Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trường xác định sứ mạng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học chuẩn mực và là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thông tin và du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Được thành lập từ năm 1976 với tên gọi đầu tiên là Trường Nghiệp vụ Văn hoá – Thông tin, trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo hơn 40.000 cán bộ có trình độ đạt chuẩn về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch.
Trong tiến trình phát triển, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học đạt chuẩn quốc gia và khu vực về đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thông tin, du lịch.
Tuyển sinh không đồng đều giữa các năm
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được tại Đề án tuyển sinh 2023 Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, nhà trường giữ ổn định tuyển sinh khoảng gần 1000 chỉ tiêu/năm, có 8 ngành đào tạo với 15 chuyên ngành trình độ đại học chính quy, gồm: Ngành Thông tin - Thư viện, ngành Bảo tàng học, ngành Du lịch, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngành Kinh doanh xuất bản phẩm, ngành Quản lý văn hóa, ngành Văn hóa học và ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, tình hình tuyển sinh của các ngành lại không có sự ổn định. Cụ thể, một số ngành tuyển sinh tốt ở năm 2021, tuy nhiên sang năm 2022, dù chỉ tiêu tăng nhưng số lượng nhập học lại giảm, như ngành Du lịch (năm 2021 tuyển sinh đạt 103,75%, năm 2022 chỉ ở mức 62,86%), chuyên ngành Hướng dẫn du lịch (năm 2021 tuyển sinh 127%, đến năm 2022 chỉ đạt 43,75%), chuyên ngành truyền thông văn hóa (năm 2021 tuyển sinh 160%, đến năm 2022 chỉ đạt 80,83%);
Ngược lại, có một số ngành lại có dấu hiệu tuyển sinh khá tốt ở năm sau như chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hóa xã hội (năm 2021 tuyển sinh đạt 51,25%, đến năm 2022 tỷ lệ tăng lên 125%).
Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là ngành tuyển sinh kém nhất, chỉ khoảng xấp xỉ trên dưới 10 sinh viên nhập học/năm, dù chỉ tiêu hàng năm từ 30-40 sinh viên.
Báo cáo về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2021, khảo sát năm 2022), tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 98.19%. Trong đó, đặc biệt một số ngành tuyển sinh kém nhưng đạt tỷ lệ 100% như Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Kinh doanh xuất bản phẩm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hàng năm nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu và các ngành tuyển sinh, tuy nhiên thực tế có sự không cân đối giữa các ngành.
Lấy dẫn chứng thực tế, Phó giáo sư Lâm Nhân cho biết đơn cử như ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, tình hình tuyển sinh không đồng đều “có những năm tuyển được 20 sinh viên, nhưng có năm chỉ tuyển được 7 sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn phải tổ chức đào tạo”.
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sinh viên học ngành này ra trường đều có việc làm ngay, bởi nhu cầu về nhân lực làm công tác văn hóa ở địa phương rất nhiều. Song, do bản thân tên ngành học không “hot, khó hấp dẫn thí sinh, số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số học hết lớp 12 và muốn học lên cũng không có nhiều, vì vậy tình hình tuyển sinh ngành này gặp không ít khó khăn.
“Duy trì đào tạo với số lượng sinh viên không ổn định như vậy sẽ rất khó khăn cho trường, nhưng chúng tôi xác định lỗ vẫn phải đào tạo, vì nếu trường không đào tạo thì vài năm nữa sẽ không có người làm trong lĩnh vực này, các giá trị văn hóa dân tộc sẽ không có người gìn giữ, bảo tồn và phát huy”, vị hiệu trưởng bày tỏ.
Với vấn đề về thực tế số lượng người học giữa các ngành không có sự cân đối, việc làm của giảng viên được trường giải quyết ra sao, Phó giáo sư Lâm Nhân cho biết, giữa các ngành đào tạo của trường có sự liên kết nhất định, vì vậy nhà trường tạo điều kiện để giảng viên có thể tham gia giảng dạy ở các ngành gần, đảm bảo tất cả giảng viên đều có việc làm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin công khai chất lượng đào tạo thực tế (Biểu mẫu 18) và giảng viên (Biểu mẫu 20) trong Báo cáo 3 công khai ở các năm không đầy đủ, đặc biệt thông tin về giảng viên 3 năm liên tiếp gần đây không có.
Lý giải vấn đề này, Phó giáo sư Lâm Nhân cho biết việc thiếu thông tin do lỗi phần mềm hệ thống, vì các thông tin luôn được cập nhật đầy đủ ở đề án tuyển sinh hàng năm.
“Hiện người phụ trách công nghệ thông tin của trường đã nghỉ hưu, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được nhân sự thay thế vì việc tuyển dụng phải tuân theo quy định thi tuyển viên chức, khá lâu và phức tạp, mà mức lương cũng không đáp ứng được; trong khi đó trường cũng được kí hợp đồng chuyên môn vì chưa đạt mức tự chủ 70%.
Do vậy, người phụ trách công nghệ thông tin hiện nay đang là kiêm nhiệm, nên khó tránh khỏi việc cập nhật thông tin có sai sót”, lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
0,3 bài báo quốc tế/giảng viên là “bất khả thi” với các trường văn hóa nghệ thuật
Về đội ngũ giảng viên, theo thông tin tại Đề án tuyển sinh năm 2023,Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh có 89 giảng viên, trong đó có 1 Giáo sư, 4 Phó giáo sư, 27 Tiến sĩ và 57 Thạc sĩ.
Theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đến năm 2025, các cơ sở có đào tạo Tiến sĩ phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có đào tạo tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%.
Theo đó hiện nay, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đang đạt khoảng 30,3%.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển đội ngũ, Phó giáo sư Lâm Nhân cho hay hiện nhà trường đang chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên. Cụ thể, trường có chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho giảng viên nếu đi học văn bằng 2 ngoại ngữ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh B2) để học nghiên cứu sinh. Với giảng viên của nhà trường học nghiên cứu sinh đúng với ngành đào tạo trường đang có nhu cầu cũng sẽ được hỗ trợ về kinh phí. Bên cạnh đó, giảng viên học ở xa cũng sẽ được hỗ trợ về công tác phí đầy đủ.
“Nhà trường đang tập trung đẩy mạnh công tác này, phấn đấu mục tiêu trong 2 năm nữa sẽ đạt được tỷ lệ 40% như Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu”, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Về việc thực hiện Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, vị lãnh đạo cho rằng thách thức lớn nhất với đơn vị là yêu cầu về cơ sở vật chất và tiêu chí số bài báo quốc tế.
Cụ thể, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định “Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm”. (Tiêu chí 6.2)
Theo thầy Lâm Nhân, quy định số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus không thấp hơn 0,3 bài/giảng viên/năm đối với khối trường văn hóa nghệ thuật là quá khó, thậm chí “bất khả thi”.
Chia sẻ thêm, vị lãnh đạo cho biết hiện nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảng viên có công bố khoa học quốc tế như chính sách thưởng với giảng viên có bài báo tạp chí Q1 (50 triệu), Q2 (40 triệu), Q3 (30 triệu), Q4 (20 triệu),... Tuy nhiên, do đặc thù lĩnh vực nên việc có công bố quốc tế vẫn là một thách thức lớn với giảng viên.
Về tài chính, nguồn thu tài chính, theo thống kê cho thấy tổng thu hàng năm qua trường có sự tăng nhẹ, năm 2022 tổng thu tài chính của đơn vị đạt 64,574 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường có sự khởi sắc trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2019, thống kê cho thấy nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đơn vị đạt 730 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng lên 3.080 tỷ đồng, tăng 321,92% sau 4 năm.
Phó giáo sư Lâm Nhân cho biết, nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động được nhà trường đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường, đơn vị thực hiện thêm các đề tài khoa học với nhiều đối tác là các địa phương, Bộ ngành, Nhà nước,...
Đề xuất giải pháp giúp cơ sở giáo dục đại học có điều kiện đa dạng hóa nguồn thu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần cơ chế mở để cơ sở giáo dục mở rộng các dịch vụ về đào tạo, khoa học công nghệ, sử dụng cơ sở vật chất liên doanh, liên kết tạo nguồn thu.