Chiến tranh thương mại giống như các cuộc chiến tranh khác, cần có chiến lược chu toàn và dài hạn. Chiến lược đó nhất định phải được xây dựng trên cơ sở biết người biết ta.
Bài viết sẽ cung cấp thêm một số nhận định về cách ứng phó của Trung Quốc đối với xung đột thương mại hiện nay với Mỹ.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP). |
Ngày 20/3/2019, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nói với các phóng viên rằng ông sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ một thỏa thuận có thể đạt được giữa hai nước về việc giảm hàng rào thuế quan.
“Họ từng có rất nhiều vấn đề liên quan tới những thỏa thuận nhất định và chúng tôi phải đảm bảo chắc chắn”, Tổng thống Mỹ cho biết. [4]
Bình luận của Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ những hy vọng rằng, các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể dẫn tới việc hai nước xóa bỏ gần 360 tỷ USD thuế áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể ứng phó như thế nào với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay?
Chiến tranh thương mại giống như các cuộc chiến tranh khác, cần có chiến lược chu toàn và dài hạn. Chiến lược đó nhất định phải được xây dựng trên cơ sở biết người biết ta.
Xét từ góc độ sự thay đổi của hệ thống thế giới, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, toàn cầu hóa kinh tế phát triển nhanh, đến nay thế giới chỉ có một hệ thống kinh tế và Mỹ chính là người lãnh đạo hệ thống đó.
Nói cách khác, hệ thống kinh tế thế giới hiện nay là hệ thống mang tính phân cấp lấy nước Mỹ là hạt nhân trong điều kiện toàn cầu hóa.
Dù là Trung Quốc hay các nước như Nhật Bản, Đức…cũng không thể tách rời khỏi Mỹ nhiều về công nghệ cốt lõi.
Trung Quốc nên chủ động hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ |
Thực tế, những yếu tố mà Mỹ đang sở hữu như quy mô thị trường tiêu thụ, công nghệ, sáng tạo và đồng USD có thể giúp Mỹ duy trì ưu thế lâu dài trong hệ thống kinh tế thế giới. [2]
Do đó, khi Trung Quốc phản ứng với chiến tranh thương mại cũng cần phải xác định rõ chỗ đứng của mình.
Hiện nay, Trung Quốc vừa không có điều kiện, vừa không có năng lực tự mình thiết lập một hệ thống kinh tế khác độc lập với Mỹ.
Nguyên nhân được cho là do công nghệ của Trung Quốc là sự ứng dụng mở rộng đối với công nghệ của phương Tây.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng không thể thay đổi về cơ bản hệ thống kinh tế thế giới do nội dung liên quan chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng, không phải là hệ thống công nghiệp lớn mạnh mặc dù phạm vi bao phủ rất rộng lớn.
Trong bối cảnh như vậy, có lẽ Trung Quốc chắc chắn hiểu được rằng quan hệ kinh tế-thương mại Trung-Mỹ không thể tách rời nhau.
Bởi lẽ, nếu tách rời nhau, quan hệ giữa hai nước rất dễ rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh về chính trị và quân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ bị đưa ra khỏi hệ thống thế giới do Mỹ lãnh đạo. [3]
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sức ảnh hưởng quốc tế gia tăng và sự truyền bá rộng rãi mô hình Trung Quốc trên thế giới trong những năm gần đây đã khiến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc quay trở lại khung tư duy của chủ nghĩa bảo thủ mới.
Đặc biệt là đã xuất hiện cục diện hoài nghi đối với Trung Quốc trên phương diện ý thức hệ. Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã cung cấp cho các nước một mô hình khác có thể thay thế mô hình phát triển kinh tế của phương Tây dựa trên nền tảng chế độ dân chủ kết hợp với kinh tế thị trường. [4]
Phái đoàn Mỹ, do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu, và phái đoàn Trung Quốc, dẫn đầu bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc, trong cuộc đàm phán tại Washington vào ngày 21/2/2019 (Ảnh: New York Times). |
Do đó, những người có tư duy chiến tranh lạnh trên chính trường Mỹ cũng chủ trương áp dụng biện pháp kiềm chế Trung Quốc như đã áp dụng với Liên Xô trước đây.
Theo đó, trước tiên dựa vào chiến tranh thương mại để từng bước tách rời kinh tế Trung Quốc với Mỹ. Tiếp đó, nâng cấp từ kiềm chế về kinh tế lên cấp độ quân sự.
Sau cùng, khiến kinh tế Trung Quốc suy thoái quay trở lại thành quốc gia nghèo nàn trong quá trình quân sự hóa nền kinh tế quốc dân. [5]
Tuy nhiên, trật tự quốc tế mà Tổng thống Donald Trump muốn thiết lập và trật tự quốc tế mà phái cứng rắn của Mỹ mong muốn không giống nhau.
Trật tự mới mà Tổng thống Donald Trump hướng tới hiện nay là trật tự dựa trên nền tảng lợi ích, không nhấn mạnh đến ý thức hệ và cường quyền truyền thống.
Đặc điểm chính của trật tự mới mà Tổng thống Trump muốn thiết lập liên quan đến vấn đề chủ quyền, ít quan tâm đến ý thức hệ và cạnh tranh kinh tế sòng phẳng. [6]
Đối với Tổng thống Donald Trump, vấn đề của Trung Quốc không nằm ở chỗ phát triển sức mạnh quân sự. Trung Quốc và Mỹ đều là cường quốc có thể uy hiếp đối phương, chiến tranh nóng giữa hai nước là điều khó có thể xảy ra.
Vấn đề chính là nằm ở việc xã hội tiêu dùng của Trung Quốc ngày càng phát triển có thể cạnh tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tìm biện pháp để tránh và hóa giải được chiến tranh lạnh kỹ thuật do Donald Trump tiến hành. Đó chính là mâu thuẫn nội bộ hoặc là bất đồng lợi ích giữa Mỹ và phương Tây. [7]
Chính phủ doanh nghiệp của Tổng thống Trump muốn thiết lập trật tự thế giới dựa trên nền tảng lợi ích như đã thảo luận ở trên trong khi chính phủ quân sự muốn hướng lái chiến tranh thương mại sang chiến tranh lạnh kỹ thuật. Điều này đã phản ánh mâu thuẫn giữa các tập đoàn lợi ích của nước Mỹ.
Bên cạnh đó, lợi ích giữa Mỹ và các nước phương Tây khác không đồng nhất, đặc biệt là đối với những quốc gia có nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu. Bởi lẽ những nước này không thể bỏ qua thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-tiet-lo-ly-do-giu-don-ap-thue-voi-trung-quoc-20190321065804631.htm
[2] https://www.asiatimes.com/2019/03/article/business-groups-concerned-over-chinas-new-law/
[3] Tài liệu tham khảo 335-TTX của Thông tấn xã Việt Nam ngày 17/12/2018
[4] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Xung-dot-co-cau-dan-den-va-cham-thuong-mai-TrungMy-post196187.gd
[5] https://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/3002278/both-xi-jinping-and-donald-trump-trade-war-test-political
[6] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2018-11-27/there-no-grand-bargain-china
[7] http://www.globaltimes.cn/content/1142844.shtml