Độc giả hiến kế giúp Tập đoàn Mai Linh" vượt bão"

03/01/2013 11:58
Hà Nhi
(GDVN) - Đối mặt với khoản nợ nghìn tỷ, “ông trùm taxi Việt” đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chính trong lúc này, Tập đoàn Mai Linh đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ cũng như những ý kiến có thể giúp họ vượt qua sóng gió.
Tập đoàn Mai Linh sẽ vượt được bão, nếu...
Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, độc giả Tuyết Lan ở hòm thư ngoctuyetlan@yahoo.com cho rằng: Tập đoàn Mai Linh không nằm ngoài  xu hướng chung cũng như nhiều xí nghiệp khác đầu tư  đa lãnh vực và hầu hết đều đang kẹt vốn khi thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng. 
“Qua trao đổi với một người bạn đã từng gửi tiền ở Mai Linh, bạn tôi rất khen vì việc trả lãi ở Mai Linh trước thời điểm khó khăn này rất đúng ngày và luôn giữ uy tín của một người lính Cụ Hồ. Qua những tài liệu mà bạn tôi lưu giữ thì tập đoàn Mai Linh cũng đã đóng góp nhiều cho quân đội và cho xã hội” – chị Tuyết Lan nói.

Chỉ cần 500 tỉ có thể cứu được Tập đoàn Mai Linh?
Chỉ cần 500 tỉ có thể cứu được Tập đoàn Mai Linh?


Theo ý kiến của chị, trong chủ trương chung của Chính phủ để cứu thị trường BĐS, nhà nước cũng nên hỗ trợ 500 tỉ từ vốn kích cầu cho lĩnh vực BĐS để góp phần vực dậy một Tập đoàn taxi lớn nhất VN có nhiều đóng cho đất nước.
Ngoài ra, một giải pháp nữa để “ông trùm taxi Việt” vực dậy đó là: Các nhà đầu tư đã từng gắn bó với Tập đoàn Mai Linh lâu nay, qua lời cam kết của Chủ tịch Tập đoàn, hãy cho họ một cơ hội vượt qua cơn sóng dữ này, để tiếp tục đóng góp cho đất nước, xã hội và cho các nhà đầu tư nhất là cho các cựu chiến binh, những người về hưu, những người dân có chút tiền nhàn rỗi như trước đây.
Mặc dù đứng trước tình cảnh khó khăn, tính đến 30/9, tổng nợ phải trả của Mai Linh lên tới 2.279 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng “ông chủ” Hồ Huy vẫn kiên quyết không bán công ty, cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho 28.000 lao động. Không ít người dân đã lên tiếng cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần để thương hiệu Việt Mai Linh sớm vượt qua sóng gió.
Anh Đỗ Anh Tú (cư trú tại Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Mai Linh là một thương hiệu Việt đáng tự hào. Trong mọi thời điểm kể cả khó khăn cũng như thuận lợi, chất lượng dịch vụ của Mai Linh vẫn không hề thay đổi. Những người lái xe nghiêm túc, hệ thống quản lý chặt chẽ, kể cả những xe "cổ phần"- tức lái xe là chủ - nhưng khó có thể thấy sự khác biệt giữa họ với các lái xe được trả lương.
Điều đặc biệt là nếu quên đồ trên taxi Mai Linh, khả năng cao bạn sẽ được nhận lại. Nếu chẳng may người lái xe có ý đồ tham, đội thanh tra làm việc khá hiệu quả, dù thu hồi được đồ đã để quên hay không thì ứng xử của Mai Linh với khách hàng đều thuyết phục và làm cho khách hàng hài lòng. 
“Thường trò chuyện cùng những người lái xe, tôi cảm thấy họ đều hài lòng với công việc của mình. Thậm chí, họ luôn tự hào vì được làm ở Mai Linh và không ngớt lời khen ngợi về những nghĩa cử đẹp đẽ và chế độ đãi ngộ tốt ở công ty mình”, anh Đỗ Anh Tú nhận xét.
"Nên nhìn những sai lầm đầu tư của Mai Linh với con mắt bao dung hơn"
Ông Hồ Huy, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh đã từng thừa nhận sai sót trong việc vay khoảng 500 tỉ đồng (từ những nhà hợp tác đầu tư, vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên, cựu chiến binh) nhưng chưa trả được lãi là do nguồn vốn ngắn hạn nhưng lại đem đi đầu tư dài hạn từ 5-10 năm.
Không ít các chuyên gia trong nước cho rằng: Nên nhìn những sai lầm đầu tư của Mai Linh với con mắt bao dung hơn. 
Bởi lẽ, trước sức hấp dẫn của trào lưu BĐS vừa qua, đại đa số những công ty có dòng tiền mặt mạnh mẽ đều không cưỡng lại được lợi nhuận hứa hẹn của cơn sốt đầu tư. Một "đồng nghiệp" danh tiếng của Mai Linh, hãng xe khách Phương Trang, cũng đã làm không ít người ngạc nhiên khi treo cái tên vô cùng mộc mạc “Công ty cổ phần địa ốc vận tải Phương Trang” tại điểm nghỉ chân cho hành khách.
Xét về huy động vốn, việc huy động vốn từ nguồn nội bộ cũng không có gì đáng chê trách. Một tỷ lệ vốn không phụ thuộc ngân hàng hợp lý là bài toán hiệu quả cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Huy động vốn từ tín dụng buộc phải chịu ảnh hưởng từ qui luật tâm lý cơ bản của người gửi tiền: họ sẽ ồ ạt rút khi niềm tin bị lay động. 

Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đang dồn toàn lực để giải quyết khó khăn, cứu doanh nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đang dồn toàn lực để giải quyết khó khăn, cứu doanh nghiệp.

“Nếu điều này xảy ra, không chỉ Mai Linh - một công ty vận tải, bất kì tổ chức tín dụng nào dù cho qui mô lớn mấy trên thế giới đi chăng nữa đều sẽ sụp đổ. Sai lầm lớn của ông chủ Mai Linh nằm ở đây, đã huy dộng tín dụng thì cần học qui tắc quản lý rủi ro, trong đó rủi ro rút vốn trước hạn là một điều luôn cần tính tới” – một chuyên gia trong lĩnh vực marketing đưa ra ý kiến.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng: Tâm lý sẽ được giải quyết bằng tâm lý. Những nhà đầu tư nội bộ sẽ được yên tâm khi người Chủ tịch của Mai Linh dồn toàn lực cho họ thấy họ sẽ luôn được ưu tiên trước nhất nếu điều xấu nhất xảy ra, làn sóng sẽ chấm dứt. 
“Giao tiền cho một nơi như Mai Linh, cũng đáng để tin cậy, giúp Mai Linh vượt khó, hơn nữa lại có ích lợi cho công ăn việc làm của chính họ. Mai Linh cần có một chiến dịch truyền thông nội bộ tốt để chấm dứt những dao động tâm lý trong nhân viên. Chúc cho thương hiệu Việt hàng đầu vượt qua sóng gió” – Một độc giả của báo Giáo dục Việt Nam nhắn nhủ.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi