Chiều 28/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã trực tiếp dự đối thoại với người dân xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang), sống gần khu vực hai nhà máy thép Dana ý và Dana Úc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hai cơ sở này gây ra.
Người dân bức xúc vì chính quyền thành phố chậm giải quyết vấn đề ô nhiễm do hai nhà máy thép gây ra. Ảnh: AN |
Từ chiều sớm, rất đông người dân đã đến tham dự buổi đối thoại với mong muốn được trình bày những bức xúc, lo lắng về thực tế ô nhiễm để lãnh đạo thành phố giải quyết rốt ráo.
Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, trãi qua hàng chục cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa các bên nhưng vẫn không được giải quyết.
Ông Phan Nhạn, người dân thôn Vân Dương 1 (Hòa Liên) bức xúc cho rằng, nhà máy thép hoạt động nhiều năm nay, người dân nhiều lần kêu gọi đóng cửa lò nấu vì ô nhiễm nhưng không được.
Còn nếu giải tỏa dân thì chuyển đi nơi khác chứ không nên đưa lên khu tái định cư Hòa Liên 6 (cũng gần đó) vì khói bụi ở hai nhà máy này vẫn ảnh hưởng tới đó.
“Một là dân đi, hoặc nhà máy phải di dời đi nơi khác" |
“Giờ không nói nhiều nữa, tôi đề nghị hai giải pháp, một là đóng cửa nhà máy, hai là di dời người dân ra xa khu vực nhà máy. Thành phố phải chọn một trong hai phương án ấy”, ông Nhạn bức xúc nói.
Còn ông Phạm Mai ở thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) thì yêu cầu lãnh đạo thành phố không hứa hẹn gì nữa, cũng không đổ lỗi cho ai nữa.
Đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân thì cũng phải có mốc thời gian cụ thể, một hoặc vài năm, chúng tôi chấp nhận hy sinh cho đời con cháu sau này – ông Mai nói.
Cũng như ông Mai, ông Nhạn, nhiều người dân khác cũng bày tỏ bức xúc vì điểm nóng ô nhiễm môi trường kéo dài. Trong làng đã có nhiều người dân chết vì ung thư, bệnh tật… do khí thải độc hại, tiếng ồn.
Càng về sau, buổi đối thoại càng trở nên gay gắt bởi nhiều ý kiến của người dân vốn bức xúc nhiều năm nay.
Ông Huỳnh Văn Tân – Tổng giám đốc Nhà máy thép Dana Ý cũng thừa nhận đã nhiều lần làm việc về chuyện di dân và về lâu dài cũng phải di dời nhà máy. Những bức xúc của người dân là đúng.
Nhưng ông Tân cho rằng, muốn di dời nhà máy thì cần phải có lộ trình, không thể yêu cầu nhà máy dừng hoạt động ngay. Nếu doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất thì tiền đâu để phục vụ giải tỏa đền bù.
Tuy nhiên, ý kiến này của ông Tân đã vấp phải sự phản đối của người dân bên dưới.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, ngay khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại hai nhà máy thép thì thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra thực tế, đối thoại với người dân nhiều lần.
Lúc đó, đã thống nhất phương án di dời người dân trước, di dời nhà máy sau. Còn lãnh đạo thành phố hiện nay rất lúng túng vì hai phương án di dời nhà máy và di dời dân đều không phải là phương án tối ưu.
Đà Nẵng di dời, khám sức khỏe toàn bộ dân gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm |
Vấn đề là phải chọn một phương án hợp lý nhất cho người dân, chính quyền và doanh nghiệp.
Di dời hai nhà máy nhưng khi rà soát thì thấy trên địa bàn thành phố không có vị trí nào dời nhà máy đến được.
Trước đây, sở Xây dựng và sở Tài nguyên và Môi trường có đề xuất phương án về khu công nghiệp Hoà Nhơn tuy nhiên xem xét vẫn không được.
Còn lại phương án di dời dân và di dời nhà máy chậm hơn một chút, cả hai phương án đều đối mặt với khó khăn vì nguồn kinh phí rất lớn.
Ông Minh cho biết thêm, đã ghi nhận ý kiến của người dân và sẽ có báo cáo kết quả trong thời gian tới.
Không đồng tình với cách xử lý của đại diện nhà máy và lãnh đạo thành phố, nhiều người dân đã bỏ cuộc đối thoại ra về sớm.
Qua điểm của người dân ở đây là phải đóng cửa nhà máy cho đến khi nào người dân di dời đến khu tái định cư mới thì nhà máy mới được phép hoạt động trở lại.