LTS: Sau những chia sẻ của các độc giả về vấn đề “học thêm, dạy thêm” ở nước ta hiện nay, là một nhà giáo đã về hưu tại Cộng hòa liên bang Đức, tác giả Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến chúng ta những thông tin về việc dạy và học thêm tại quốc gia này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau một số bài viết về chủ đề “học thêm, dạy thêm” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam như “Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học?” đăng ngày 04/11/17; “Bộ Giáo dục chỉ đạo thanh tra việc dạy thêm và thu chi đầu năm học”, đăng ngày 08/11/17; “Cô giáo có 33 năm kinh nghiệm khuyên học sinh tiểu học không cần học thêm” đăng ngày 18/11/17... để cung cấp thêm tư liệu và cùng tham gia thảo luận, tôi xin gửi đến bạn đọc trong nước bài viết về chủ đề này.
Ở Cộng hòa liên bang Đức vào năm học 2016 - 2017 có khoảng 11 triệu học sinh. Trong đó khoảng 1,2 triệu em được cha mẹ gửi đi học thêm. Trong số trẻ học thêm này, khoảng 33% có kết quả học tập từ trung bình trở lên.
Tại sao lại học thêm? Để trả lời câu hỏi này, bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa liên bang Đức đã lập tức cấp kinh phí cho một đề tài “nghiên cứu việc học thêm, dạy thêm”.
Dưới sự chủ trì của giáo sư Klaus Klemm và Nicole Hollenbach-Biele, đề tài nghiên cứu thống kê về chủ đề này đã được triển khai khẩn trương.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy:
- Học thêm là quyết định cá nhân của phụ huynh. Hầu hết trẻ học thêm ở độ tuổi từ 6 đến 16.
- Hàng tháng phụ huynh phải trả cho mỗi học sinh tiền học thêm trung bình là 87 Euro.
- Hầu hết trẻ học thêm là con em của người Đức có thu nhập tốt. Chỉ có 12 đến 15% học sinh Đức xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp được tham gia học thêm.
- Tỷ lệ học sinh con em người nước ngoài được học thêm chiếm từ 11 đến 14 %.
Hiện nay, tồn tại ở Đức 2 hình thức dạy thêm:
1) Dạy tư ở nhà riêng: Giáo viên tự đến nhà học sinh 1 -2 lần trong một tuần tùy theo thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên (khoảng 50% giáo viên là sinh viên của các trường đại học Sư phạm và Tổng hợp). Hình thức này tất nhiên đắt tiền hơn.
Sinh viên Đại học sư phạm dạy thêm tại nhà riêng (Ảnh: tác giả cung cấp). |
2) Các tổ chức tư nhân dạy thêm: Họ thuê giáo viên và phòng học để tổ chức các lớp học thêm. Mỗi lớp có khoảng 5 - 8 học sinh. Thời gian học thêm từ 1 đến 2 lần trong 1 tuần. Tùy theo nơi ở của từng gia đình, phụ huynh sẽ tự tham khảo, lựa chọn và đăng ký chỗ cho con học thêm.
Sơ bộ đánh giá chung về việc học thêm, dạy thêm:
- Chưa có và không thể đặt ra quy định thống nhất của Nhà nước về việc dạy thêm. Ai được phép là giáo viên dạy thêm? Dựa vào đâu để giáo viên định hướng nội dung dạy thêm cho từng môn?
- Chưa có và rất khó lập ra được tiêu chuẩn hóa cho chương trình dạy thêm. Do vậy tồn tại hiện tượng không đồng bộ giữa chương trình học chính quy và học thêm, gây khó khăn và đôi khi hoang mang cho học sinh, tốn kém cho cha mẹ.
- Chưa có hiệu quả tốt, đồng bộ và rõ rệt đến thành tích học tập của tất cả trẻ học thêm.
- Điểm tiêu cực ở đây là: Việc học thêm, dạy thêm gây ra nhiều mâu thuẫn, phụ huynh trả tiền nhiều cho việc học thêm, nhưng kết quả học tập của nhiều em không tăng lên như mong muốn.
Học sinh bị áp lực học ở trường và ở nhà, thiếu thời gian để vui chơi và nghỉ ngơi. Vì vậy các em thường mệt mỏi và không có hứng thú học...
- Nhiều phụ huynh đã giao phó việc học tập của con cái hoàn toàn cho Nhà trường chính quy và giáo viên dạy thêm. Không có thời gian quan tâm đến học tập của trẻ.
Hiện tượng này cần phải kịp thời ngăn chặn. Bởi vì tất cả các buổi chiều, học sinh phải tự giác làm bài tập và học tại nhà.
Việc học thêm chỉ diễn ra 1-2 lần trong 1 tuần, do vậy giáo viên dạy thêm không thể đắp kín mọi lỗ hổng, chỗ yếu của các em trong từng môn học...
Từ kết qủa nghiên cứu trên, giáo sư Klaus Klemm đã đề nghị:
A) Đối với học sinh tiểu học:
Các em ở độ tuổi 6 đến 10, phụ huynh phải hàng ngày đưa đón các em đi học. Nếu cả cha và mẹ có ít thời gian theo dõi, giúp đỡ con trong việc học tập, thay vì cho con học thêm, phụ huynh nên gửi con học ở trường học cả ngày .
Buổi sáng, các em học tập theo thời khóa biểu của trường, thường từ 8 đến 13 giờ. Sau đó các em được ăn bữa trưa (ăn nóng) ở nhà ăn của trường. Hàng ngày, nhà bếp sẽ có từ 2 đến 3 thực đơn để các em lựa chọn.
