Nhân clip 'Kẻ lười biếng':

Nhà giáo Phạm Toàn công bố sơ đồ tổ chức lại hệ thống giáo dục

26/04/2013 14:32
Phạm Toàn (nhóm Cánh Buồm)
(GDVN) -Thời đại bây giờ cho phép đào tạo không chỉ một em Đỗ Nhật Nam 11 tuổi bị gán (đôi khi ác ý) danh xưng thần đồng, mà có thể có số lượng thần đồng phổ cập hơn chỉ một em Nhật Nam.
Mấy hôm nay, có chuyện em học sinh lớp 12 tung clip nói nhiều chuyện, trong đó chuyện gây bàn tán sôi nổi là về thời gian cần và đủ cho một thiếu niên vào đời là 9 năm học phổ thông.
Người lớn khắp nơi hưởng ứng và ủng hộ việc thay đổi. Có điều, bàn việc “nên bỏ”, “nên bớt” vẫn còn giản đơn, dễ dãi. 

Bài viết này nhằm góp thêm mấy lời thuộc lý lẽ.
Đầu năm 2010, chính xác là tháng 3/2010, tôi được ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên Giáo Trung ương, đề nghị đến Ban báo cáo về dự án Cải cách giáo dục của nhóm Cánh Buồm. 

Phải nói luôn là văn bản đó được viết ra không với tư cách một dự án. Càng không phải là dự án cải cách giáo dục. Đó chỉ là văn bản giải thích có lập luận, có tầm nhìn, nhằm giúp các đồng nghiệp trẻ tuổi trong nhóm Cánh Buồm mới thành lập hình dung được bộ sách giáo khoa tiểu học có hình thù ra sao, cũng như mục tiêu và cách thức tiếp nối bậc tiểu học sẽ như thế nào, tham vọng của tôi chỉ có vậy thôi.

Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm
Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm

Bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, bình luận, xin mời BẤM VÀO ĐÂY. Trân trọng cảm ơn!
Thế nhưng bản dự thảo đó đã được một hai ba người có thiện cảm trao vào tay ông Vũ Ngọc Hoàng. Và tác giả bản dự thảo còn hồ đồ đó trở thành báo cáo viên trong một cuộc sinh hoạt khoa học, mà từ đó và nhờ đó sẽ còn có thêm các cuộc báo cáo của Hồ Ngọc Đại, Lê Ngọc Trà, và buổi cuối cùng là của giáo sư Hoàng Tụy.
Ở đây, tôi sẽ chỉ nhắc lại chi tiết liên quan đến chuyện “chín năm” thôi. Trong dự thảo của tôi, quan niệm về những năm học đầu đời ở trường phổ thông như sau: Đó là những năm trẻ em hưởng thụ một nền giáo dục phổ thông (chưa chuyên nghiệp) và cơ bản (đủ để vào đời và sống được trong đời). Vì thế mà bậc học đó nên có tên gọi là “Phổ thông cơ sở” (elementary school). Trẻ em sau khi hoàn thành bậc Phổ thông cơ sở sẽ vào đời (sẽ nói rõ hơn bên dưới).

Báo cáo dự thảo của tôi đề nghị bậc phổ thông cơ sở 8 năm. Giáo sư Hoàng Tụy ngồi bên phê phán là “Toàn hà tiện quá”, tám năm quá ít, chưa đủ “cơ sở”, không đủ “cơ bản”. Anh Việt Phương ngồi gần đó nói đệm vào để đùa “Thôi hai anh chia đôi, 9 năm”. 

Đó mới chỉ là phác họa bề ngoài. Sau đó khi loay hoay với bộ chương trình học tiếp nối bộ sách tiểu học Cánh Buồm, tôi mới nhận thấy đúng là phải học 10 năm, nên một sơ đồ hệ thống như dưới đây đã được công bố trong hai cuộc Hội thảo ngày 20/9/2011 tại Quỹ Phan Châu Trinh và ngày 3/10/2011 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (xin coi cuốn Vì một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, Tri Thức xuất bản, Hà Nội, 2011). 

