Trong công văn của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh do Viện trưởng Phạm Văn Gòn ký không chỉ thừa nhận 02 lần “họp án, thống nhất án” giữa 03 ngành Tòa – Viện – Công an mà còn có nhiều nội dung báo cáo không đúng sự thật về bản chất và các tình tiết quan trọng của vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết.
Công văn của ông Phạm Văn Gòn ký ghi rõ: … Từ ngày 01/2/2010 đến ngày 28/3/2012, Tuyết đã làm nhiều lệnh chuyển tiền có chữ ký và dấu chữ ký của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Công ty L&M Việt Nam, yêu cầu 51 lần chuyển tiền 12,747 tỷ đồng từ 02 tài khoản của công ty vào tài khoản số 086.10.00082.002 của Công ty Đại Hồng Tùng mở tại Ngân hàng An Bình – Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi do Tuyết làm chủ tài khoản…”.
Đây là nội dung bóp méo sự thật, mập mờ đánh lận theo kiểu "gắp lửa bỏ tay người" để lừa dối các cơ quan cấp trên bởi trên thực tế Nguyễn Thị Bạch Tuyết không một mình làm các lệnh chuyển tiền này. Điều này đã được chính ông Yee Lip Chee và Kế toán khác của Công ty L&M Việt Nam thừa nhận trong các bản cung tại cơ quan điều tra và ngay tại phiên tòa công khai ngày 29/5/2015.
Các đối tượng này khai là các lệnh chuyển tiền trong thời gian này của Công ty L&M Việt Nam do nhiều người cùng làm, khi thì người này, khi thì người khác trong công ty làm theo chỉ đạo của Tổng giám đốc chứ không chỉ riêng bà Tuyết làm.
Các ngân hàng đối tác tiếp nhận các lệnh chuyển tiền này cũng có văn bản xác nhận là nhận được tài liệu này từ nhiều nguồn, nhiều người khác nhau chuyển đến.
Và đây là hoạt động kế toán bình thường của Công ty L&M Việt Nam. Các lệnh chuyển tiền này đều phải do giám đốc công ty - chủ tài khoản ký, đóng dấu và đồng ý mới chuyển ra ngân hàng đề nghị thanh toán.
Ngân hàng căn cứ Hợp đồng cam kết đã ký với Công ty L&M Việt Nam và khi cần thiết thì xác minh ngược lại với Giám đốc Công ty (bằng điện thoại) mới cho chuyển số tiền này đi. Hàng tháng Công ty đều có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán hàng quý…
Ông Phạm Văn Gòn hiện đang là Đại biểu Quốc hội. Ảnh TTXVN |
Một đoạn khác, Công văn do ông Phạm Văn Gòn ký ghi: “… Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đã họp bàn và thống nhất do việc điều tra bổ sung không thay đổi bản chất vụ án và hành vi chiếm đoạt tài sản của Tuyết nên lập luận buộc bị can đã chiếm đoạt 12,747 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam vì số tiền này bị cáo đã rút hết, việc bị cáo sử dụng như thế nào không có ý nghĩa định tội, ông Yee có ký nhiều lệnh chuyển tiền nhưng ông không bàn bạc với Tuyết và không có chứng cứ chứng minh ông Yee nhận tiền do Tuyết đưa, nên không có cơ sở xử lý ông Yee Lip Chee…”.
Đây cũng là nội dung báo cáo trái sự thật, hết sức trắng trợn của cơ quan kiểm sát lên cấp trên. Nội dung này trái hoàn toàn với các tài liệu, chứng cứ và quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa sơ thẩm và đã được ghi vào biên bản phiên tòa, có hàng chục nhà báo tham dự.
Nội dung này, bà Tuyết đã chứng minh làm theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Yee Lip Chee tại Bản cam kết 05/01/2010 (ảnh) với các điều khoản rõ ràng, mạch lạc quy định quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ngoài việc "chính chủ" thừa nhận thì văn bản này cũng đã được 2 cấp giám định của ngành công an kết luận là do Yee Lip Chee ký, dấu của Công ty L&M Việt Nam đã thể hiện rõ bản chất vụ việc, thể hiện rõ việc Yee Lip Chee chỉ đạo, cầm đầu và được hưởng lợi từ việc rút hơn 12 tỷ đồng. |
Như vậy, rõ ràng có đầy đủ bằng chứng để khẳng định Yee Lip Chee, Wong Kong Hee chỉ đạo rút tiền từ Công ty để phục vụ vào mục đích kinh doanh khác của Công ty L&M Việt Nam, giữa bà Tuyết và Yee Lip Chee đều có thỏa thuận, cam kết quyền và nghĩa vụ của các bên, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết là nhân viên nên thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của lãnh đạo Công ty, việc làm này của bà Tuyết là đúng pháp luật.
Chính Yee Lip Chee đã thừa nhận rằng văn bản cam kết này (văn bản ngày 05/1/2010) là do mình ký trước câu hỏi của bà Hà Thị Bích Thu, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và luật sư, Thẩm phán. Nội dung này đã được ghi vào biên bản phiên tòa.
Yee Lip Chee chỉ cố tạo vẻ mặt "ngơ ngác" tảng lờ hết sức vô trách nhiệm khi cho biết "không hiểu vì sao tôi ký". Câu trả lời "ngô nghê" của ông giám đốc người nước ngoài nói sõi tiếng Việt và có tới 2800 ngày lưu trú thực tế tại Việt Nam và từng có hàng chục năm làm giám đốc thuê cho nhiều công ty quôc tế này khiến khán phòng phiên tòa cười ồ.
