16 năm chờ đợi...
Dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (Q.Hai Bà Trưng) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2000.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 600m, rộng 17m (7m lòng đường, 5m vỉa hè mỗi bên), nối từ nút giao Nguyễn Đình Chiểu và Tô Hiến Thành ra đường Đại Cồ Việt. Dự án do Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất 9.018m2.
Thông báo số 32 cuả UBND phường Lê Đại Hành về việc niêm yết ông khai phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân (ảNH MC) |
Tổng mức đầu tư dự án trên gần 275 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 20,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 220 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2012 - 2014, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu sự cố tai nạn, cải tạo cảnh quan đô thị và tạo dựng tuyến phố văn minh hiện đại và đồng bộ với khu vực Công viên Thống Nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau 16 năm được phê duyệt và qua 3 lần điều chỉnh, đến nay dự án này vẫn dậm chân tại chỗ.
Với phương án được duyệt, dự án đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài sẽ có 67 hộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng, trong đó hơn 30 hộ phải thực hiện tái định cư, số còn lại chỉ bị cắt xén qua hàng rào hoặc tường bao.
Về việc hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ bị ảnh hương căn chiếu theo Quyết định số 6160/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký về việc phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án "Đầu tư xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến đường Đại Cồ Việt)", quận Hai Bà Trưng.
Đối với phố Nguyễn Đình Chiểu được bồi thường, hỗ trợ theo 3 mức, từ 45,05 triệu đồng đến 107,47 triệu đồng/m2; đường Đại Cồ Việt được bồi thường, hỗ trợ theo 2 mức từ 41 triệu đồng đến 100,62 triệu đồng/m2; phố Vân Hồ 2 được bồi thường, hỗ trợ theo 4 mức từ 34,02 triệu đồng đến 76,76 triệu đồng/m2; phố Vân Hồ 2 có mức bồi thường, hỗ trợ 1 mức là 34,02 triệu đồng/m2.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng chịu trách nhiệm về vị trí, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án theo đúng quy định.
Đền bù theo kiểu... tùy hứng!
Gần đây, nhiều hộ dân có đất thuộc dự án có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng về việc áp giá đền bù đất không đúng quy định pháp luật.
Theo phương án đã được công bố đến các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ cho dự án xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến phố Đại Cổ Việt, mặc dù trong hồ sơ niêm yết của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BT,GPMB) quận Hai Bà Trưng đều xác định nguồn gốc đất của các hộ dân bị thu hồi đều là đất ở, được sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993 đến nay.
Tuy nhiên, khi xây dựng phương án áp giá đến bù thì UBND, Ban BT,GPMB quận Hai Bà Trưng lại áp dụng chi trả mỗi hộ một kiểu.
Cụ thể: Hộ ông Lương Văn Kim và bà Trần Thị Ngọ bị thu hồi là 22,3m2; bà Chu Thị Nga bị thu Hồi 16,63m2; ông Đặng Quang Luân bị thu hồi 22,08m2; bà Hà Mai Hương bị thu hồi 22,21m2; bà Hoàng Thị Nguyệt bị thu hồi 18,21m2; ông Nguyễn Tuấn Hưng bị thu hồi 18,71m2; ông Phạm Hữu Thao bị thu hồi 15,5m2; bà Hoàng Ngọc Xuân bị thu hồi 18,49m2; ông Phạm Thế Đạt bị thu hồi 18,39m2; ông Chu Đặng Nhân bị thu hồi 12,13m2.
Tùy từng trường hợp nêu trên các hộ trên chỉ được chi trả đền bù từ 40-60% diện tích đất bị thu hồi, thập chí có một số hộ còn không được bồi thường như hộ bà Chu Thị Nga, hộ ông Chu Đặng Nhân...
