Siêu Mặt Trăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Tp HCM?

17/04/2011 16:45
Đêm nay 17/4, một lần nữa, Mặt Trăng sẽ lại ở rất gần Trái Đất. Hiện tượng này có tác động đến thủy triều khiến nhiều người lo ngại Tp.HCM sẽ gặp nguy.

Đêm nay 17/4, một lần nữa, Mặt Trăng sẽ lại ở rất gần Trái Đất. Hiện tượng này có tác động đến thủy triều khiến nhiều người lo ngại Tp.HCM sẽ gặp nguy.

Siêu mặt trăng có liên quan đến thảm họa?

Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam khẳng định không có mối liên hệ nào giữa việc Mặt Trăng và Trái Đất tiến gần nhau với các thảm họa, động đất, sóng thần... bởi lực hấp dẫn giữa Mặt Trăng và Trái Đất không đủ lớn để làm biến dạng, thay đổi cấu trúc địa tầng của Trái Đất. Hiện tượng siêu Mặt Trăng ngày 19/3 xảy ra gần với thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3 chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên.

Điểm tác động duy nhất của Mặt Trăng tới Trái Đất là làm cho thủy triều thay đổi. "Do địa hình thấp, mật độ sông nhiều nên TP.HCM dễ bị ảnh hưởng bởi thủy triều, đặc biệt là triều cường. Tuy nhiên, thực tế, mức tác động là rất nhỏ so với các thiên tai khác. Nếu thời điểm Mặt Trăng và Trái Đất gần nhau đúng vào ngày rằm cũng chỉ làm thủy triều tăng thêm khoảng 10%. Tác động thủy triều đối với Tp.HCM là không đáng lo ngại", ông Phường khẳng định.

Hình ảnh
Hình ảnh "Siêu Mặt trăng" chụp qua kính thiên văn tại Việt Nam. (Ảnh Thủy Nguyên)



Không phải hiện tượng lạ

Giải thích hiện tượng này, ông Phường cho biết: Việc Mặt Trăng và Trái Đất đến gần nhau không phải là hiện tượng lạ. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất không phải theo quỹ đạo tròn mà theo quỹ đạo hình elip vì thế có lúc Mặt Trăng ở xa Trái Đất (viễn điểm) lúc lại ở rất gần Trái Đất (cận điểm). Trong mỗi chu kỳ quỹ đạo, Mặt Trăng đều đi qua cận điểm và viễn điểm.

Nghĩa là, trong mỗi chu kỳ quỹ đạo, Mặt Trăng và Trái Đất cũng ở gần với nhau nhất tại một thời điểm nào đó. Đôi khi do ngẫu nhiên Mặt Trăng và Trái Đất ở gần nhau vào đúng ngày rằm (ngày 19/3 vừa qua là một ví dụ). Khi đó người ta gọi sự trùng hợp này là "siêu Mặt Trăng" bởi do rơi vào đúng ngày rằm nên Mặt Trăng sẽ sáng và lớn hơn ngày thường.

Dự kiến đêm nay 17/4, Mặt Trăng không sát Trái Đất, vì thế độ sáng chỉ hơn khoảng 20% và to hơn khoảng 10% so với ngày bình thường.

Diễn ra nhiều sự kiện trùng lặp ngẫu nhiên

Cũng trong ngày 17/4, một hiện tượng kỳ thú của thiên văn sẽ xuất hiện: Vào khoảng 19h, nếu quan sát Mặt Trăng sẽ thấy Mặt Trăng cùng với sao Thổ (Saturn) và sao Spica (ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Virgo) ở gần nhau trên bầu trời. Chúng lập thành một tam giác vuông mà Mặt Trăng chính là góc vuông.

Một hiện tượng thiên văn khác đáng chú ý đó chính là sự hội ngộ của 4 hành tinh Thủy, Kim, Hỏa, Mộc. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, vào rạng sáng (khoảng 4h30 - 6h), có  thể hướng mắt về chân trời phía Đông (phía chòm sao Song Ngư) sẽ thấy sự hội tụ của 4 hành tinh này. Khác với những vì sao khác, những hành tinh này không nhấp nháy và có màu sắc rất đặc trưng ví dụ, sao hỏa đỏ rực như lửa...
 
Theo ĐS&PL