Năm 2018, những kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cho thấy rất nhiều sai phạm trong việc thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm.
Trong diễn biến liên quan mới nhất, một trong những cá nhân liên quan đến các sai phạm tại Thủ Thiêm là ông Tất Thành Cang đã bị xử lý kỷ luật.
Theo đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII.
Cách chức Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn |
Một trong những vi phạm của ông Tất Thành Cang là liên quan đến vụ Thủ Thiêm. Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lí đầu tư xây dựng trong việc kí quyết định phê duyệt dự án và kí tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện Quốc hội nhấn mạnh, việc xử lý kỷ luật ông Tất Thành Cang thể hiện rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn đau đáu 3 vấn đề sau vụ Thủ Thiêm.
"Thứ nhất, một trong những cái “đau” nhất ở vụ việc này tôi từng phát biểu ở Quốc hội rằng, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đoàn đại biểu lớn nhất của cả nước.
Hội đồng nhân dân Thành phố là tổ chức dân cử lớn hàng tỉnh lớn nhất của cả nước. Nền kinh tế của Thành phố cũng là phát triển nhất cả nước.
Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng có triết lý hành động rất ý nghĩa: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Nói về kinh nghiệm về giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của Thành phố tôi cho cũng là đứng đầu cả nước. Chính vì thế, Thành phố mới được đặt ra cho cơ chế đặc thù", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Ông đặt câu hỏi, vậy tại sao 20 năm qua, người dân Thủ Thiêm đi khắp nơi cầu cứu… mà đảng bộ, cơ quan dân cử, chính quyền, mặt trận…của Thành phố không giải quyết, mới chỉ “phủi bụi” thôi.
Vị Phó Trưởng ban Dân nguyện cho hay, ông biết vụ Thủ Thiêm có được nhắc đến nhưng chỉ giải quyết kiểu lòng vòng chứ không làm quyết liệt để cho Đảng bộ, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải quan tâm thực sự.
"Thứ hai, nữa là không ai làm “động tác” để Trung ương hiểu rõ, quan tâm giải quyết việc này. Đó là vấn đề người dân cả nước đặt ra.
Tại sao khi người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ thì anh lại ém nhẹm bao nhiêu năm nay. Vậy thì sinh ra bộ máy, cán bộ để làm gì? Chí ít cấp xã phường, cấp quận phải chuyển động chứ. Nhưng sự thật hoàn toàn không được phơi bày. Có lẽ nghi vấn về nhóm lợi ích và bệnh thành tích là có thật?", đại biểu Nhưỡng nói
Theo ông, vụ việc Thủ Thiêm không những Nhân dân thành phố mà cả nước đều quan tâm.
"Tôi cho rằng đây là bài học đau xót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Và cũng là một trong bài học rất lớn về thực hiện quyền giám sát của cơ quan dân cử, bao năm bỏ trận địa, không làm được.
Từ công tác tiếp dân, phản ánh, giải quyết các kiến nghị rồi đến khiếu nại, tố cáo, từ vấn đề có tính chất đạo đức xã hội đến hành chính và cả các vấn đề tư pháp.
Toàn bộ vụ Thủ Thiêm biến thành một “lô cốt”, sự sai phạm trong “lô cốt” này không công phá được đến bây giờ phải có sự quyết tâm rất lớn của Trung ương mới phá được.
Lẽ ra trước đây có thể chỉ bằng “vũ khí giám sát” thì có thể hạ gục được lô cốt này rồi!", đại biểu nhận định.
Vì vậy theo ông, dư luận có thể đặt ra là: thứ nhất, việc giám sát chưa đến nơi đến chốn; thứ hai, là có thể có người trong cơ quan dân cử, chính quyền cấp dưới và không loại trừ cấp thành phố dung túng, bao che cho vi phạm đó; thứ ba là có khả năng có nhóm lợi ích trong đó có người ở trong cơ quan dân cử.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá: "Cứ thế nhiều năm trôi qua, nó như hệ thống “băng giá” với quyền lợi của người dân.
Tôi không phải người bị xâm hại quyền lợi, tôi cũng không phải người dân Thủ Thiêm nhưng rất chia sẻ với bà con ở đây. Bản thân tôi cũng thực sự thấy rất đau xót, ái ngại vì mình rất tiếc là không làm được điều gì hơn cho bà con.
Tôi hy vọng năm 2019, vụ Thủ Thiêm sẽ được giải quyết căn bản. Nhưng theo tình hình này có ý kiến cho rằng để giải quyết toàn diện hậu quả của vụ Thủ Thiêm thì có lẽ hết nhiệm kỳ này cũng chưa chắc.
Bởi vì Thủ Thiêm nó không chỉ là động chạm đến quyền lợi người dân của Thành phố. Mà nó còn động chạm đến lợi ích của cả nước".
Ông dẫn chứng, ví dụ như các dự án đầu tư vào con đường ở khu vực đó các doanh nghiệp nói với ông là chỉ cần 2,5 nghìn tỷ đồng thì họ làm đến 10.000 tỷ đồng. Đấy là câu chuyện của cả nước chứ đâu của riêng Thành phố.
Đặc biệt ông phân tích, cán bộ lãnh đạo của Thành phố giai đoạn trước đó có nhiều vị đứng trong hàng ngũ “đại thần” lãnh đạo của cả nước. Bao nhiêu người chúng ta đã đặt niềm tin, ca ngợi thế bây giờ xử lý trách nhiệm của họ đến đâu là câu chuyện của cả nước, của Trung ương đâu phải của riêng thành phố.
Cán bộ có sai phạm liên quan đến vụ Thủ Thiêm sẽ bị xử lý trong tháng 11 |
Có những điều thành phố không thể tự mình quyết định vì trước đó đã không dùng hoặc sử dụng quyền không đúng rồi, nay sự việc đã chuyển tính chất.
Thứ ba, đầu tư vào Thủ Thiêm có doanh nghiệp của cả nước, của thế giới đầu tư. Không thể giải quyết trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, “đóng cửa bảo nhau mà được”.
"Tôi ví dụ như câu chuyện nhà hát. Nếu như đó là trường học, bệnh viện hay trung tâm thương mại… phục vụ dân thì câu chuyện sẽ khác. Nhưng đấy lại là nhà hát.
Vì thế tôi mới phát biểu là phải chăng đang xây nhà hát Thủ Thiêm để ngợi ca trên nỗi đau của người dân. Mình góp ý có thể hơi “nặng” đôi chút nhưng nó thật lòng, không hề tâm địa, đi thẳng vào thực trạng.
Vậy ai giận hay không đồng ý chỉ là nhất thời, nếu phản đối thậm chí có thể bị xã hội lên án.
Vấn đề đặt ra rất nhiều vì thế năm 2020 – 2021 khó có thể giải quyết xong. Tôi hy vọng rằng nếu 2021 nếu xong được thì rất tốt, rất mừng cho thành phố và cho bà con", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.