Điều đáng nói, hầu hết các hộ dân bị thu hồi trên đều là những hộ rất khó khăn về cuộc sống và chỗ ở. Khoảng 16 năm trời ròng rã, toàn bộ các hộ dân thuộc vùng quy hoạch nên việc xây dựng, sửa sang nhà cửa gặp vô vàn khó khăn.
Gia đình bà Trần Thị Ngọ, thường trú tại số 18, phố Thanh Yên, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổng diện tích đất bị thu hồi là 22,3m2 tại địa chỉ số 14C, Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.
Trong đó đất ở của gia đình bà Ngọ là 16, 27m2, đất được xác định là đất giao thông 6,03m2. Về nguồn gốc đất đã được HTX Đồng Tâm làm nhà cấp 4 để sử dụng nhà xưởng sản xuất từ năm 1986.
Ngày 29/04/1991, HTX Đồng Tâm chuyển nhượng diện tích đất và nhà trên cho ông Nguyễn Tuấn Hưng, ông Hưng sử dụng đến năm 2003 thì chuyển nhượng cho bà Ngọ sử dụng đến nay ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện.
Trong dự thảo phương án bồi thường xác định, diện tích đất của gia đình bà Ngọ được ghi nhận đã sử dụng ổn định vào mục đích đất ở từ trước ngày 15/10/1993.
Tuy nhiên, trong phương án bồi thường về đất, UBND quận Hai Bà Trưng xác định, bà Ngọ chỉ được bồi thường 16,27m2 bằng đơn giá 76.760.000 đồng/m2, số diện tích còn lại là 6,03m2 thì không được bồi thường vì xác định là đất giao thông.
Theo ông Trần Trường Khánh (con rể bà Ngọ) thì việc lập phương án bồi thường về đất của UBND quận Hai Bà Trưng là không đúng với quy định của pháp luật.
“Ngoài phần bồi thường thiếu diện tích đất, về đơn giá bồi thường áp dụng cho dự án trên là 76.760.000 đồng/m2 là chưa phù hợp, trên thực tế giá đất trên thị trường có giá từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng/m2. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất”, ông Khánh cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:
Căn cứ vào Điều 50, Luật Đất đai năm 2003; Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 thì diện tích đất của các hộ dân trên đều là đất ở, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ vào Điều 74, Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
"Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75, của Luật này thì được bồi thường.
Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.
Do vậy, việc UBND quận Hai Bà Trưng không áp dụng việc bồi thường khi thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.
Đơ thư của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án gửi đến cơ quan chức năng (Ảnh MC) |
Danh sách những hộ dân và dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Ảnh MC) |
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành.
Bà Huyền cho biết, UBND phường cũng đã phối hợp với chủ đầu tư và Ban BT, GPMB cùng các hộ dân đến làm việc và sẽ có báo cáo, kiến nghị một số vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Chúng tôi cùng chủ đầu tư, Ban BT, GPMB cũng đã làm việc, ghi nhận ý kiến của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Sau đó, UBND phường sẽ báo cáo và có những kiến nghị lên UBND quận Hai Bà Trưng và UBND TP. Hà Nội để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân”, bà Tạ Thị Thanh Huyền cho biết.
Trao đổi với phóng viên về việc xác định nguồn gốc đất, ông Nguyễn Phú Đông, cán bộ địa chính phường Lê Đại Hành cho biết: “Cơ sở để xác định nguồn gốc đất sử dụng là căn cứ theo bản đồ địa chính năm 1996 do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cung cấp.
Sau khi chúng tôi đo hiện trạng sử dụng, và căn cứ vào bản đồ địa chính năm 1996, về phần nào dư ra là so với bản đồ năm 1996 thì đó là phần diện tích tự sử dụng trên phần đất có nguồn gốc là đất giao thông, và việc định giá bồi thường thì là do bên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Trước vấn đề trên, khi phóng viên yêu cầu phía UBND phường Lê Đại Hành cung cấp các hồ sơ liên quan thì lãnh đạo phường hẹn lần sau sẽ cung cấp đầy đủ hơn.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.