Sơ đồ khuyến nghị tổ chức lại hệ thống giáo dục
Sơ đồ khuyến nghị tổ chức lại hệ thống giáo dục
Xin nói luôn là, trong sơ đồ này bậc học Phổ thông cơ sở cứ bị kéo ra co lại, 8 năm, hoặc 9 năm, hoặc 10 năm. Điều quan trọng là nội dung bên trong tức là cái chương trình Phổ thông cơ sở đó. Sau khi nhóm Cánh Buồm đã hình thành bộ sách theo chương trình bậc tiểu học của mình dự thảo, các đồng đội trong nhóm giao nhiệm vụ cho tôi phải thảo xong trước cuối năm 2013 toàn bộ chương trình từ lớp 1 kéo lên hết cấp. Quá trình soạn thảo cho thấy là... chỉ cần chin năm thôi! Nhưng chuyện chi tiết đó hãy để lại sau, bây giờ cho phép tôi nói về sơ đồ Giáo dục phổ thông đã vẽ ra ở bên trên.

Theo sơ đồ này, trước hết chúng ta cần phải có định nghĩa về bậc học. Gọi “định nghĩa” cũng được, hay nói xác định nhiệm vụ bậc học cũng thế thôi, nhưng nếu nghĩ đến việc thực thi chương trình trong tay các giáo viên và học sinh, thì nên dùng thuật ngữ nhiệm vụ bậc học hơn.

Theo hệ thống Giáo dục cấu trúc lại, nhiệm vụ bậc học Phổ thông cơ sở là tạo cho học sinh một năng lực vào đời phổ thông tối thiểu. 

“Vào đời” là đi đâu?

Vào đời không chỉ có nghĩa là đi kiếm sống. Ngoài chuyện kiếm sống, sẽ còn vào đời qua nhiều ngả, mà ít nhất là có những ngả sau:

• Học một năm Phổ thông hướng nghiệp (PTHN) để đi tiếp vào trường dạy nghề loại I. 

• Học thêm một năm Phổ thông hướng nghiệp nữa để đi tiếp vào trường dạy nghề loại II (dĩ nhiên là khó hơn). 

• Học hai năm Phổ thông Trung học chuyên ban (PTCK) để đi tiếp vào trường nghề mang nhiều tính nghiên cứu hơn là thực hành – bậc đại học. Nhiệm vụ bậc Phổ thông trung học này cần được xác định là bậc tập nghiên cứu để chuẩn bị cho bậc Đại học là bậc có nhiệm vụ tập độc lập nghiên cứu.

• Có một nhánh Dự bị đại học với nhiệm vụ đón hai loại học sinh: một loại là những em đã chọn con đường học nghề, nhưng rồi lại tiếc, muốn thử sức vào con đường nghiên cứu; và một loại là những em đã chọn con đường đi qua bậc Trung học phổ thông chuyên ban nhưng năng lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của bậc Đại học. 

Khi xác định nhiệm vụ bậc học như trên trong cả hệ thống, tất yếu có việc xác định chương trình học và kèm theo chương trình nhất thiết phải xác định cách học cho từng bậc học đó.

Tuy không đi sâu vào chi tiết chương trình học, nhưng lại rất cần bàn về quan điểm dắt dẫn việc xây dựng chương trình học. Về việc này, ít nhất cần thỏa thuận với nhau mấy điều sau.

1. Chương trình học và cách học ở bậc phổ thông cơ sở sẽ được xác định như sau. Trước hết, có một khúc tương đương với bậc Tiểu học hiện thời. Khúc này có nhiệm vụ xây dựng phương pháp học cho trẻ em – cái phương pháp học sẽ theo người học suốt đời, kể cả khi người đó “phá ngang” không đi học nữa, chỉ đi kiếm sống. Chương trình học và cách học ở “khúc” tiểu học này không thể đơn giản phán một câu “chỉ cần... chỉ cần...” là đủ! Trẻ em thời đại ngày nay có khả năng đạt nhiều hơn là những thứ bị áp đặt chủ quan theo lối “chỉ cần... chỉ cần...” 

