Mang danh người chiến sỹ công an là danh dự, tự hào, vậy mà...

17/09/2016 07:43
Phúc Lai
(GDVN) - Đã mang danh người chiến sỹ công an, là danh dự và tự hào; khi khoác lên mình bộ quân phục thì ngoài tự hào thì còn có trách nhiệm cao cả với nó.

Vụ hai cán bộ công an thành phố Hạ Long bị cho là hành hung một cán bộ công an khác công tác tại Công an Tỉnh Quảng Ninh đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Tôi không dám đưa ra nhận xét gì về vụ việc, vì tất cả còn đang trong giai đoạn điều tra và chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhưng một vụ như thế này cũng gây ra nhiều suy nghĩ.

Cây xăng Cái Lân_ Nơi xảy ra vụ việc Thiếu tá Nguyễn Hùng Cường (Đội trưởng Đội tham mưu Phòng CSĐT Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng_Công an tỉnh Quảng Ninh) bị hành hung.
Cây xăng Cái Lân_ Nơi xảy ra vụ việc Thiếu tá Nguyễn Hùng Cường (Đội trưởng Đội tham mưu Phòng CSĐT Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng_Công an tỉnh Quảng Ninh) bị hành hung.

Đó là những suy nghĩ về nhận thức pháp luật của cán bộ chiến sỹ công an, yếu tố chủ yếu hình thành những hành động cử chỉ của họ và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của người chiến sỹ công an nói riêng và ngành công an nói chung.

Đây là một điều rất quan trọng trong thực trạng hình ảnh của người chiến sỹ công an trong mắt nhân dân bị xấu đi nhiều, cũng như thái độ không thân thiện, có thể nói là đối ngịch của nhân dân đối với công an lại tăng lên.

Tôi xin kể một vài ví dụ mà chính mình là người trong cuộc. Lần thứ nhất khi đi công tác từ tỉnh B., một tỉnh miền núi phía Bắc về, chuẩn bị ra khỏi địa giới của tỉnh thì xe nhận được tín hiệu dừng của cảnh sát giao thông.

Có một vụ tai nạn giao thông cách đó hơn 30km, và những người cấp cứu cho người bị nạn báo cho cơ quan công an là “thấy một xe màu trắng đi ngược chiều, trước khi xe của họ (những người phát hiện tai nạn) đi đến hiện trường.” Xe của chúng tôi là xe màu trắng duy nhất đến thời điểm đó lưu thông trên đường và được giữ lại để làm việc.

Bắt kịp chúng tôi là tổ cảnh sát điều tra của công an thị xã B. Có một lúc nào đó, khi nói chuyện riêng với nhau chúng tôi vẫn đùa, cười thì bị người tổ trưởng nạt nộ: “Người ta bị đâm sắp chết, các anh còn cười đùa được à?”

Tôi đành nghiêm giọng: “Chúng tôi đang hợp tác với các đồng chí để làm rõ, không có nghĩa là chúng tôi bắt buộc phải là người vi phạm. Đề nghị đồng chí có thái độ đúng mực, khi nào làm rõ được chúng tôi là những người ngồi trên xe gây tai nạn thì hẵng có thái độ như vậy.” Tất nhiên là người cán bộ trẻ rất lấy làm ngượng ngùng.

Mang danh người chiến sỹ công an là danh dự, tự hào, vậy mà...  ảnh 2

Cần làm rõ thông tin 2 Công an TP.Hạ Long hành hung 1 Công an tỉnh Quảng Ninh

(GDVN) - Thông tin 2 anh em ruột, đều đang là Công an TP. Hạ Long và là con trai của Phó Trưởng Công an TP Hạ Long hành hung 1 Công an tỉnh Quảng Ninh...

Lần đó, chúng tôi làm việc từ 3 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau, cả lấy mẫu phục vụ công tác giám định khoa học hình sự lẫn lấy lời khai của tất cả thành viên trong đoàn.

