hiện nữa mà xin phép bán tàu. Sau đó không bán được tàu, Trần Quang Vũ chỉ đạo phá dỡ tàu và bán thanh lý vỏ tàu để thu hồi vốn. Việc tự định giá và quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản nêu trên là không đúng thẩm quyền vì tàu vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin, Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng và đã gây thiệt hại trên 27 tỉ đồng. |
HUY HOÀNG/Pháp luật TPHCM