Thời đại bây giờ, với sự khám phá cơ chế tự học của con người ngay từ lớp Một, đã có thể đề ra yêu cầu chất lượng rất cao và đạt được với cách học rất dễ thực hiện yêu cầu chất lượng đó. Thời đại bây giờ cho phép đào tạo không chỉ một em Đỗ Nhật Nam 11 tuổi bị gán (đôi khi ác ý) danh xưng thần đồng, mà có thể có số lượng thần đồng phổ cập hơn chỉ một em Nhật Nam. 

Tiếp theo khúc “tiểu học” nói trên, là giai đoạn học dùng phương pháp đã chiếm lĩnh được để tự đi tìm kiến thức. Đó chẳng qua vẫn là sự mở rộng của cái năng lực đã tự tạo ra mà thôi. Thời Pháp thuộc khúc học tập này có tên là “Cao đẳng tiểu học” (mà rất nhiều vị cách mạng tiền bối đã được trang bị), nay có thể hiểu như là khúc Tiểu học nâng cao, và có thể gọi chính thức như sau chăng: PHỔ THÔNG CƠ SỞ bậc 2 tiếp nối vào bậc PHỔ THÔNG CƠ SỞ bậc 1 (cái khúc “Tiểu học” như vừa nói đến).

2. Chương trình học và cách học ở bậc phổ thông hướng nghiệp cần mang tính chất cơ bản và thực dụng. Nếu thực dụng quá, có khi việc học sẽ chỉ còn lại là những “Sổ tay”, những “cẩm nang nghề nghiệp”. Thế nhưng, ngay việc tra cứu sổ tay tưởng là thực dụng song đâu có phải bất kỳ ai cũng có năng lực tra cứu đúng? Bên cạnh đó, cần thấy là bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật và công nghệ, người công nhân khi hành nghề còn có những mối quan hệ người – phải biết sống chung, biết nhận và ra lệnh, biết giải thích các lệnh, biết tháo ngòi xung đột trong nội bộ, chưa kể là cũng phải biết nhiều kiến thức xã hội – nhân văn mà nếu thiếu chúng con người chỉ còn là những con robot. 

Vì thế, có lẽ những câu hỏi tựa như “có cần học Toán không”, “có cần học Văn không” sẽ chỉ thể hiện một tầm nhìn hạn chế đối với phẩm tính Người của em học sinh trường dạy nghề. Câu hỏi đúng đắn hơn có lẽ nên là: có cách thức học các môn Toán và Văn ra sao để khi ra trường những chàng trai cô gái công nhân kia thấy mình không bị gắn vào cỗ máy như kẻ nô lệ – ấy là chưa kể chương trình học 9 năm này cũng cần có cả một độ mở nhất định để người công nhân thấy rõ mình vẫn có cơ hội thay đổi hướng đi trong một cuộc đời rất dài...
Sao lại 9 năm? Chín năm học theo nội dung nào và theo cách học nào sẽ là đủ hay vẫn là thiếu cho một trang thiếu niên vào đời? 

Có những ai đó sẽ muốn nói thêm: Còn tùy vào cái triết lý giáo dục cần có và phải có cho cuộc thay đổi lớn về giáo dục. Có thể như vậy lắm. 

Dẫu sao, có một hằng số bất biến ở con người mà công cuộc giáo dục muốn tạo dựng: những học sinh của một sự nghiệp giáo dục mới nhất thiết phải là những kẻ tự chủ, có trách nhiệm, và có tâm hồn phong phú.

Điều bất biến đó, nhóm Cánh Buồm chúng tôi đã lý giải trong sách đã dẫn: Vì một nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Rất mong được chia sẻ! 
Bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, bình luận, xin mời BẤM VÀO ĐÂY. Trân trọng cảm ơn!
Phạm Toàn (nhóm Cánh Buồm)