8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại có mặt ở Công an thị xã yêu cầu trả xe, trả giấy tờ thì một cán bộ cảnh sát giao thông, băn khoăn do chưa có kết quả giám định mà các “đương sự” chuẩn bị đi mất, muốn giữ hoặc phương tiện, hoặc giấy tờ…

Tôi cũng đang định góp ý, phân tích thì may có đồng chí Phó công an thị xã lên tiếng: “Người ta không vi phạm gì cả, đã cộng tác để các anh làm việc từ hôm qua đến giờ, nay phải để người ta đi. Anh có giỏi thì đề xuất tạm giữ đi xem có trả lời được đơn kiện của người ta về mặt dân sự không, và ai dám ký duyệt đề xuất của anh.”

Không phải ai cũng như đồng chí phó Công an thị xã – tôi đã phân tích cho cán bộ điều tra rõ, chúng tôi rất cộng tác để các đồng chí làm rõ càng nhanh, càng thuận lợi càng tốt; đó là trách nhiệm công dân của chúng tôi.

Xin nhắc lại, đó là sự cộng tác, không phải các đồng chí đang làm việc với đối tượng tội phạm hình sự.

Với cán bộ cảnh sát giao thông muốn giữ xe, cũng tương tự vậy, anh ta không phân biệt được thế nào là hành vi vi phạm pháp luật giao thông có thể bị giữ phương tiện, với vấn đề có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân về mặt dân sự.

Giữ phương tiện khi không chứng minh được vi phạm, cơ quan công an có thể bị khởi kiện cho những thiệt hại gây ra cho công dân về tiền bạc và thời gian.

Một lần khác, trên đoạn đường đèo cũng thuộc tỉnh này, tôi chứng kiến một đồng chí cảnh sát giao thông sau khi giữ được một chiếc xe máy, người điều khiển dân tộc Dao, không mũ bảo hiểm.

Người cán bộ công an không rõ lý do gì, dùng gậy chỉ đường quật mạnh làm vỡ đèn pha của chiếc xe máy, còn thanh niên dân tộc Dao thì sợ quá, cứ van lạy. Anh ta sợ sẽ bị bắt vào đồn công an, vì “tội” không có mũ bảo hiểm.

Thấy cảnh đó tôi kéo người cán bộ ra chỗ khác rồi ôn tồn nói: “Em làm như thế không được rồi. Như gặp người hiểu biết người ta kiện em thì phiền lắm.” Cậu cán bộ trẻ măng run run: “Vâng lúc đó em nóng, nhỡ tay, chứ đập xong cái em biết em sai rồi. Bọn em cũng quen là người dân trên này vi phạm nhiều, lần nào họ cũng sợ sệt thế, đâm ra nhiều khi cũng ẩu.”

Vụ thứ ba, là có lần tôi bị “dọa” khép vào tội “chống người thi hành công vụ.” Về lý thuyết thì đang tham gia giao thông, bị cảnh sát dừng phương tiện và thông báo về vi phạm giao thông, thì cán bộ chiến sỹ đó phải có trách nhiệm chứng minh lỗi của người vi phạm.

Tôi chỉ cần đề nghị cán bộ, chiến sỹ đó chứng minh giúp tôi lỗi của tôi vi phạm như thế nào, đâu là chứng cứ để chứng minh điều đó… thì lập tức cán bộ chiến sỹ đó có thể nổi nóng và xoay ra… dọa đương sự.

Hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an trong mọt buổi diễu binh của công an Hà Nội. Ảnh Minh họa từ zing.vn
Hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an trong mọt buổi diễu binh của công an Hà Nội. Ảnh Minh họa từ zing.vn 

“Tôi có thể yêu cầu xử lý anh về tội chống người thi hành công vụ.” “Đồng chí không nên dọa như thế. Để tôi phân tích cho đồng chí nghe: Tội chống người thi hành công vụ [1] được quy định cụ thể là “Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.”

Như vậy mặt khách quan của tội phạm phải là hành vi hoặc dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực tức là dùng lời nói: dọa bắn, đánh, chém… để đè bẹp ý chí phản kháng của nạn nhân, tức là đồng chí.

