Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của phụ huynh có con, em đang theo học tại Trường THCS Yên Viên, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị ép học thêm khiến nhiều người bức xúc.
Theo phản ánh, nhiều năm trở lại đây, tại trường THCS Yên Viên thường xuyên tổ chức dạy, học thêm, núp dưới hình thức “sinh hoạt câu lạc bộ” nhắm “ép” học sinh học thêm. Đặc biệt ở 2 bộ môn Tiếng Anh và Toán.
Danh sách cán bộ giáo viên trường THCS Yên Viên, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tự đăng ký tham gia dạy thêm (Ảnh MC) |
Để thu hút học sinh theo học, các giáo viên đã dùng nhiều hình thức nhằm ép buộc nhiều phụ huynh, học sinh phải “tự nguyện” tham gia.
“Khi bước vào đầu năm học, giáo viên đã cho học sinh kiểm tra bài chất lượng đầu năm, ở bài kiểm tra này giáo viên cho học sinh làm những bài tập rất khó,
thậm chí nhiều kiến thức trong bài kiểm tra đó học sinh chưa được học, sau đó đến buổi họp phụ huynh, họ trưng kết quả bài thi ra và "trắng trợn" nhắc nhở các gia đình cho con đi học thêm.
Ngoài ra học sinh nào đi học thêm thì sẽ biết trước được đề bài kiểm tra, đề thi. Cháu nào không đi học thêm, đặc biệt là các cháu đi học giáo viên khác chắc chắn sẽ bị cô giáo đưa vào danh sách “đen” và kết quả học tập sẽ bị đi xuống”, một phụ huynh bức xúc cho biết.
Theo phản ánh của phụ huynh mỗi ca học thường kéo dài 2 giờ, mỗi học sinh phải đóng ít nhất là 50.000 đến 60.000 đồng/buổi, ca nào ít học sinh số tiền của mỗi học sinh phải đóng có khi lên tới 70.000 đến 80.000 thậm chí là 90.000 đồng/buổi.
TP.Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm học thêm trái quy định(GDVN) - TP.Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân dạy thêm học thêm trái với quy định. |
Phụ huynh cũng cho biết, một số giáo viên ép học sinh học thêm tiêu biểu như cô Thạch Thu Hiền, Thạch Thị Hà dạy bộ môn Tiếng Anh.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Hoàng Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Viên, thị trấn Yên Viên cho biết, không có chuyện ép học sinh học thêm. Đồng thời ông Thành cũng khẳng định không tổ chức bất kỳ câu lạc bộ nào để bắt học sinh phải học.
“Chúng tôi đang lập kế hoạch dạy thêm, học thêm và đang chờ UBND huyện Gia Lâm và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm phê duyệt.
Năm nay chúng tôi có 27 lớp, trong đó có 7 lớp 6, 7 lớp 7, học theo mô hình 2 buổi/ngày ở trong trường. Còn lại 7 lớp 8 và 6 lớp 9 thì buổi sáng học chính khóa, buổi chiều tổ chức học ôn tập, tăng cường một số môn cho các em. Những em học sinh nào học thì đăng ký tự nguyện với nhà trường, có hồ sơ đầy đủ.
Ngoài ra thì nhà trường không tổ chức bất cứ một mô hình, câu lạc bộ nào trong nhà trường. Còn việc 2 cô giáo Thạch Thu Hà, Thạch Thị Hiền ép học sinh học thêm thì trong trường chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh gì.
Đối với Cô Thạch Thị Hà thì có tham gia dạy thêm khối lớp 8, 9, còn cô Thạch Thu Hiền thì không phụ trách dạy khối lớp 8,9 nên không đăng ký dạy thêm", ông Hoàng Xuân Thành cho biết.
Nói về việc quán triệt tình trạng dạy thêm trên địa bàn, ông Thành cho biết thêm: "Chúng tôi quán triệt chỉ được dạy thêm ở 2 nơi, 1 là dạy trong trường khi được cơ quan quản lý cấp phép. Thứ 2 là dạy ở ngoài Trung tâm nhưng phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ giáo viên đó. Hiện nay tôi chưa đồng ý cho một ai dạy ở bên ngoài cả”
Được biết, thị trấn Yên Viên đa phần các phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS thị trấn Yên Viên chủ yếu là công nhân, đời sống rất khó khăn.
Vì vậy kinh phí cho con em học thêm cũng là một vấn đề lớn, vì vậy việc o ép học sinh học thêm theo như phản ánh nhà trường cần chấn chỉnh, tôn trọng sự tự nguyện của các học sinh và phụ huynh.
Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố tuân thủ 12 nguyên tắc cơ bản trong thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội yêu cầu các trường học không dạy thêm trước chương trình, không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; số giờ học thêm không vượt số giờ học chính khóa trong ngày và mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn. Các trường không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm, học sinh chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý. Học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu không dạy thêm đối với học sinh tiểu học do các cháu đã được học 2 buổi/ngày. Sở cũng yêu cầu các giáo viên dạy chính khóa không dạy thêm cho học sinh của lớp mình ngoài nhà trường khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo cơ quan quản lý giáo viên đó… Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng quy định về việc thu và quản lý tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường. Đối với dạy thêm trong nhà trường, ở bậc trung học cơ sở mức thu cao nhất cho lớp có dưới 10 học sinh không quá 26.000 đồng/học sinh/tiết; ở bậc trung học phổ thông 32.000 đồng/học sinh/tiết. Mức thu thấp nhất cho lớp có từ 40 học sinh trở lên không quá 6.000 đồng/học sinh/tiết đối với bậc trung học cơ sở và 7.000 đồng/học sinh/tiết đối với bậc trung học phổ thông. Mức thu này do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Mức thu tiền học thêm, dạy thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận của hai bên: Cá nhân, tổ chức dạy thêm với cha mẹ học sinh, người học, phải thể hiện bằng văn bản công khai. |