Nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại Trường THCS Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam việc, những năm gần đây họ phải đóng nhiều khoản tiền vô lý, không có trong danh mục bắt buộc phải đóng góp theo quy định.
Nội dung đơn phản ánh, khoảng 3 năm gần đây, dù đã có giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng nhà trường vẫn thu của mỗi học sinh là 25.000 đồng/tháng (trước đây chưa có giáo viên biên chế, nhà trường vẫn thu 25.000 đồng/tháng/học sinh). Khi phụ huynh và giáo viên có ý kiến thì nhà trường nói là tiền “thuê máy tính”.
Mỗi năm, phụ huynh học sinh Trường THCS Hiền Ninh (Sóc Sơn - Hà Nội) phải nộp hơn 150 triệu đồng để thuê máy tính cho con em học. |
Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng, lương giáo viên dạy tin học đã có nhà nước chi trả. Toàn bộ Trường THCS Hiền Ninh có trên 670 học sinh, mỗi học sinh đóng 25.000 đồng/tháng x 9 tháng = 225.000 đồng/năm/học sinh x 670 học sinh = 150.750.000 đồng/năm.
Nhà trường thông báo cho phụ huynh là 70% số tiền trên trả cho doanh nghiệp, 30% còn lại thì chi cho quản lý, tiền điện. Tuy nhiên, phụ huynh lý giải rằng, đã là môn học bắt buộc thì trách nhiệm của ban giám hiệu là phải quản lý và các chi phí khác đã do Nhà nước chi trả.
Đây không phải là môn đóng góp bắt buộc nhưng phụ huynh lại không được Nhà trường thỏa thuận, bàn bạc. Vì ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã in sẵn phiếu định giá mức thu, đóng dấu gửi về các gia đình nhưng mãi đến ngày 13/9/2014, Nhà trường mới tổ chức họp phụ huynh.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Hiền Ninh cho biết: “Hợp đồng tin học không phải bây giờ Nhà trường và huyện Sóc Sơn mới làm mà hợp đồng thuê phòng máy có từ 10 năm nay rồi. Khi cơ sở vật chất của địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu thì mời công ty bên ngoài đầu tư. Huyện này có khoảng 4-5 công ty đầu tư, mỗi công ty sẽ ký hợp đồng với 4 -5 trường.
Khi về tiếp quản trường thì đã có chủ trương này rồi nên tôi vẫn cứ duy trì như vậy. Việc thu khoản tiền tin học chúng tôi báo cáo cho huyện đầy đủ. Anh Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng vừa ký cho chúng tôi đây, không phải tôi tự ý thu. Trường nào ở huyện này cũng thu như thế".
Khi nói về thực trạng lạm thu của nhiều trường học trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: Các khoản thu phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Các trường phải công khai, thống nhất với phụ huynh về các khoản đóng góp.
Nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất. Riêng khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh như tiền ăn, chăm sóc bán trú, nước uống..., nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi trên nguyên tắc thu đủ bù chi.
Đặc biệt, các trường không được tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Chi tiết những khoản thu ngoài học phí trong nhà trường tại Hà Nội:
1. Thu, chi phục vụ bán trú
- Tiền ăn: Thỏa thuận với phụ huynh học sinh (HS)
- Tiền chăm sóc bán trú: không quá 150.000 đồng/tháng
- Trang thiết bị phục vụ bán trú không quá 150.000 đồng đối với bậc mầm non/năm học, không quá 100.000 đồng đối với bậc tiểu học và THCS/năm học.
Nội dung chi
a) Tiền ăn: Chi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (nếu có) theo thỏa thuận.
b) Chăm sóc bán trú: Bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú.
c) Trang thiết bị phục vụ bán trú: Trang bị cơ sở bật chất cho bán trú (giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, xoong, nồi, bếp gas…).
2. Thu, chi học 2 buổi/ngày
- Bậc tiểu học: không quá 100.000 đồng/tháng
- Bậc THCS: không quá 150.000 đồng/tháng
3. Thu, chi học phẩm, nước uống
Về học phẩm đối với bậc mầm non thì không quá 100.000 đồng/năm học.
Tiền nước uống không quá 12.000 đồng/tháng…