Luật sư Thụy Uyên: Trần Ngọc Bích không bao giờ là đồng phạm với Phạm Công Danh

24/08/2016 15:14
Hải Minh
(GDVN) - Một điều cực kỳ vô lý đó là tại sao Bích lại phải đồng phạm với Phạm Công Danh, không lẽ Bích đồng phạm với Danh để lấy tiền của chính mình?

Nhầm lẫn khái niệm "dòng tiền"

Luật sư Uyên khẳng định, không có quy định pháp luật nào về khái niệm “dòng tiền”, hiểu theo nghĩa đơn giản, dòng tiền là sự dịch chuyển của đồng tiền từ chủ thể này qua chủ thể khác.

Theo cách hiểu này, nếu là đồng tiền vật chất (tiền mặt), thì sự dịch chuyển này mang tính cơ học, nhận biết bằng các giác quan (mắt nhìn thấy, tay nắm được).

Nếu là các khách hàng chuyển tiền, thanh toán tiền cho nhau qua hệ thống ngân hàng, rõ nhất là các khách hàng trong cùng một ngân hàng thì không hề có đồng tiền vật chất nào chạy từ tài khoản này sang tài khoản khác. Các khách hàng không thể tự chuyển tiền cho nhau, mà chuyển qua ngân hàng, với vai trò là trung gian thanh toán. 

Tất cả thu, chi trên tài khoản của người nhận, người trả tiền đều là do Ngân hàng tự hạch toán, ghi nhận. Theo quy định tại quyết định 1284, quyết định 1092, quyết định 226 của Ngân hàng Nhà nước đã nêu trên, khi khách hàng muốn chuyển tiền thì phải lập lệnh chi gửi Ngân hàng.

Ngân hàng là trung gian thanh toán, kiểm tra tính hợp pháp của lệnh chi và số dư của người trả tiền, nếu đủ điều kiện thì thực hiện lệnh chi bằng cách ghi chi (ghi nợ) trên tài khoản người trả tiền, ghi thu (ghi có) trên tài khoản người nhận tiền. Như vậy, dòng tiền trong hệ thống thanh toán qua ngân hàng chỉ được tạo ra nếu có chứng từ hợp pháp. Nếu không có chứng từ thì không có dòng tiền mà đây chỉ là sự ghi nhận trái pháp luật của ngân hàng. Nếu đã làm sai, thì cố ý hay vô ý ngân hàng có thể ghi nhận thu hoặc chi tiền trên tài khoản của bất cứ khách hàng nào”, luật sư phân tích.

Căn cứ nguyên tắc kế toán, việc hạch toán là quá trình ghi nhận các giao dịch, Giao Dịch Hợp Pháp thể hiện bằng Chứng Từ Hợp Pháp, trên cơ sở đó, ngân hàng Ghi Nhận/Hạch Toán phù hợp.

Việc Ghi Nhận/Hạch Toán sai không tạo ra dòng tiền. Dòng tiền là sự luân chuyển thực tế, phù hợp. Ghi Nhận/Hạch Toán sai chỉ tạo ra sự giả tạo mà người ta lầm tưởng đó là dòng tiền.

Luật sư Uyên nhận định: “Đã có rất nhiều sơ đồ dòng tiền được vẽ ra trong vụ án này, theo đó mô tả “dòng tiền” 5.190 tỷ đồng chạy từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh.

Trong khi, Trần Ngọc Bích không lập lệnh chi gửi VNCB, VNCB đã tự ý ghi thu (ghi có) trong tài khoản của Phạm Công Danh và ghi chi (ghi nợ) trong tài khoản của Trần Ngọc Bích. Hành động hạch toán trái pháp luật này không tạo ra dòng tiền, vì không có chứng từ. Việc ghi chi tại tài khoản của Trần Ngọc Bích chỉ là hành vi hợp thức hóa, cân đối với việc ghi thu trên tài khoản của Phạm Công Danh.

Khi tài khoản của Phạm Công Danh được ghi thu (ghi có), Phạm Công Danh đã lập lệnh chi hợp pháp gửi VNCB để chuyển tiền đến tài khoản của ông Trần Quí Thanh. Với lệnh chi hợp pháp cùng với việc tài khoản của Phạm Công Danh có đủ số dư, VNCB đã thực hiện chuyển tiền đến tài khoản của ông Trần Quí Thanh là hợp pháp”.

Ai chịu trách nhiệm về thiệt hại 5.490 tỷ đồng?

