Nói sao với cán bộ hưu trí?

14/04/2011 11:59
Hàng triệu người đang nhận lương hưu, trợ cấp hoảng hồn trước thông tin Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Hàng triệu người đang nhận lương hưu, trợ cấp theo diện chính sách... đã hoảng hồn trước thông tin Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, kéo theo sự sa lầy của Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).


Cụ thể, theo xác minh của Kiểm toán Nhà nước, Quỹ BHXH có thể mất 610 tỉ đồng do hoạt động đầu tư 1.010 tỉ đồng vào ALC II, bởi hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng NN&PTNT chỉ 400 tỉ đồng.

Trước các thông tin này có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp rành mạch để những người đang hưởng chính sách yên tâm. Bởi theo luật, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Chính vì mục tiêu tối đẹp ấy, Luật BHXH nói rõ “Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư Quỹ BHXH và các biện pháp cần thiết khác để bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản”.

Thế nhưng để ngăn ngừa việc lạm dụng quỹ, bên cạnh việc thiết kế hội đồng quản lý quỹ gồm lãnh đạo nhiều bộ ngành, luật nói rõ “Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích”. Tại khoản 3 Điều 14 ghi rõ hành vi bị nghiêm cấm là “sử dụng Quỹ BHXH sai mục đích”.

Còn nhớ khi thảo luận dự luật này ở Quốc hội, có nhiều đại biểu đã e ngại về đề xuất của ban soạn thảo cho phép Quỹ BHXH được tham gia một số hoạt động đầu tư sinh lời, bởi bên cạnh tiền góp của người lao động còn có ngân sách hỗ trợ. Nhưng rồi Quốc hội đã đồng ý, song để thận trọng và đảm bảo cho mục tiêu chính, luật thiết kế hẳn một số điều về nguyên tắc đầu tư là “phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết” (Điều 96) và các hình thức đầu tư (Điều 97). Đáng lưu ý là trong bốn hình thức được nêu không có hình thức nào cho phép mang tiền của quỹ đưa cho doanh nghiệp vay cả.

Cho vay vượt hạn mức bảo lãnh đến 610 tỉ đồng (như ALC II) thì càng bị nghiêm cấm. Thế nhưng “con voi” vẫn chui qua “lỗ kim” và hội đồng quản lý quỹ (gồm lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tài chính, Nội vụ, Y tế....) sẽ trả lời Quốc hội, trả lời những người hưởng chính sách, hưu trí ra sao?

Theo Phan Mai/Pháp luật TPHCM