Văn bản thỏa thuận ghi rõ mỗi lần nhận tiền từ tài khoản Công ty L&M Việt Nam chuyển sang tài khoản Công ty Đại Hồng Tùng do bà Tuyết làm giám đốc thì bà Tuyết phải lập tức rút và chuyển lại cho ông này ngay và được nhận 3% trên tổng số tiền Công ty L&M Việt Nam đã chuyển.
Điều 4 của văn bản này cũng quy định rõ đây là biên nhận "mẹ" và mỗi lần bà Tuyết nhận tiền chỉ cần chuyển lại tiền đầy đủ cho Yee Lip Chee và không cần có thêm một biên nhận nào khác.
Bà Tuyết hay ai là một nhân viên làm thuê không trải qua (hay thậm chí trải qua) bất cứ trường lớp nào về pháp luật trong trường hợp này cũng chỉ biết làm theo sự phân công, chỉ đạo của ông chủ đã được xác nhận bằng văn bản mà thôi.
Điều này cũng phù hợp với số lần nhận tiền qua lại giữa các bên (51 lần) kéo dài liên tục trong 26 tháng từ ngày 02/1/2010 đến ngày 28/3/2012. Toàn bộ thời gian này số tiền chuyển cho nhau diễn ra đều đặn, trôi chảy khi thì 240 triệu, khi thì hơn 400 triệu mà không có bất cứ "hục hoặc" nào giữa 2 bên.
Người ngây thơ nhất cũng trả lời được câu hỏi là nếu một lần nào đó bà Tuyết "bùng" không trả tiền cho ông chủ liệu ông ta có tiếp tục chuyển sang tài khoản bà Tuyết lần sau không?
Vậy thì hà cớ gì mà ông Phạm Văn Gòn lại báo cáo lên cấp trên là "Yee Lip Chee không bàn bạc với Tuyết", "không có chứng cứ chứng minh ông Yee Lip Chee nhận tiền của Tuyết...".
Tại sao ông Phạm Văn Gòn và thuộc cấp không áp dụng một nguyên tắc được Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam quy định bắt buộc là: Nguyên tắc suy đoán vô tội!
Và tại sao ông Phạm Văn Gòn và thuộc cấp của mình không đặt ra câu hỏi mà bất cứ ai cũng đặt: Nếu không bàn bạc, thỏa thuận thì ông Yee Lip Chee ký văn bản cam kết với 5 nội dung quy định rõ ràng, rành mạch đến từng điều khoản làm gì?
Ông Phạm Văn Gòn và thuộc cấp dựa vào điều khoản nào trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam để ngang nhiên bác chứng cứ pháp lý hết sức rõ ràng này? Ông thử nói xem?
Trong một số diễn biến khác, thực tế tại phiên tòa ngày 29/5/2015 cũng cho thấy “không có con dấu nào được làm giả, không có chữ ký nào được làm giả” và không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh bị can Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã có “hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản” như các tài liệu mà cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã nêu ra để buộc tội bà Tuyết.
Ngược lại, trong quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/5/2015 đã khẳng định chắc chắn rằng Yee Lip Chee trực tiếp ký vào 25 lệnh chuyển tiền và 01 Bản cam kết ngày 05/1/2010, Wong Kong Hee trực tiếp ký 3 lệnh chuyển tiền.
Các phiếu chuyển tiền còn lại (26 phiếu) do nhiều lý do như tài liệu đưa đi giám định là tài liệu photo; tài liệu mờ nhòe ... không giám định được. Một số tài liệu được Cơ quan giám định kết luận "không cùng một người ký"; "hình dấu chữ ký".... Không có tài liệu nào trong số 51 tài liệu Cơ quan điều tra gửi đi giám định được cơ quan giám định kết luận là "tài liệu được làm giả"!
Cũng không có tài liệu nào trong vụ án được Công an, Viện kiểm sát chứng minh "dấu chữ ký" là có thật trong vụ án, không có biên bản nào thu giữ "dấu chữ ký" cũng như "dấu chữ ký" này do ai làm? làm ở đâu với mục đích và bằng thủ đoạn gì? .....
Vậy tại sao cơ quan tố tụng lại đặt ra là có "dấu chữ ký" trong vụ án và "ấn" vào đầu bà Tuyết để bắt bà phải chịu trách nhiệm?
Những vấn đề mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã - đang và sẽ đề cập trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết không nhằm mục đích gây khó khăn cho cơ quan tố tụng mà ngược lại đang giúp các cơ quan tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có cái nhìn khách quan - công tâm hơn về vụ án, giúp dư luận hiểu rõ về bản chất vụ án và ngăn chặn những khiếu nại, khiếu kiện, kêu oan và những thiệt hại cho ngân sách nhà nước được thu từ tiền thuế của nhân dân trong tương lai.
Điều đó là không thừa khi hiện nay, dư luận cả nước đang sục sôi bức xúc đến phẫn nộ vì những vụ án oan như Nguyễn Thanh Chấn, Lương Ngọc Phi, Huỳnh Văn Nén... Cái giá để được cơ quan có thẩm quyền minh oan là cả cuộc đời họ, danh dự, nhân phẩm, tương lai không chỉ của những người tù oan mà còn là cả gia đình, dòng họ và cả xã hội khi tiền thuế của nhân dân đóng góp lại được lấy ra để chi phí và đền bù cho việc làm oan của cán bộ.
Thiết nghĩ, các cơ quan tố tụng mà đặc biệt là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần mạnh dạn thừa nhận chứng cứ, bản chất vụ án, không nên tiếp tục "cố chấp, suy diễn" để xảy ra những vụ việc hối tiếc - không có cơ hội sửa sai...
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.