Lãnh đạo Phòng giáo dục Hai Bà Trưng từ chối trả lời phóng viên là sai luật

15/09/2016 08:17
Hà Minh
(GDVN) - Luật Báo chí có quy định rõ quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp Thẻ nhà báo nhưng lãnh đạo ngành giáo dục Hai Bà Trưng lại không biết.

Chưa có thẻ nhà báo, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp

Hiện nay, phóng viên chưa có Thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) đang được pháp luật bảo hộ về quyền tác nghiệp.

Cụ thể, tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có Thẻ nhà báo.

Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.
Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.

Tại điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ghi rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”.

Tiếp tục trong Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 cũng quy định chi tiết về quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp Thẻ nhà báo.

Cụ thể, tại khoản 12, điều 9 Luật Báo chí mới quy định: Nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Như vậy, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí mới có hiệu lực tiếp tục quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. 

Các hành vi cản trở trái pháp luật quyền tác nghiệp của phóng viên đều vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm.

Không hiểu luật còn cố tình hạch sách, coi thường dư luận

Mặc dù pháp luật quy định rõ quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa có Thẻ nhà báo, nhưng không biết do thiếu kiến thức pháp luật hay cố ý mà lãnh đạo ngành giáo dục quận Hai Bà Trưng đã thẳng thừng từ chối tiếp phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, yêu cầu phải có Thẻ nhà báo.

Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cũng từ chối tiếp phóng viên vì chưa có Thẻ nhà báo. Ảnh internet
Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cũng từ chối tiếp phóng viên vì chưa có Thẻ nhà báo. Ảnh internet

Cụ thể, hôm 8/9, phóng viên có mặt tại Trường tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để liên hệ và gửi nội dung làm việc với lãnh đạo nhà trường về vụ việc theo kiến nghị của phụ huynh:

"Năm học 2014 - 2015, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để mua điều hòa, rèm và các thiết bị cần thiết như mắc áo, trang trí phòng học, đèn chiếu sáng… nhưng nay lại thông báo chuyển hàng trăm học sinh của khối lớp 4 sang trường trung học cơ sở (THCS) Đoàn Kết để học nhờ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, do việc tuyển dụng thừa chỉ tiêu, tuyển học sinh trái tuyến lên tới hàng trăm em dẫn tới việc trường tiểu học Tây Sơn phải mượn cơ sở vật chất của trường khác để cho học sinh học tập".

Ngày 9/9, bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường thông báo lịch hẹn làm việc với phóng viên vào lúc 3 giờ 30 phút chiều ngày 10/9.

Đến hẹn, phóng viên có mặt tại Trường tiểu học Tây Sơn để làm việc, nhưng bà Hoa bất ngờ hủy hẹn với lý do... bận họp.

Chiều cùng ngày, bà Hoa tiếp tục báo lại lịch làm việc cho phóng viên và hẹn làm việc vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 12/9.

Đúng theo lịch hẹn của bà hiệu trưởng, ngày 12/9, phóng viên có mặt tại trường tiểu học Tây Sơn.

Tại đây, sau khi bị "giam lỏng" khoảng 20 phút tại phòng bảo vệ nhà trường, phóng viên tiếp tục nhận được thông tin bất ngờ từ vị Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn.

Bà Hoa thông báo với phóng viên qua điện thoại và hủy hẹn, sau khi được bảo vệ nhà trường thông tin rằng, phóng viên chưa có thẻ nhà báo.

"Quy định của ngành chị cũng như ngành của em, thì làm việc với phóng viên phải có thẻ nhà báo. Có thẻ nhà báo mới được tác nghiệp. Em thông cảm!

Mấy hôm trước chị đi họp chị không kiểm tra được giấy tờ, chỉ tiếp cận được bản phô - tô của bọn em để lại.

Giấy giới thiệu của bọn em hợp lệ, nhưng bọn em chưa có thẻ nhà báo nên không đủ tư cách tác nghiệp", bà Hoa nói và từ chối làm việc với phóng viên khi chúng tôi đã 3 lần đến trường, xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan và nội dung làm việc.

Trước sự "bất tín" của bà Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp báo cáo sự việc với lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng.

Tuy nhiên, tại đây, chúng tôi cũng bị từ chối làm việc với lý do tương tự.

"Theo luật báo chí mới, các em phải có thẻ nhà báo mới đầy đủ thủ tục làm việc. Nếu đủ thủ tục (có thêm thẻ nhà báo-PV) thì tôi sẽ làm việc", bà Nguyễn Thu Hiền, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng "đọc" luật trước mặt phóng viên.

Lãnh đạo Phòng giáo dục Hai Bà Trưng từ chối trả lời phóng viên là sai luật ảnh 3

Hiệu trưởng trường Tây Sơn đang cố tình che giấu điều gì?

Khi phóng viên đề nghị bà Hiền cung cấp văn bản luật quy định việc phóng viên "phải có thẻ nhà báo" mới được làm việc theo cách nói của bà Hiền, thì vị Phó phòng giáo dục đôi co:

"Em cứ mở google.com.vn ra mà đọc. Tôi không lưu những giấy tờ, bằng chứng đó".

Cần phải nói thêm rằng, việc phóng viên có lịch làm việc với bà Hiền hoàn toàn tuân thủ theo sự sắp xếp, chỉ đạo trước đó của Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng.

Tuy nhiên, sau một hồi sát hạch, gây khó dễ cho phóng viên, bà Hiền quyết định không tiếp chuyện với lý do bận họp vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày.

Là người lãnh đạo ngành giáo dục quận Hai Bà Trưng, đáng lẽ bà Nguyễn Thu Hiền phải hiểu biết pháp luật hơn người khác, nếu không hiểu biết thì phải tìm đọc hoặc đi hỏi, nhưng đằng này, bà Hiền lại ngoan cố, có thái độ coi thường, cản trở quyền tác nghiệp của báo chí.

Sau khi bài báo “Hiệu trưởng trường Tây Sơn đang cố tình che giấu điều gì?”, nhiều bạn đọc đã nhắn tin, gọi điện về Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự bức xúc gay gắt và đề nghị cần xem xét trách nhiệm của bà Nguyễn Thu Hiền, Phó phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng và bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hà Minh