Học sinh ăn trưa ở trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Sau khi ăn trưa, từ 13:30 giờ các em sẽ về phòng học để nghỉ ngơi, làm bài tập và cùng vui chơi dưới sự giúp đỡ, giám sát của giáo viên. Nhiệm vụ của các cô giáo là quản lý, giúp đỡ học sinh làm bài tập, vẽ hoặc làm thủ công...
Học sinh làm thủ công buổi chiều ở trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Thỉnh thoảng, cô giáo đưa các em ra chơi ở ngoài trời, hít thở không khí trong lành hoặc đến phòng thể thao để tập thể dục nhịp điệu...
Tập thể dục nhịp điệu buổi chiều ở trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Muộn nhất là 16:30 giờ cha mẹ phải đón học sinh về nhà. Bởi vì các em đã hoàn thành bài tập ở trường nên cha mẹ có nhiều thời gian để chuyện trò, vui chơi với con. Nhờ đó giảm được căng thẳng cho phụ huynh và học sinh.
Lệ phí cha mẹ phải đóng góp cho con, tùy theo cách tổ chức riêng của từng trường tiểu học. Song về nguyên tắc, sẽ rẻ hơn nhiều so với việc thuê thày dạy thêm.
Ưu thế nữa của việc học cả ngày ở trường là học sinh được chăm sóc toàn diện cả tuần. Nhờ đó, phụ huynh sẽ có nhiều thời gian để tập trung cho công việc và chăm sóc gia đình. Nếu tổng thu nhập của cha mẹ không cao, họ có thể nộp đơn xin trợ cấp của nhà nước để gửi con ở trường.
B) Đối với học sinh từ lớp 5 đến lớp 10:
- Nếu cha mẹ có thu nhập cao, họ có thể gửi con đi học ở trường tư nội trú. Thực tế đã chứng minh rõ, học sinh ở trường tư nội trú đã có kết qủa học tập tốt và được giáo dục toàn diện hơn.
- Nếu sức học của các em đuối, kém và kinh tế gia đình không cho phép, phụ huynh có thể gửi con học thêm với những chú ý như sau:
· Tìm những tổ chức dạy thêm có tổ chức 4 tiết học thử không mất tiền. Qua buổi học thử này, mỗi học sinh sẽ cảm nhận được và tự quyết định có tham gia học thêm hay không.
· Phụ huynh nên có hỏi đáp trực tiếp với giáo viên dạy thêm để nhận biết trình độ và phong cách của giáo viên, người mà họ gửi gắm niềm tin để nâng cao chất lượng học tập cho con em mình.
· Tìm các lớp dạy thêm chỉ nhận tối đa 5 học sinh. Có như vậy, giáo viên mới có đủ thời gian để giúp từng học sinh sâu sát hơn.
C) Đề nghị tăng cường xây dựng, mở rộng thêm trường cho học sinh yếu kém từ lớp 5 đến lớp 10
Hiện nay mô hình này còn chưa nhiều và đang ở giai đoạn thí điểm bước đầu, song về cơ bản đã thu được kết qủa rất khả quan. Điển hình dưới đây là một trường phổ thông cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10 đã thu được kết qủa rất tốt:
Trường trung học cơ sở Winnenden, ở gần Stuttgart.
Nhà trường nhận quản lý và giúp đỡ học sinh hàng ngày, từ 11:50 đến 17:00 giờ. Sau khi tan học ở các trường trường trung học cơ sở khác nhau, học sinh đến trường để ăn trưa.
Thời khóa biểu cho học sinh ở trường trung học cơ sở Winnenden như sau:
- Từ 11:50 đến 13:30 giờ, học sinh được ăn trưa và nghỉ ngơi tự do.
- Từ 13:30 đến 15:00 giờ, học sinh làm bài tập dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
- Từ 15:00 đến 16:30 giờ, học sinh tham dự các môn học ngọai khóa đã đăng ký theo sở thích như: Tập chơi các loại nhạc cụ khác nhau, hát, kịch, vẽ, tạc tượng, các môn thể thao, nấu ăn, làm bánh...
Mỗi môn học ngoại khóa có một giáo viên chuyên nghiệp đảm nhận.
Nhóm ngoại khóa ca, nhạc của trường mở rộng Winnenden (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Qua một thời gian hoạt động, kết quả thu được của trường rất khả quan. Học sinh được giúp đỡ tận tình và sâu sát từng ngày, kết quả học tập của từng em tăng lên rõ rệt. Chính vì vậy số lượng học sinh đăng ký học buổi chiều ở trường Winnenden ngày một tăng lên.
Nhóm ngoại khóa nghệ thuật của trường trung học cơ sở cả ngày (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Kinh phí cho trường học cả ngày:
Tùy thuộc vào số lượng học sinh tham gia học cả ngày mà kinh phí bổ đầu mỗi em có khác nhau. Nếu số lượng học sinh gửi tăng lên thì kinh phí sẽ càng được giảm xuống:
- Tiền ăn trưa cho học sinh thống nhất là 3,5 Euro/bữa.
- Tiền kinh phí toàn bộ cho giáo viên và bộ phận hành chính/1 học sinh là 98 Euro/tháng.
- So sánh với các hình thức học thêm khác thì phương án này kinh tế và hiệu qủa nhất.
Ưu điểm nổi trội của việc gửi con học ở trường cả ngày là: Học sinh được gửi có tinh thần tập thể cao hơn, ý thức tự lập rõ rệt hơn và kết quả học tập tốt và ổn định hơn.