Tôi chỉ đề nghị đồng chí làm đúng pháp luật, tức là tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Đồng chí làm đúng pháp luật thì chỉ có nhận được sự cộng tác của tôi vô điều kiện, chứ không thiệt hại gì cả.

Còn việc đồng chí đe dọa tôi như vậy, trong khi cuộc làm việc đã được ghi âm đã thông báo trước cho đồng chí rồi, đồng chí hoàn toàn có thể được đối mặt với một đơn khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.” Người cán bộ công an đành phải xin lỗi “đương sự” vì hành vi đe dọa đó.

Có thể anh công an vẫn nắm được luật, nhưng anh ta nghĩ người dân không nắm được và dễ bị dọa.

Nếu không phải là một người hiểu luật, chắc chắn anh ta sẽ dọa được.

Tất nhiên, trong điều kiện kỹ thuật của chúng ta hiện nay còn quá nhiều hạn chế, nên cũng gây khó khăn lớn đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát giao thông.

Nếu có đủ phương tiện thì họ sẽ không quá khó khăn trong việc chứng minh lỗi vi phạm, vừa đỡ mất thời gian đôi co, lại thuận lợi trong công việc và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Mang danh người chiến sỹ công an là danh dự, tự hào, vậy mà...  ảnh 4

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận

(GDVN) - Các đối tượng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Từ ba ví dụ trên, chúng ta thấy nổi lên cùng một vấn đề là nhận thức pháp luật của cán bộ chiến sỹ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là “tư duy hình sự” dường như ăn sâu vào não trạng của họ.

Cứ gặp “đương sự,” là họ mang ngay trong đầu suy nghĩ đó là người vi phạm. Từ lĩnh vực trật tự, giao thông… và cách hành xử của chiến sỹ công an, chúng ta thấy nhiều người cư xử với người vi phạm giống cư xử với tội phạm hình sự hơn là với công dân.

Người dân có thể vi phạm luật giao thông hoặc những vấn đề khác liên quan đến an ninh trật tự, thậm chí hình sự nhưng họ vẫn có những quyền bất khả xâm phạm, như chừng nào chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án, họ vẫn còn quyền công dân; hoặc quyền sở hữu đối với tài sản cũng vậy.

Họ có thể bị tạm giữ phương tiện sau khi vi phạm luật giao thông đường bộ, nhưng chính phương tiện ấy là tài sản cần phải được bảo vệ bởi chính… cơ quan công an.

Cách nhìn đó mới là cách nhìn đúng đắn, nếu làm được như vậy, công việc của cơ quan công an chỉ có thể tốt hơn, không thể xấu đi được.

Quay lại với vụ các cán bộ công an tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng cho rằng một phần là dường như có một tâm lý, tư duy lâu nay của cán bộ chiến sỹ, quên rằng mình là cán bộ công an Cách mạng là phải phục vụ nhân dân.

Đã mang danh người chiến sỹ công an, là danh dự và tự hào; khi khoác lên mình bộ quân phục thì ngoài tự hào thì còn có trách nhiệm cao cả với nó.

Danh dự và trách nhiệm đó nằm trong việc phục vụ nhân dân, coi nhân dân là những người thực sự đáng “kính trọng” để lễ phép; quyền uy của người cán bộ chiến sỹ công an được đem lại không phải do sự đe nẹt hay sẵn sàng sử dụng bạo lực, hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhân dân mà được mang lại bởi tác phong đạo đức và thái độ thượng tôn pháp luật của người chiến sỹ công an.

Sự việc ở Quảng Ninh còn đang điều tra, nhưng thiển nghĩ việc còn có chiều may mắn là các bên đương sự toàn cùng trong ngành với nhau cả; nếu công an mà đánh dân thì mang tiếng và khó xử lý biết mấy.

Việc đã lên đến truyền thông, đòi hỏi cấp có thẩm quyền xử lý phải nghiêm minh, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó không nương nhẹ.

 [1] Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009.)

Bài viết là kinh nghiệm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Phúc Lai