Luật sư Uyên phân tích, việc tự ý ghi nhận thu (ghi có) 5.190 tỷ đồng vào tài khoản Phạm Công Danh là việc làm trái pháp luật của VNCB. Các bị cáo có liên quan đã bị truy tố về tội “cố ý làm trái” gây thiệt hại nghiêm trọng, các bị cáo là người điều hành, là người có quyền và nghĩa vụ tại VNCB, hành vi của các bị cáo là hành vi của VNCB, VNCB phải chịu thiệt hại này. Kết luận của Viện kiểm sát là khách quan, đúng pháp luật.

Kết luận của Viện kiểm sát phù hợp với khoản 8, điều 12 quy chế 1284 của Ngân hàng Nhà nước quy định Ngân hàng “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng” do lỗi của Ngân hàng.

Về khoản tiền 300 tỷ VNCB cho vay không có hồ sơ vay, trái pháp luật, các bị cáo đã bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về cho vay” gây thiệt hại nghiêm trọng.

Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (Đoàn Luật sư TPHCM).
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (Đoàn Luật sư TPHCM).

VNCB tự cho vay, đương nhiên VNCB phải chịu trách nhiệm về thiệt hại này. Kết luận của Viện kiểm sát là khách quan, đúng pháp luật.

Luật sư cũng nêu, không thể thu hồi số tiền 5.190 tỷ Phạm Công Danh đã chuyển cho ông Trần Quí Thanh.

Bởi vì, theo Quyết định 1092 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sơ đồ thanh toán đã phân tích trên, việc chuyển tiền của Phạm Công Danh cho ông Trần Quí Thanh là hợp pháp.

Ông Trần Quí Thanh không có nghĩa vụ và không thể biết tiền chuyển cho mình có nguồn gốc ở đâu. Đối với ông Trần Quí Thanh, đây là giao dịch ngay tình, cần được pháp luật bảo vệ.

Sau khi nhận được tiền trên tài khoản hợp pháp, ông Trần Quí Thanh lại chuyển tiền hợp pháp cho nhiều cá nhân khác để thanh lý các hợp đồng tín dụng khác một cách hợp pháp, đây cũng là các giao dịch ngay tình.

Nếu đặt vấn đề thu hồi 5.190 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh thì sẽ không thể khôi phục được một loạt các giao dịch liên quan khác mà quyền và nghĩa vụ đã được các bên giải quyết xong.

Điều 138, khoản 1 Bộ Luật Dân sự quy định “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình, thì giao dịch với người thứa ba vẫn có hiệu lực”.

Số tiền 5.190 tỷ đồng được chuyển từ tài khoản Phạm Công Danh sang tài khoản của Trần Quí Thanh không phải là vật chứng vụ án. Vật chứng là những gì có thật có giá trị chứng minh tội phạm, các chứng từ chuyển khoản có thể là vật chứng, tiền chuyển khoản không phải là vật chứng.

Hơn nữa, quyền sở hữu của Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh là độc lập. Ngay cả khi HĐXX quyết định thu hồi 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Quí Thanh để trả lại cho tài khoản của Phạm Công Danh thì cũng không thể cấn trừ số tiền này với nghĩa vụ hoàn trả 5.190 tỷ đồng của VNCB vào tài khoản của Trần Ngọc Bích.

Mặt khác, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên bác bỏ suy diễn của các bị cáo “đầu sỏ” là bà Bích là đồng phạm.

Có ý kiến cho rằng nếu Phạm Công Danh phạm tội thì Trần Ngọc Bích có dấu hiệu đồng phạm, căn cứ vào các nội dung đã phân tích trên, tôi khẳng định là quan điểm này không có căn cứ pháp lý và trái với thực tế khách quan. Đồng phạm là cùng chung ý chí, cùng chung hành động.

Trong khi đó, Trần Ngọc Bích không cùng ý chí với các hành động của Phạm Công Danh, không biết về các hành động của Phạm Công Danh, không cùng hành động, không cùng hạch toán sai, không cùng rút tiền không chứng từ, không cùng che dấu thông tin với các bị cáo.

Một điều cực kỳ vô lý đó là tại sao Bích lại phải đồng phạm với Phạm Công Danh, không lẽ Bích đồng phạm với Danh để lấy tiền của chính mình? Trần Ngọc Bích không bao giờ là đồng phạm của Phạm Công Danh”, luật sư Uyên khẳng định.

Hải Minh