6 học viên Lào được nhận bằng Thạc sĩ của Đại học Kinh tế Đà Nẵng

08/04/2018 06:48
Tấn Tài
(GDVN) - Trong tổng số 160 tân Thạc sĩ được trao bằng đợt này thì có 6 Thạc sĩ người Lào, là những người đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức Chính phủ Lào.

Ngày 7/4, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ đợt 1 năm 2018 cho 160 học viên.

Các học viên này đã hoàn thành các học phần và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh.

Tân Thạc sĩ đến từ Bộ Công thương Lào vui mừng nhận bằng tốt nghiệp của trường Đại học ở Việt Nam. Ảnh: TT
Tân Thạc sĩ đến từ Bộ Công thương Lào vui mừng nhận bằng tốt nghiệp của trường Đại học ở Việt Nam. Ảnh: TT

Đặc biệt, có 6 học viên đến từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cũng được trao bằng Thạc sĩ. Họ là những người đã tốt nghiệp Đại học tại các trường Đại học của Việt Nam.

Sau một thời gian trở về công tác trong các cơ quan, tổ chức của chính phủ Lào như: Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư... thì các học viên đăng ký học lên Thạc sĩ tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Bạn KhonNapha (đến từ Thủ đô Viên Chăn, Lào) chia sẻ: “Em đã có bảy năm sinh sống và học tập tại Đà Nẵng.

6 học viên Lào được nhận bằng Thạc sĩ của Đại học Kinh tế Đà Nẵng ảnh 2“Cảm ơn Việt Nam đã đào tạo chúng em để trở về xây dựng đất nước”

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh thương mại, em được học bổng của Chính phủ Lào để học lên Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Em cảm ơn nhà trường, các bạn Việt Nam đã giúp em hoàn thành khóa học trong thời gian ngắn nhất”.

KhonNapha hiện đang là chuyên viên chính tại Bộ Công thương của Lào. Cô chia sẻ thêm sẽ tiếp tục trở lại Việt Nam để học tập và làm nghiên cứu sinh.

Nền giáo dục Việt Nam rất tốt, được đầu tư bài bản, chất lượng. Còn người Việt thì chăm học và tư duy giỏi. Em đã học được rất nhiều điều trong những năm tháng ở Việt Nam”, KhonNapha tâm sự.

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, với  sứ mệnh tạo dựng một môi trường học thuật tiên tiến, nhà trường luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

“Kể từ tháng 12/2014, khi trường được giao quyền tự chủ quản lý toàn bộ các hoạt động đào tạo sau đại học, trường đã thu hút hàng trăm nghiên cứu sinh, đào tạo hàng nghìn thạc sĩ.

Với 4 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ và 6 chuyên ngành Thạc sĩ, đội ngũ học viên cao học và nghiên cứu sinh của nhà trường không chỉ là cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam mà còn đến từ các nước bạn như Lào, Campuchia ...”, thầy Toàn chia sẻ.

Với quan điểm “đào tạo sau đại học đặc biệt là đào tạo Tiến sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành trường Đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực”;

Nhà trường không chỉ tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, mà còn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Đặc biệt là xây dựng phòng nghiên cứu với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhằm mang đến một môi trường học tập, làm việc với điều kiện tốt nhất cho nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên, giảng viên – thầy Toàn thông tin thêm.

Tấn Tài